Kỳ công tìm kiếm và phục dựng nhà cụ Nghè Tân

19/05/2016 15:02

Ngôi nhà gắn với một danh nhân thời Nguyễn còn được lưu giữ đến ngày nay là hiện vật quý, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ Bảo tàng tỉnh.


Ở Bảo tàng tỉnh bây giờ có một ngôi nhà cổ kính nằm khiêm nhường bên góc khuôn viên. Lớp lớp rêu phong dày lên theo năm tháng dường như khiến ngôi nhà ấy mỗi ngày càng ẩn mình đìu hiu, lặng lẽ. Vắng những bước chân thăm nom nên càng ít người biết đây là ngôi nhà duy nhất của quan lại thời phong kiến còn lưu giữ được ở Hải Dương cho đến bây giờ.



Ngôi nhà duy nhất của quan lại phong kiến còn lưu giữ được ở Hải Dương


Ngôi nhà của giới thượng lưu

Nguyễn Quý Tân là một trí thức chân chính. Ông thi đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm quyền Tri phủ Quảng Oai. Năm 1846, nhận thấy triều đình nhiễu nhương ông đã từ quan về quê. Ông dùng ngòi bút tài hoa của mình đả phá thói xấu của quan lại, bênh vực dân nghèo. Những sáng tác thơ văn, câu đối, ca trù và những giai thoại về ông là những di sản quý, cần được nghiên cứu, bảo tồn.


 Ấy là nhà của cụ Nghè Tân, tên thật là Nguyễn Quý Tân (1814 - 1858), tự là Đỉnh Trai, hiệu là Túy Tiên, biệt hiệu là Tản Tiên Đình cư sĩ. Nguyễn Quý Tân sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo ở làng Thượng Cốc, tổng Hội Xuyên, huyện Gia Lộc, phủ Ninh Giang, nay thuộc xã Gia Khánh (Gia Lộc). Năm 29 tuổi, Nguyễn Quý Tân đỗ thi Hương, đến năm Thiệu Trị thứ hai (1842) đậu Tam giáp Tiến sĩ nên dân gian thường gọi là Nghè Tân. Về ngôi nhà này, có ý kiến cho rằng nhờ tài đức của mình nên cụ Nghè Tân được vua ban tiền làm nhà. Song vì chán cảnh quan trường, cụ đã bán nhà cho một viên quan ở huyện Gia Lộc để lấy tiền công đức, phục dựng miếu làng Thượng Cốc, rồi bỏ đi ngao du.

Để lưu giữ được ngôi nhà của cụ Nghè Tân khá nguyên vẹn như hiện nay là cố gắng rất lớn của những người làm bảo tàng từ 22 năm trước, mà công đầu phải kể đến là ông Tăng Bá Hoành, khi đó là Giám đốc Bảo tàng tỉnh.

Ông Hoành kể, năm 1994, Bảo tàng Hải Dương chủ trương trưng bày ngoài trời 3 hạng mục: nhà của tầng lớp thượng lưu, nhà của tầng lớp trung lưu và nhà của tầng lớp hạ lưu, để giúp người xem, đặc biệt là thế hệ trẻ hình dung rõ hơn một phần về đời sống, sinh hoạt xa xưa của cha ông. Ý nghĩa rõ ràng là thế, nhưng khi bắt tay vào thực hiện lại gặp vô vàn trở ngại. Tìm kiếm nếp nhà cũ của tầng lớp trung lưu và hạ lưu đã khó thì nhà của giới thượng lưu chẳng khác nào mò kim đáy biển. Bởi lẽ, nhà của những gia đình khá giả thường làm bằng chất liệu tốt, dễ bị dỡ bán vào những giai đoạn khó khăn, hoặc được hậu duệ giữ lại làm nhà thờ họ. Để thực hiện nhiệm vụ trên, nhóm cán bộ bảo tàng chia đi khắp ngả, chắp nhặt từng thông tin về nhà cổ. Từ tin báo của người dân và thông tin thu lượm được, các cán bộ bảo tàng đã có mặt ở khá nhiều ngôi nhà được cho là cổ, song đều không đáp ứng được tiêu chí. Có ngôi đã bị thay đổi quá nhiều so với bản gốc, không kiểm chứng được thông tin về thời gian ra đời hoặc chủ nhân... Thế rồi vào một ngày năm 1994, trong quá trình miệt mài sưu tầm, tìm kiếm, các cán bộ Bảo tàng Hải Dương đã phát hiện ra ngôi nhà cổ ở thôn Phúc Mại, xã Gia Tân (Gia Lộc). Từ cung cấp của chủ nhà cộng với thông tin khảo cứu, tất cả đều vui mừng khôn tả vì đã đạt được mục tiêu bấy lâu nay tìm kiếm. Ông Hoành xác định ngôi nhà 5 gian được làm bằng gỗ đinh và gỗ lim này gắn liền với cụ Nghè Tân, đạt yêu cầu là nhà của tầng lớp thượng lưu, gắn liền với một danh nhân. May mắn thay, cuối năm 1994, người chủ xây nhà mới nên ngỏ ý bán lại ngôi nhà. Khi ấy, ông Hoành báo cáo với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Dương để mua lại với giá 40 triệu đồng, tương đương với 8 cây vàng thời bấy giờ. Trong khi kinh phí chưa đủ, còn chủ nhà thì giục giã, lo lắng sẽ mất ngôi nhà quý, ông Hoành đành xoay xở vay đủ tiền để tháo dỡ cơ ngơi trên mang về Bảo tàng tỉnh. Tôn trọng thiết kế, kết cấu nguyên bản, ông Hoành cho thuê 7 thợ lành nghề ở làng mộc Cúc Bồ (Ninh Giang) và các thợ ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) tiến hành phục dựng ròng rã suốt nửa năm trời. Toàn bộ ngói, cột, rui, mè… đều được nhặt nhạnh mang về. Riêng gạch xây phải để lại do chất lượng không còn bảo đảm. Sân và nội thất cũng được dựng lại như cũ, theo quy cách của ngôi nhà cổ. Cho đến bây giờ, ngôi nhà quý vẫn an vị trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, đúng như tâm nguyện của ông Hoành và những cán bộ tâm huyết năm nào.

