Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng phi pháp tại Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, nhiệm vụ giữ đảo càng trở nên quyết liệt.
|
Ngay từ ngày đầu tiên tiếp quản Trường Sa từ tay chính quyền Sài Gòn (tháng 4-1975), những người lính Hải quân QĐND Việt Nam đã ngay lập tức đối đầu với những con tàu nước ngoài lăm le chiếm đảo. Trong suốt gần 40 năm, sự căng thẳng chưa bao giờ giảm nhiệt trên từng điểm đảo, từng góc trời Tổ quốc nơi Biển Đông.
Bất chấp các phản ứng của Việt Nam và các nước trong khu vực, Trung Quốc vẫn ngang ngược tăng cường hàng loạt các hoạt động xây dựng phi pháp ở Trường Sa và cả Hoàng Sa, gồm việc: gia cố trái phép Gạc Ma (9-2014), làm sân bay trên đảo Chữ Thập, mở tuyến du lịch đến Hoàng Sa... nhằm thay đổi hiện trạng phục vụ mưu đồ bành trướng trên Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhiều lần nhấn mạnh những hành động nêu trên của Trung Quốc là vô giá trị, không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng phi pháp tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, nhiệm vụ giữ đảo càng trở nên quyết liệt.
Tháng 4-1975, đại tá Phạm Duy Tam là thuyền trưởng tàu 675 thuộc đoàn tàu không số (hiện là Lữ đoàn 125 hải quân). Sau chiến dịch Mậu Thân 1968, việc vận chuyển vũ khí, đạn dược từ miền Bắc vào Nam bị gián đoạn. Nhiệm vụ của các tàu không số là giả dạng các tàu cá chở vũ khí, đánh bắt ở dọc ven biển, khi có thời cơ sẽ hỗ trợ cho chiến trường miền Nam.
|
Thời cơ đến, được lệnh của Bộ Chính trị, ngày 9-4-1975, một biên đội gồm các tàu 673 (trung úy Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng), 674 (trung úy Nguyễn Văn Đức làm thuyền trưởng) và 675 từ Hải Phòng được điều vào Đà Nẵng nhận lệnh đi Trường Sa.
Sau hơn một ngày lênh đênh trên biển, 21 giờ ngày 10-4-1975, ba tàu có mặt ở cảng Tiên Sa. Ở đây, tàu nhận đặc công nước hải quân và một lực lượng phối hợp thuộc Quân khu 5.
4 giờ sáng 11-4-1975, ba tàu được lệnh nhổ neo hành quân ra biển, hướng về Song Tử Tây - một đảo nổi nằm ở phía bắc quần đảo Trường Sa, cách đất liền chừng 470 hải lý (gần 900 km).
“Tàu đi biển trong điều kiện sóng to, gió lớn. Giữa đường thì tàu 674 bị hỏng máy, tàu của tôi phải kéo. Khó khăn nhất là chúng tôi mất liên lạc với sở chỉ huy ở bờ. Các phương tiện định vị lúc đó trên tàu chỉ có cái la bàn và một số dụng cụ thô sơ để đo tính thiên văn. Cho nên từ đất liền ra Song Tử Tây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của anh em”, đại tá Tam kể lại.
Đại tá Tam cho hay, trước khi ra Trường Sa, cấp trên giao phải tiếp cận đảo mục tiêu lúc 2-3 giờ sáng để gây bất ngờ.
|
Chiều 13-4-1975, trinh sát trên tàu báo đã phát hiện đảo Song Tử Tây. Tàu 673 cho quân đổ bộ sát đảo, còn tàu 674 và 675 án ngữ cách đảo 15 hải lý về phía bắc đề phòng tàu lạ xuống và cảnh giới tàu của Việt Nam Cộng hòa (lúc đó tập trung ở đảo Nam Yết).
Rạng sáng 14-4-1975, tàu 673 tiếp cận sát đảo Song Tử Tây, thả thuyền cao su xuống để chở 40 đặc công nước do ông Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy, lặng lẽ ém sát bờ và đổ bộ lên đảo.
Sau 30 phút kể từ khi hiệu lệnh tấn công được phát ra, khoảng 4 giờ 30 phút, bộ đội đã giải phóng toàn bộ đảo Song Tử Tây.
“Lúc này ở Trường Sa, phía Việt Nam Cộng hòa chiếm giữ 6 đảo, gồm: Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn, An Bang, Trường Sa Lớn. Nam Yết được coi là nơi đóng sở chỉ huy của đối phương. Trang bị trên các đảo rất thô sơ, chỉ có một vài dãy nhà tôn lụp xụp, xiêu vẹo”, ông Tam nhớ lại.
Cờ bay phấp phới
Sau khi giải phóng đảo Song Tử Tây, ông Tam chuyển sang làm thuyền trưởng tàu 674, chở số tù binh về bờ giao cho ban quân quản ở Đà Nẵng. Hai tàu 673 và 675 ở lại củng cố lực lượng, sau đó trở về Đà Nẵng để chuẩn bị lực lượng tiến về các đảo còn lại ở Trường Sa.
Ngày 23-4-1975, quân giải phóng giành lại được đảo Sơn Ca. 2 giờ ngày 29-4-1975, toàn bộ 6 đảo nổi do Việt Nam Cộng hòa chiếm đóng đều thuộc quyền kiểm soát của quân giải phóng. Cờ Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được treo lên. Bộ đội tổ chức lực lượng phòng ngự đề phòng phản công.
Cùng lúc đó, các đơn vị tiến hành gắn bia chủ quyền ở đảo nổi và rải bia chủ quyền ở mép đảo chìm.
|
Đại tá Tam cười nói: “Sau hai ngày kể từ khi ta giải phóng Trường Sa, Trung Quốc tổ chức một biên đội tàu kéo quân xuống Trường Sa với ý đồ “giúp đỡ” ta. Nhưng tới nơi, thấy cờ của ta phấp phới bay ở các đảo, quân Trung Quốc đành bỏ về”.
Liên quan đến âm mưu thôn tính, độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, đại tá Tam lý giải do Biển Đông có vị trí quân sự quan trọng, giống như một lá chắn kéo dài từ Trường Sa xuống nhà giàn DK1. Tất cả tàu bè từ eo biển Malacca, đi qua Biển Đông đều qua khu vực này.
“Trường Sa giống như yết hầu và con mắt của Biển Đông nên Trung Quốc luôn có dã tâm xâm chiếm”, ông Tam nói.
Năm 1983, ông Tam quay lại Trường Sa khi có thông tin Malaysia xây dựng nhà trên đảo cách đảo An Bang chừng 60 hải lý. Sau đó, ông Tam cho tàu tới các đảo chìm Châu Viên, Chữ Thập để trinh sát thì vẫn thấy bia chủ quyền của Việt Nam ở đây.
Ngày 14-3-1988, Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm Gạc Ma, trước đó đã chiếm đóng đảo Châu Viên, Chữ Thập. (Còn tiếp)
Lịch sử Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân (đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa) ghi rõ: “Tháng 3-1978, trên khu vực quần đảo Trường Sa thường xuyên xuất hiện máy bay và tàu thuyền của một số nước xâm phạm và tiến hành trinh sát các đảo của ta. Diễn biến tình hình có nhiều phức tạp. Ngoài ra, còn có tàu thuyền giả dạng tàu đánh cá của Trung Quốc, xuất hiện ở vùng Đá Giữa (Đá Đông), Hòn Sập (Phan Vinh), Thuyền Chài…”. |
Trung Hiếu (Thanh niên)