Kỳ IV: Vật lộn với sóng dữ An Bang

24/01/2013 09:46

An Bang là đảo ở cực nam quần đảo Trường Sa. Nằm trên nền san hô vách dựng đứng, bốn mùa An Bang nổi tiếng với những con sóng dữ dằn...







Xuồng cập đảo An Bang rất khó khăn vì sóng dữ

Gian nan cập đảo

Cập đảo An Bang là việc rất khó khăn đối với tàu, thuyền. Bởi vậy, ngay khi biển lặng, việc chuyển hàng Tết cho các chiến sĩ trên đảo An Bang được ưu tiên trước nhất.

Nhìn từ tàu, An Bang là một đảo nổi thật đẹp với một bãi cát lớn trải rộng 50-60m. Việc cập đảo được tiến hành vào sáng sớm, khi thủy triều xuống thấp nhất. Vì đảo nằm trên nền san hô vách dựng đứng nên tàu có thể tiếp cận gần. Tuy nhiên công đoạn chuyển hàng và đưa người vào đảo vẫn phải dùng xuồng máy. Trên bãi cát, chúng tôi nhìn thấy ba, bốn chục chiến sĩ mặc áo phao đang đợi để hỗ trợ xuồng vào bờ.

Trước khi cập đảo, chúng tôi đã được các thủy thủ truyền kinh nghiệm: Tư trang cá nhân, đồ nghề tác nghiệp chỉ mang theo thứ thiết yếu nhất. Toàn bộ phải được gói kỹ trong túi dù, bọc ngoài thêm lần túi ni-lông bởi xuồng có thể bị lật trước khi cập đảo.

Xuồng hạ, mỗi chúng tôi đều lấy dũng khí để bước xuống. Sóng nhồi dập dữ dội, hắt tung tóe, buộc người muốn xuống xuồng phải lựa đúng thời điểm để thả người rơi tự do. Nếu như cập các đảo trước đều dùng xuồng máy trực tiếp thì đến đảo An Bang, người và hàng hóa được chuyển vào bờ bằng xuồng vận tải do một xuồng máy khác kéo.

Chúng tôi bắt đầu cảm nhận rõ sự dữ dằn của sóng khi xuồng cách đảo gần 100 m. Những con sóng không theo quy luật và chẳng biết chạy từ đâu đến thi nhau xô đẩy xuồng. Nhưng muốn vào được đảo vẫn phải cưỡi trên những con sóng bất trị đó. Sau mấy lần bị sóng đánh trôi mất hướng, xuồng kéo cũng tiếp cận bờ cát. Vấn đề là làm sao để xuồng phía sau cập bờ, bởi vậy đang chạy tốc độ lớn, xuồng kéo phía trước bỗng cua gấp chạy ngang. Cũng lúc đó, người ngồi sau xuồng tung dây vào bờ. Ngay lập tức, mấy chục chiến sĩ mặc áo phao theo hiệu lệnh của người cầm loa lao mình vào những con sóng bắt cho được sợi dây đó, rồi kéo xuồng vào bờ. Lôi được xuồng lên bờ cát, các chiến sĩ lại phải chia nhau giữ kẻo xuồng có thể bị các con sóng lớn giật phăng ra biển bất cứ lúc nào. Cũng lúc này, người trên xuồng phải lựa lúc sóng rút, nhảy thật nhanh ra khỏi xuồng chạy lên bờ cát. Anh nào chậm chân có thể bị sóng to xô xuồng cán vào chân. Khi người cuối cùng của chuyến xuồng thứ nhất bước chân xuống đảo thì các chiến sĩ mặc áo phao đã ướt từ đầu đến chân và mệt lử vì quần nhau với sóng dữ. Nhiều người tranh thủ ngồi phệt xuống bờ cát thở để lấy sức cho việc đẩy thuyền ra.