Hao mòn ngôi nhà quý

Năm 2014, tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Tiến sĩ Nguyễn Quý Tân", ông An Văn Mậu, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa của ngôi nhà cổ. Theo đó, ngôi nhà từng bị mua đi, bán lại nhiều lần nên rất đáng tiếc hiện vật không còn nguyên vẹn. Ban đầu, gia đình cụ Nghè Tân bán cho ông Đỗ Mạnh Chiểu, lý trưởng làng Giỗ, xã Phương Hưng (cùng huyện Gia Lộc). Năm 1938, ông Chiểu bán cho ông Lý Son, lý trưởng làng Phúc Mại (xã Gia Tân). Năm 1956, trong thời kỳ cải cách ruộng đất, Nhà nước thu hồi ngôi nhà và chia "quả thực" cho 8 người, trong đó có bà Nguyễn Thị Tuy ở xã Gia Tân. Sau này, 7 người kia lần lượt bán lại suất của mình và bà Tuy trở thành chủ nhân cuối cùng của ngôi nhà trước khi Bảo tàng Hải Dương mua lại. Trước khi bán lại ngôi nhà, gia đình bà Tuy đã phải đảo ngói và xây dựng lại tường hồi do  thời kỳ 1952 - 1953 pháo của Pháp bắn từ bốt Giỗ vào gây hư hại.



 Nhiều đường nét chạm khắc tinh tế còn được lưu giữ trong căn nhà cổ

Hiện nay, bên trong ngôi nhà của cụ Nghè Tân trưng một đôi lộc bình cao 1,4 m đời nhà Thanh cùng nhiều loại cổ vật có giá trị khác như sập gụ, tủ chè, giá gương... Gian giữa có các đồ thờ như cuốn thư, câu đối, hương án, ngai thờ, bài vị, nậm rượu, ống hương... Về tổng thể, ngôi nhà trung thành với nguyên mẫu kết cấu khung xà đinh, kẻ chuyền, chạm khắc hoa văn lật lá. Ngôi nhà rộng gần 90m2 gồm 5 gian bít đốc, bổ trụ. Cột được kê trên các chân tảng vuông bằng đá xanh Thanh Hóa. Ba gian giữa liền nhau, mặt trước lắp cửa bức bàn, chân quay kết hợp hệ thống ngưỡng chồng. Hai gian đầu hồi ngăn vách đố lụa tạo thành 2 buồng riêng biệt, mặt trước và sau có các cửa sổ nan trượt - là loại cửa hiếm gặp kể cả nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XX. Chóp tường hồi 2 đầu tạo ô cửa sổ tròn gắn chữ "Thọ" cách điệu để vừa tạo dáng vừa thông khí. Hiên nhà chạy suốt 5 gian...

Theo ông Vũ Đình Tiến, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, sau hơn 2 thập kỷ phục dựng, ngôi nhà đã bị xuống cấp trầm trọng. Mặc dù cắt cử người lau dọn nhưng chỉ được bề ngoài, còn tổng thể thì đã hư hại khá nhiều, bị mối mọt tấn công. Nền nhà nhiều chỗ võng xuống kéo theo kết cấu ngôi nhà xô lệch. Sân vườn hễ mưa là ngập, nước ngấm khiến ngôi nhà càng mau xuống cấp. Về thực trạng xuống cấp, ông An Văn Mậu cũng thừa nhận hiện mái ngói bị xô dột nước mưa ngấm từ bờ nóc phía tây xuống đầu cột, xà nhà. Hầu hết cửa sổ nan trượt đều kẹt gẫy do mưa nắng, không thể đóng mở được. Cửa vòm cuốn phía đông bị nứt nẻ. Máng nước phía sau đã hỏng hoàn toàn. Đặc biệt, việc bài trí nội thất còn chắp vá do thiếu nghiên cứu bảo tồn. Số đồ thờ hiện có không đồng bộ và nhiều nguồn gốc, được trưng bày tạm thời mang tính minh họa.

Ngôi nhà gắn với một danh nhân thời Nguyễn còn được lưu giữ đến ngày nay là hiện vật quý, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các thế hệ cán bộ Bảo tàng tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp và sự quan tâm chưa thỏa đáng của các cấp, các ngành liên quan khiến công trình ngày càng xuống cấp. Suy nghĩ của ông Tăng Bá Hoành cũng là nỗi niềm chung của những cán bộ bảo tàng hiện nay: "Ngôi nhà cần được xử lý khẩn cấp để bảo tồn kiến trúc và phát huy giá trị. Cần nghiên cứu sưu tầm và bài trí nội thất phỏng theo nếp sinh hoạt của danh nhân lúc sinh thời. Về lâu dài, ngành giáo dục cần có kế hoạch đưa học sinh đến tham quan, mở mang kiến thức để thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử đất và người xứ Đông".

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kỳ công tìm kiếm và phục dựng nhà cụ Nghè Tân