Chất vấn là một hình thức giám sát của HĐND để làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan nhà nước ở địa phương.
>>Kỹ năng hoạt động của đại biểu dân cử. Bài 2: Kỹ năng nghe và nói
Chất vấn là quyền và cũng là trách nhiệm của mỗi đại biểu
Quyền và trách nhiệm của đại biểu HĐND
Chất vấn là gì ? Theo Từ điển tiếng Việt, chất vấn là "hỏi và yêu cầu phải giải thích rõ ràng". Chất vấn là hoạt động trực tiếp của đại biểu. Chất vấn là là hoạt động giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử và trách nhiệm của đại biểu.
Chất vấn được quy định trong Hiến pháp (khoản 2, điều 115), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (điều 96): chủ thể giám sát là đại biểu HĐND; đối tượng chất vấn là Chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND, Chánh án Toà án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân và thủ trưởng cơ quan thuộc UBND. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu chất vấn.
Chất vấn nhằm mục đích gì ?
Chất vấn là để làm rõ trách nhiệm (trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm chính trị) của người đứng đầu các cơ quan nhà nước; để kiểm tra năng lực của cán bộ lãnh đạo trong nắm bắt và điều hành lĩnh vực được phân công. Qua trả lời chất vấn, đại biểu và cử tri có thể đánh giá được năng lực lãnh đạo, trách nhiệm chính trị của người trả lời.
Chất vấn, xét về một khía cạnh nào đó, là sự cảnh báo về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết; còn là có mục đích cung cấp thông tin và tạo cơ hội cho cơ quan dân cử đánh giá, phê bình người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước. Mục đích chung giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn là tìm ra những giải pháp hiệu quả, đề ra chiến lược hợp lý nhằm giải quyết các vướng mắc cản trở công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống dân sinh ở địa phương.
Xem xét trả lời chất vấn là xem xét “cái gì ?”
Xem xét người bị chất vấn đã trả lời trực tiếp, đầy đủ vào vấn đề chất vấn; xác định rõ trách nhiệm, biện pháp và thời hạn khắc phục hạn chế, bất cập (nếu có) hay chưa? Nếu đại biểu không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền chất vấn lại để người bị chất vấn trả lời. Những vấn đề lớn, quan trọng sau khi trả lời, HĐND nên ra nghị quyết về vấn đề chất vấn. Nghị quyết phải: Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân liên quan đến vấn đề chất vấn; Thời hạn khắc phục những hạn chế, bất cập; Trách nhiệm thi hành của cơ quan, cá nhân; Trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về chất vấn.
Cách thức và trình tự chất vấn
Chất vấn tại kỳ họp. Trong thời gian HĐND họp, trước phiên họp chất vấn, đại biểu gửi chất vấn đến Thường trực HĐND cùng cấp. Thường trực HĐND đề nghị HĐND quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người bị chất vấn. Người bị chất vấn phải trả lời trước HĐND tại kỳ họp đó.
HĐND có thể quyết định cho trả lời tại kỳ họp sau hoặc cho trả lời bằng văn bản. Các trường hợp cho trả lời chất vấn bằng văn bản: Chất vấn không thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp; Vấn đề chất vấn cần được điều tra, xác minh; Chất vấn thuộc nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp nhưng chưa được trả lời tại kỳ họp. Người bị chất vấn phải trực tiếp trả lời bằng văn bản và gửi đến đại biểu HĐND đã chất vấn, Thường trực HĐND trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày chất vấn.
Sau khi nhận được văn bản trả lời chất vấn, nếu đại biểu HĐND không đồng ý với nội dung trả lời chất vấn thì có quyền đề nghị HĐND đưa ra thảo luận tại kỳ họp HĐND hoặc kiến nghị HĐND xem xét trách nhiệm đối với người bị chất vấn.
Chất vấn giữa hai kỳ họp (ngoài kỳ họp). Chất vấn của đại biểu được gửi đến Thường trực HĐND cùng cấp để chuyển đến người bị chất vấn và quyết định thời hạn trả lời chất vấn. Cách thức xem xét trả lời chất vấn tương tự như chất vấn được cho trả lời bằng văn bản.
Chất vấn tại phiên họp của Thường trực HĐND. Việc tổ chức chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp (mỗi tháng một lần) của Thường trực HĐND, do Thường trực quyết định, các thức xem xét trả lời chất vấn tương tự như chất vấn tại kỳ họp HĐND.
Để hoạt động chất vấn đạt hiệu quả
Thứ nhất, chọn vấn đề chất vấn đúng, trúng. Để chọn vấn đề chất vấn, đại biểu cần thu thập thông tin từ các nguồn: ý kiến, kiến nghị của cử tri; qua hoạt động giám sát; qua hoạt động tiếp dân, xử lý đơn thư công dân; từ các phương tiện thông tin đại chúng; từ thực tế hoạt động của đại biểu; từ dư luận quần chúng,... Nên chọn những vấn đề mà cử tri, xã hội đang quan tâm, những vấn đề bức xúc ở địa phương, những vấn đề vướng mắc chậm giải quyết và mang tính thời sự.
Thứ hai, đặt câu hỏi chất vấn. Từ việc xác định vấn đề đại biểu rút ra câu hỏi và chọn đối tượng phù hợp. Nội dung chất vấn phải cụ thể, rõ ràng, có căn cứ và phải liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của người bị chất vấn. Câu hỏi cần gọn, rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, đủ thông tin, không gây nhầm lẫn; không quá nhiều vấn đề trong một câu hỏi, không hỏi quá khó kiểu đánh đố; không trùng nội dung câu hỏi với những vấn đề đã được giải quyết.
Thứ ba, không ngại việc chất vấn lại. Nếu kết quả trả lời không thỏa đáng hoặc không rõ, người chất vấn có quyền đặt tiếp câu hỏi. Cũng có khi người trả lời bị "hớ", để lộ ra một điểm yếu khác thì người chất vấn có thể tiếp tục " truy vấn ". Không nể nang, e ngại mà bỏ dở, nhưng cũng cần khích lệ người trả lời và gỡ bí cho người trả lời khi cần thiết
Thứ tư, tạo sự ủng hộ đối với nội dung chất vấn. Càng được nhiều người ủng hộ, cơ hội thành công càng lớn. Biết cách tạo ra sự ủng hộ đối với những vấn đề chất vấn mình theo đuổi, con đường đi đến mục tiêu sẽ dễ dàng hơn. Sự ủng hộ phụ thuộc vào sự đồng cảm trước những vấn đề “bức xúc” của xã hội.
Thứ năm, HĐND cần có nghị quyết về trả lời chất vấn, tạo ra áp lực mạng tính quy phạm buộc người trả lời chất vấn phải thực hiện nghiêm túc lời hứa của mình. Đây là vấn đề rất quan trọng góp phần bảo đảm cho HĐND hoạt động có thực quyền, hiệu quả và chất lượng.
LƯƠNG ANH TẾ