Đưa xuồng vào đã khó, đẩy thuyền ra cũng không kém gian nan. Trước hết chiếc xuồng được các chiến sĩ đẩy ra sát mép nước. Rồi khi một con sóng ập đến, theo một hiệu lệnh thống nhất, các chiến sĩ cùng hò dô dồn sức đẩy xuồng. Cứ thế chiếc thuyền nhích dần xuống nước theo mỗi con sóng. Và khi một con sóng lớn ập đến, chiếc thuyền được các chiến sĩ cùng dồn sức đẩy ra xa. Thế nhưng khi xuồng đã ra khỏi đảo, các chiến sĩ vẫn phải nhao theo đẩy mạnh để chống lại những con sóng có thể ném xuồng trở lại bờ.
Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, người cầm loa hô hiệu lệnh cho anh em nãy giờ cho biết: "Đặc điểm của đảo An Bang là quanh năm sóng lớn kể cả khi biển lặng bởi vậy rất khó khăn và nguy hiểm cho tàu thuyền cập bờ. Để hỗ trợ xuồng cập đảo, anh em trên đảo đã thành lập đội đặc nhiệm khoảng 40 người được huấn luyện kỹ càng. Kể từ khi đội đặc nhiệm được thành lập, cho dù phải đối đầu với sóng dữ song tất cả các chuyến xuồng đều được cập đảo an toàn". Theo anh Nam, hôm nay đoàn cập đảo trong thời tiết lý tưởng không dễ gặp trong mùa biển động. Cách đây một tuần, xuồng của đơn vị công binh làm nhiệm vụ xây dựng cột mốc chủ quyền phải mất cả buổi mới có thể rời đảo. Có không ít đoàn văn công đến thăm đảo nhưng sóng lớn, xuồng không thể cập bờ, anh em phải nghe hát qua bộ đàm. Chẳng thế mà người ta ví von, chưa đến An Bang thì coi như chưa đến Trường Sa.

Vườn rau di động trên đảo


Phải đến An Bang mới cảm nhận hết sự khốc liệt của sóng dữ nơi này. Sóng ở đây từ bốn phía biển khơi dồn dập ào vào đảo. Các chiến sĩ hải quân cho biết, những ngày biển động sóng lớn có thể trùm qua đảo. Đối đầu với sóng dữ là công việc hằng ngày của những người lính hải quân trên đảo An Bang.
Chỉ sân bóng chuyền đầy cát, thiếu tá Vũ Xuân Trường, Chính trị viên đảo An Bang cho biết: "Mới hôm trước, biển động, cả chục khối cát bị sóng ném lên sân này". Hôm cơn bão số 1 đổ bộ vào Biển Đông, An Bang là quần đảo nằm gần tâm bão và cũng chịu ảnh hưởng của bão nhiều nhất. Bằng chứng là khi chúng tôi đến, bốn năm gốc bàng vuông hiếm hoi trên đảo lá tơ tướp, cành gãy gục. Hôm đó, bão đổ bộ vào đảo giữa đêm. Mặc dù anh em chiến sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với bão song sức tàn phá của thiên nhiên quá dữ dội nên vẫn xảy ra thiệt hại. Sóng biển vọt qua đảo tràn lên cả tầng hai nhà chỉ huy, cây cối trên đảo gãy đổ. Trong lúc chống bão, thiếu tá Vũ Xuân Trường bị một cột gỗ đổ vào người gây mẻ xương vai. Lúc chúng tôi đến, vết thương chưa lành song anh vẫn có mặt ngoài bãi cát để chỉ đạo anh em đưa xuồng cập đảo.

Giữa điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sự sống trên đảo vẫn sinh sôi. Hiện trên đảo có 20 con mèo, 18 con lợn, 70 con gà, vịt, 40 con chó. Trong điều kiện sóng biển thường xuyên xâm mặn lên đảo, các anh vẫn trồng được rau xanh, cải thiện đời sống. Vườn rau trên đảo An Bang cũng thuộc dạng có một không hai: vườn rau di động. Trung tá Vũ Minh Thân cho biết: "Diện tích vườn rau của đảo khoảng 70m2. Đất để trồng rau được chở từ đất liền ra cho vào các khay nhựa. Để trồng rau xanh, các cán bộ chiến sĩ trên đảo phải thường xuyên di chuyển theo hai mùa gió đông bắc và tây nam để tránh sóng". Chỉ vườn rau táp lá, trung tá Thân cho biết thêm: Tuy đã được che chắn cẩn thận và di chuyển vị trí liên tục song vườn rau di động trên đảo An Bang vẫn không ít lần bị sóng biển nuốt trọn. Anh em tiếc đứt ruột.

Tuy dữ dằn, An Bang cũng là hòn đảo có những điều kỳ thú. Trên đảo có bãi cát vàng tuyệt đẹp được gọi tên "bãi cát đồng hồ". Bãi cát này được sóng biển cuộn quanh đảo theo từng mùa. Với người chiến sĩ, khi bãi cát xoay đủ một vòng là đã tròn một năm công tác trên đảo.

Rời An Bang, hình ảnh đọng lại mãi trong tôi là những người chiến sĩ hải quân nước da cháy nắng lao mình vào những con sóng dữ đẩy thuyền xuống nước. Và khi xuồng đã rời đảo, từ xa chúng tôi vẫn thấy những cái vẫy tay tạm biệt nồng nàn. 

NGỌC HÙNG


Kỳ V: Đây Trường Sa Lớn

(0) Bình luận
Kỳ IV: Vật lộn với sóng dữ An Bang