Ngày 25.8, một cháu bé 8 tuổi ở Cẩm Giàng đã tử vong trong khi chơi đùa do bị trụ cổng đổ vào người. Ngày 23.8, một cháu bé 11 tuổi ở huyện Kim Thành đuối nước tại bể bơi.
Mấy ngày trước đó, 3 cháu bé ở Đắk Nông đang chơi ở sân nhà thì bị một con chó dại xông vào cắn… Việc trẻ gặp tai nạn ở cả những nơi tưởng như an toàn nhất như nhà riêng, trường học đang diễn ra phổ biến đến nỗi khiến người ta có cảm giác tử thần có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, đe dọa sự an toàn của các em.
Nhiều vụ tai nạn xảy ra do sự lơ là, bất cẩn của người lớn khiến trẻ rơi vào những tình huống nguy hiểm mà không có người cứu giúp kịp thời. Trẻ không có lỗi trong việc xảy ra tai nạn cho dù có những tai nạn xuất phát từ sự nghịch ngợm của trẻ bởi các em nhận thức, thể chất đều yếu ớt. Chính vì vậy, trẻ cần sự quan tâm, bảo vệ của người lớn để không rơi vào hoặc tự gây ra những tình huống nguy hiểm cho bản thân. Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được bảo vệ theo 3 cấp độ, cấp độ đầu tiên chính là phòng ngừa. Nếu phòng ngừa được thực hiện tốt thì trẻ sẽ luôn được an toàn mà không cần tới sự bảo vệ ở cấp độ hỗ trợ và can thiệp.
Những năm gần đây, việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ em, trong đó có các kỹ năng thoát khỏi những tình huống nguy hiểm được quan tâm, chú trọng. Nhiều nội dung kỹ năng sống được đưa vào trường học, nhiều lớp kỹ năng sống được mở tại các trung tâm giáo dục. Những kiến thức học được có thể sẽ giúp trẻ thoát hiểm trong nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo. Nhưng tốt nhất là chúng ta không để trẻ phải lâm vào những hoàn cảnh đó vì đến những người lớn có kiến thức, kinh nghiệm mà nhiều khi còn không thể nhớ được các kỹ năng lúc cần sử dụng nên trẻ có thể sẽ không thực hành hiệu quả. Kỹ năng sống quan trọng nhất với trẻ là ghi nhớ, nhận thức nguy cơ nguy hiểm để tránh, tức là vẫn ở cấp độ phòng ngừa. Ví dụ, trẻ cần biết cách xử lý tình huống khi thấy người khác có nguy cơ đuối nước, biết bơi như thế nào cho an toàn dù là bơi trong bể bơi. Nếu không biết những kiến thức đi kèm đó thì trẻ vẫn có nguy cơ bị đuối nước dù biết bơi và trên thực tế, trong số những trẻ bị đuối nước, có nhiều em biết bơi thành thạo. Kỹ năng bơi cũng không giúp trẻ an toàn nếu người lớn vẫn để trẻ đi bơi dù là ở sông, hồ hay bể bơi mà không có sự giám sát.
Để trẻ được an toàn, cha mẹ cần luôn sát sao với các hoạt động của trẻ, nắm chắc chắn trẻ đang ở đâu, làm gì, với ai; không nên để trẻ nhỏ tự chơi một mình hoặc chơi cùng nhau mà không có mặt người lớn. Cha mẹ cần lường trước những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra để phòng tránh như không để các vật dụng có thể gây tổn thương trong tầm tay của trẻ nhỏ và giáo dục trẻ lớn hơn về các nguyên tắc an toàn, được và không được làm những gì. Trong cuộc sống ngày càng phát sinh nhiều mối nguy có thể gây tai nạn cho trẻ, cha mẹ cần cập nhật để đề phòng bất trắc có thể xảy ra. Xây dựng môi trường sống an toàn, ngăn ngừa nguy hiểm cho trẻ bằng nhiều cách luôn là trách nhiệm của cha mẹ và toàn thể xã hội để người lớn không rơi vào những tình huống đau xót kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.
LAM ANH