Hiệu quả từ phần mềm quản lý tín dụng chính sách

29/11/2021 11:28

Số liệu nguồn vốn tín dụng chính sách huy động và giải ngân, doanh số thu nợ, thông tin khách hàng… được cập nhật thường xuyên thông qua phần mềm quản lý tín dụng chính sách.

Thông qua phần mềm quản lý tín dụng chính sách, việc quản lý, kiểm soát nguồn vốn tín dụng không còn phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách địa lý

Đầu tháng 11, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Nam Sách là đơn vị duy nhất trong tỉnh được lựa chọn để triển khai thí điểm phần mềm quản lý tín dụng chính sách. Đây là phần mềm vận hành trên các thiết bị thông minh sử dụng hệ điều hành Android hoặc iOS. Thông qua ứng dụng, Trưởng ban, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, huyện của Ngân hàng CSXH; lãnh đạo, cán bộ ngân hàng CSXH các cấp và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác có thể sử dụng, khai thác số liệu. Từ đó nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát, quản lý, điều hành chính sách tín dụng. Đây là một ứng dụng được đánh giá có tính năng toàn diện nhất về quy trình, nghiệp vụ tín dụng chính sách.

Chị Nguyễn Thị Huyền, thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) Hội Phụ nữ thôn Cẩm La, xã Đồng Lạc chia sẻ: “Với ứng dụng này, tất cả các thông tin giao dịch đều được cập nhật, từ phương án tín dụng chính sách xã hội, cơ sở dữ liệu cho vay, trả lãi và gốc của khách hàng đến kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay và các văn bản hướng dẫn tín dụng… Qua đó giúp các tổ viên nắm bắt tốt hơn thông tin về dòng tiền, khách hàng cũng như phục vụ công tác kiểm soát sau giải ngân”.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động tín dụng chính sách không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Với đặc thù thành viên các Tổ TKVV phần lớn ở khu vực nông thôn, nhiều người đã cao tuổi nên đã gặp không ít trở ngại khi triển khai. Vừa nhập số liệu, bà Phạm Thị Toán, Tổ trưởng Tổ TKVV thôn An Đông, xã An Bình, nay đã 65 tuổi vừa kể: “Ngày đầu tiên cài đặt ứng dụng, dù danh mục tính năng không nhiều nhưng cũng khiến những thành viên nhiều tuổi như chúng tôi gặp khó khăn. Từ việc làm quen ứng dụng, cách nhập số liệu cho đến kiểm soát, khai thác số liệu”.

Với nhiều tính năng, phần mềm quản lý tín dụng chính sách được đánh giá là ứng dụng toàn diện nhất về quy trình, nghiệp vụ

Để giúp cho hơn 1.000 thành viên của 30 Tổ TKVV trên toàn huyện, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Nam Sách đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn. Ông Đặng Văn Hiệp, Giám đốc đơn vị chia sẻ: “Căn cứ trên tình hình phòng chống dịch, đơn vị đã chủ động tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho tất cả cán bộ, nhất là thành viên của các Tổ TKVV, từ trực tiếp cho đến gián tiếp. Mục tiêu cao nhất của giai đoạn thí điểm này nhằm giúp các thành viên nắm rõ ứng dụng. Từ đó tổng hợp các vướng mắc để báo cáo lên cấp trên nhằm từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện triển khai phạm vi rộng về sau”.

Song song với nhiệm vụ chuyên môn, thời gian qua Ngân hàng CSXH nói chung, chi nhánh Hải Dương nói riêng đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ trong hoạt động. Qua đó vừa góp phần thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số của ngành, vừa nâng cao tính chính xác các giao dịch. Đánh giá về việc triển khai thí điểm tại Nam Sách, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương cho biết, vượt qua những khó khăn bước đầu, đến nay các cán bộ, thành viên các Tổ TKVV hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Nam Sách đã cơ bản tiếp cận ứng dụng.

Công tác quản lý, kiểm soát nguồn vốn tín dụng không còn phụ thuộc vào thời gian và khoảng cách địa lý. Điểm nổi bật của ứng dụng này là minh bạch hóa các giao dịch tín dụng chính sách. Khi thu tiền trả lãi hoặc huy động vốn từ người dân, Tổ trưởng các Tổ TKVV sẽ hạch toán số liệu này trên ứng dụng. Dữ liệu ngay lập tức được đồng bộ với hệ thống của Ngân hàng CSXH tỉnh. Người dân cũng nhận được tin nhắn thông báo chi tiết về giao dịch. “Phần mềm này góp phần rút ngắn thời gian giao dịch cho cả các Tổ TKVV và khách hàng, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch các giao dịch. Đây cũng là cơ sở để Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương từng bước triển khai áp dụng sâu rộng phần mềm này trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp”, ông Thành nói.

Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn chủ quan về kỹ năng, trình độ công nghệ của các cán bộ, việc triển khai còn vướng một số rào cản khách quan khác. Trên thực tế, số lượng thành viên của các Tổ TKVV có điện thoại thông minh chiếm tỷ lệ thấp. “Ngay cả khi có điện thoại thông minh, tại một số khu vực vùng sâu vùng xa nông thôn, tình trạng sóng di động yếu, đôi lúc chập chờn cũng ảnh hưởng đến việc nhập liệu”, ông Thành thông tin thêm.

Để triển khai đồng bộ và có hiệu quả phần mềm quản lý tín dụng chính sách, thời gian tới Ngân hàng CSXH chi nhánh Hải Dương sẽ tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của Phòng giao dịch Nam Sách. Qua đó xây dựng lộ trình đào tạo, tập huấn đến các đối tượng sử dụng. Khuyến khích thành viên các Tổ TKVV sử dụng điện thoại thông minh. Lựa chọn những thành viên am hiểu công nghệ để xây dựng thành nhân tố đi đầu trong triển khai ứng dụng.

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Hiệu quả từ phần mềm quản lý tín dụng chính sách