Ký kết và thực hiện chưa hiệu quả

09/09/2015 09:52

Việc ký kết và thực hiện quy chế phối hợp giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn rất nhiều hạn chế...



Thực hiện tốt quy chế phối hợp sẽ tạo điều kiện nâng cao đời sống
công nhân lao động, giúp doanh nghiệp ổn định, phát triển


Tuy có mục đích quan trọng để nâng cao đời sống người lao động, giúp doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, nhưng hiện nay, việc ký kết và thực hiện quy chế phối hợp (QCPH) giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) và người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn còn rất nhiều hạn chế.

QCPH giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động là văn bản cam kết phối hợp, hợp tác giúp 2 bên thống nhất với nhau về nội dung, phương pháp làm việc, bảo đảm sự ổn định bền vững trong quan hệ công tác và thực hiện tốt hơn mục tiêu của doanh nghiệp cũng như hoạt động của tổ chức CĐCS.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, quy chế bao gồm tất cả các lĩnh vực mà công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp cùng bắt tay tổ chức triển khai tại đơn vị. Cụ thể như việc công đoàn phối hợp xây dựng, ký kết, sửa đổi, bổ sung thỏa ước lao động tập thể; tổ chức các phong trào thi đua, tham gia xét khen thưởng, kỷ luật; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của người lao động, tham gia quản lý quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, tạo điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất cho công đoàn hoạt động...

Lợi ích của việc thực hiện tốt QCPH hoạt động giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động đã được minh chứng rất cụ thể ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Điển hình là các Công ty TNHH: May Tinh Lợi, Sumidenso Việt Nam, Shinst - BVT, Công nghiệp Brother... Tại các công ty này, chủ sử dụng lao động đã ký kết và thực hiện rất tốt QCPH với công đoàn. Chủ sử dụng lao động luôn tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động tốt, trong đó có nhiều chính sách đãi ngộ người lao động cao hơn quy định của pháp luật như: hỗ trợ xây dựng nhà trọ cho công nhân, trông giữ trẻ (trong độ tuổi mầm non) là con người lao động, xây dựng khu vui chơi giải trí miễn phí cho công nhân, tích cực tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao... Đây đều là những đơn vị có số lượng công nhân lao động lên đến hàng nghìn người, rất khó khăn trong quản lý nhưng việc làm này đã giúp công nhân yên tâm làm việc, các công ty thì luôn ổn định về lao động, đã tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện nay mới có khoảng 60% số doanh nghiệp ngoài nhà nước (nơi có tổ chức công đoàn) xây dựng được QCPH giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, theo một cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở, trong số các doanh nghiệp ký kết được QCPH thì có rất nhiều đơn vị chỉ ký mang tính hình thức, theo kiểu "cho có" để lấy thành tích báo cáo, chứ ít quan tâm đến việc thực hiện như thế nào hoặc khi thực hiện thì lại không tuân thủ đúng theo cam kết.

QCPH hoạt động giữa ban chấp hành CĐCS với người sử dụng lao động là nội dung không quy định bắt buộc trong pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, phần lớn những nội dung của QCPH này lại chính là những điều đã quy định cụ thể của pháp luật, buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Đồng thời, mở rộng thêm một số vấn đề cao hơn luật để tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động, thuận lợi trong việc hỗ trợ, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho người lao động và giúp doanh nghiệp ổn định lao động, phát triển sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, tổ chức công đoàn luôn yêu cầu ban chấp hành CĐCS, nhất là công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước có đông công nhân lao động tích cực vận động, hướng dẫn người sử dụng lao động ký QCPH.

Theo Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh, hiện nay việc vận động người sử dụng lao động ký kết và thực hiện tốt các cam kết trong QCPH gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu từ phía doanh nghiệp. Họ không mấy quan tâm đến vấn đề này bởi cho rằng chỉ cần thực hiện theo những quy định "cứng" của pháp luật là được. Một số nội dung của QCPH là những vấn đề ngoài luật, cao hơn luật nên doanh nghiệp khó chấp nhận. Ngoài ra, các cán bộ CĐCS tại doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu hết là kiêm nhiệm nên cũng không mạnh dạn đề xuất với chủ sử dụng lao động. Thậm chí, có trường hợp đã ký kết nhưng khi biết doanh nghiệp không thực hiện đúng nội dung cam kết thì vẫn phải chấp nhận vì sợ ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, vị trí việc làm...

Thực tế hoạt động công đoàn hiện nay tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước, việc ký kết và thực hiện QCPH là rất cần thiết. Nếu làm tốt việc này sẽ tạo điều kiện tốt cho công đoàn hoạt động, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Trước hết, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xử lý những doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với người lao động. Qua đó nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động để họ nhận thức đúng đắn về việc ký QCPH với công đoàn. Các công đoàn cấp trên cần tích cực tổ chức tuyên truyền, giúp đỡ cho CĐCS thông qua các văn bản, quy định của pháp luật để cán bộ CĐCS có kiến thức cũng như cơ sở để tham gia với chủ sử dụng lao động trong việc ký kết và thực hiện QCPH nhằm hỗ trợ hoạt động công đoàn và bảo vệ quyền lợi người lao động hiệu quả.

Quy chế phối hợp hoạt động giữa ban chấp hành công đoàn cơ sở với người sử dụng lao động được ký kết hằng năm. Căn cứ để xây dựng quy chế phối hợp là tình hình thực tiễn của doanh nghiệp và các quy định liên quan trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Việc làm... Các nội dung trong quy chế phối hợp đều phải lấy ý kiến của các bên liên quan là người lao động, cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động. Trong quá trình thực hiện, khi công đoàn hoặc người sử dụng lao động cần sửa đổi, bổ sung nội dung gì thì thông báo cho bên kia để tổ chức hội nghị thống nhất.


THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ký kết và thực hiện chưa hiệu quả