Thanh Miện nâng cao thu nhập cho người dân

25/10/2021 14:00

Huyện Thanh Miện đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế. Huyện chú trọng phát triển công nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.


Huyện Thanh Miện có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất giúp nâng cao giá trị sản xuất

Tái cơ cấu kinh tế

Lê Hồng là một trong những xã khó khăn của huyện Thanh Miện. Với xuất phát điểm thấp nên phải đến năm 2019, xã mới hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM). Để nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã có những điều chỉnh linh hoạt đối với những ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Nhờ vậy, đời sống nhân dân đã có thay đổi đáng kể, số hộ nghèo đa chiều giảm chỉ còn 1,4%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 61 triệu đồng/năm.

Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Lê Hồng cho biết từ 1 xã thuần nông, kinh tế trong xã đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Phần lớn người dân trong độ tuổi lao động đều làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp. Nông nghiệp cũng có những bước tiến dài, từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đến những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý để tăng hiệu quả kinh tế. 

Xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương, xã Ngũ Hùng đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai. Các diện tích sau dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng có đường nội đồng, bờ lô bờ vùng, hệ thống kênh mương thuận lợi cho sản xuất. Toàn xã có 4 hộ tích tụ ruộng đất với tổng diện tích gần 100 ha. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như nhà màng, nhà lưới. Ông Nguyễn Danh Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Ngũ Hùng cho biết: "Việc tích tụ ruộng đất tập trung đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, cho lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm".

Từ một huyện thuần nông nghèo, Thanh Miện đã có những bước phát triển vững chắc. Cơ cấu giá trị sản xuất chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Nhiều cụm công nghiệp được hình thành tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân. Năm 2020, cơ cấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 42,7%, tăng hơn 12% so với năm 2011; ngành nông nghiệp giảm xuống còn 21,5%. Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm nhưng huyện đã hình thành được các vùng chuyên canh lúa, rau màu có giá trị kinh tế cao. Nhiều mô hình tích tụ ruộng mang lại giá trị kinh tế lớn. Đặc biệt, huyện đã xây dựng hệ thống tưới theo công nghệ tiên tiến cho các vùng sản xuất chuyên canh rau màu với 250 ha. Hiệu quả kinh tế của các hộ dân đã đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/năm cao hơn nhiều so với trồng lúa.

Thu nhập tăng cao


Xưởng may gia công Hải An ở thôn Hoành Bồ, xã Lê Hồng đang tạo việc làm ổn định cho 40 lao động với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng

Từ một xã phụ thuộc vào nông nghiệp, những năm gần đây trên địa bàn xã Lê Hồng đã hình thành các xưởng may gia công thu hút nhiều lao động. Các xưởng may này đã tạo việc làm cho khoảng 500 lao động địa phương. Chị Nguyễn Thị An, chủ xưởng may gia công Hải An ở thôn Hoành Bồ cho biết: "Nhờ được địa phương tạo điều kiện nên xưởng ngày càng được mở rộng cả về diện tích và quy mô lao động. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 nhưng các đơn hàng ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động. Hiện xưởng tạo việc làm cho 40 lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng".

Không chỉ phát triển công nghiệp, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình là mô hình trồng dưa Hàn Quốc, cà chua trong nhà màng, nhà lưới của anh Nguyễn Danh Khương ở thôn La Ngoại, xã Ngũ Hùng. Cây trồng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học nên bảo đảm an toàn sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. "Tất cả cây trồng đều được sản xuất hữu cơ và tiêu thụ tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm lớn với giá trị kinh tế cao. Với 2.000 m2 nhà màng, nhà lưới, mỗi năm tôi thu lãi gần 500 triệu đồng, cao hơn hẳn những mô hình khác", anh Khương nói.

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền của huyện đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển kinh tế như đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, huyện còn chú trọng thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ từ đó đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các lao động nông thôn. Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đến nay thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 57 triệu đồng/năm, tăng 43,8 triệu đồng so với năm 2011. Đây là tiền đề để các địa phương thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn tới.

TRANG HIỀN

(0) Bình luận
Thanh Miện nâng cao thu nhập cho người dân