[Audio] Nông thôn mới Hải Dương mang khát vọng phát triển

15/03/2023 13:00

Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (2011-2021), Hải Dương đã nỗ lực không ngừng để thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

00:00


Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng giới thiệu nông sản đặc sản của Hải Dương là vải thiều Thanh Hà với các nhà ngoại giao quốc tế

Làng quê khởi sắc chính là điểm tựa để thời gian tới xứ Đông tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa ở khu vực nông thôn.

Nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5.8.2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM); Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Vì vậy, từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV (nhiệm kỳ 2010-2015) đến Đại hội XVI (nhiệm kỳ 2015-2020) và Đại hội XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), Hải Dương xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống nông dân” là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án, cơ chế chính sách tổ chức thực hiện chương trình như: khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, bảo quản nông sản; xây dựng kiên cố hóa đường nông thôn, đường nội đồng đạt chuẩn NTM…

UBND tỉnh giao các sở, ngành và các đơn vị có liên quan của tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời ban hành hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng NTM như: quy hoạch NTM, dồn điền, đổi thửa gắn với chỉnh trang đồng ruộng, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp… Đồng thời, tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho cấp huyện, cấp xã đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả xây dựng NTM.

Căn cứ các chương trình, kế hoạch của tỉnh, UBND cấp huyện ban hành các chương trình, đề án, dự án, chính sách cụ thể thể hiện sự quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ và các tổ chức hội, đoàn thể kịp thời cụ thể hóa nghị quyết, xây dựng kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Đồng thời chỉ đạo, tổ chức triển khai sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” tới các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.


Diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu xã Bạch Đằng (Kinh Môn)

Hoàn thành mục tiêu 

Hải Dương bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2011. Khi ấy, bình quân mỗi xã trong tỉnh mới chỉ đạt 6,7 trong tổng số 19 tiêu chí, chỉ ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng. Mặt khác, những tiêu chí đạt được cơ bản là tiêu chí "mềm", không cần huy động nguồn lực lớn. Hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh là “bài toán” khó có lời giải của các xã trong thời điểm ấy. Khó khăn tạo áp lực nhưng cũng là động lực để mỗi địa phương tìm ra hướng đi phù hợp để hoàn thành các tiêu chí NTM.

Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã phát huy sức mạnh tổng hợp, toàn diện của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và người dân, cùng tạo sự thay đổi mang tính đột phá cho công cuộc xây dựng NTM của tỉnh. Nhờ định hướng đúng, quyết tâm cao mà chỉ sau 3 năm thực hiện chương trình, 13 xã đầu tiên trong tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn NTM vào năm 2014, tạo ra khí thế thi đua xây dựng NTM sôi nổi trong cả tỉnh. 

10 năm qua, dù mỗi nơi đều có giải pháp, kế hoạch thực hiện phong trào riêng nhưng đều tựu trung lại ở tinh thần xây dựng NTM vì dân. Bên cạnh sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và phát huy vai trò của người đứng đầu thì Hải Dương coi phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng NTM. Nhờ đó mà tỉnh phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tạo nên khối đại đoàn kết toàn dân. Tính đến hết năm 2021, toàn tỉnh đã huy động được gần 58.400 tỷ đồng xây dựng NTM; nhân dân ủng hộ gần 5.500 tỷ đồng, hàng triệu ngày công, tự nguyện hiến hàng vạn m2 đất để tạo nên diện mạo mới cho quê hương. 

Tái cơ cấu nông nghiệp chính là dấu ấn đậm nét nhất trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn để tạo nguồn lực xây dựng NTM của Hải Dương. Đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ được quy hoạch lại khoa học hơn với hơn 54.000 ha đã dồn điền, đổi thửa và hệ thống thủy lợi chỉnh trang bài bản. Các vùng sản xuất lúa, rau màu tập trung được hình thành với tổng diện tích hơn 30.000 ha. Sản xuất rau màu, trái cây an toàn, ứng dụng công nghệ cao được chú trọng nên giá trị được nâng cao, đạt trung bình 550 triệu đồng/ha/năm, có nơi giá trị này lên tới 3 tỷ đồng. Hải Dương cũng có hơn 800 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và 2.000 ha thủy sản phát triển theo hướng công nghệ cao. Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được triển khai quyết liệt và hiệu quả. Đến nay, cả tỉnh đã có hàng trăm sản phẩm nông nghiệp được gắn sao.

Nhờ nỗ lực bền bỉ của cấp ủy, chính quyền và người dân cùng với cách làm sáng tạo, phù hợp mà bức tranh NTM của Hải Dương ngày càng tươi sáng. Từ khi bắt đầu xây dựng NTM đến nay, toàn tỉnh đã nâng cấp, cải tạo khoảng 5.500 km đường nông thôn. Môi trường nông thôn được cải thiện dần.

Đời sống vật chất được nâng cao đã tạo ra những chuyển biến rõ nét trong đời sống tinh thần của người dân. Đến hết năm 2022, 78,5% số trường học trong tỉnh đạt chuẩn quốc gia, 100% số xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, y tế dự phòng được chú trọng; ngăn chặn và xử lý kịp thời các dịch bệnh nguy hiểm phát sinh trên địa bàn. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 91,75%. Tỷ lệ làng, khu dân cư văn hóa đạt 92%, tỷ lệ cơ quan văn hóa đạt 86%…

Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Chặng đường 10 năm xây dựng NTM của Hải Dương đã khép lại với thành quả xứng đáng khi được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2020, là 1 trong 5 địa phương đầu tiên trong cả nước sớm về đích chương trình này. Nhưng đây mới chỉ là một cột mốc trong hành trình dài vươn tới. 

Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình xây dựng NTM của Hải Dương là chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc, Hải Dương đã có mục tiêu cụ thể xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cho từng năm, phát triển phong trào theo hướng hiệu quả, toàn diện, bền vững. 

UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1290/KH-UBND thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chung của kế hoạch là xây dựng NTM tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025 chú trọng phát triển về chất nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá nông thôn, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. 

Hải Dương phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (dự kiến 107 xã). Đối với các xã đã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu giai đoạn 2016-2020 tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm sau khi rà soát 100% số xã (4 xã) đạt các chỉ tiêu, tiêu chí xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 và hướng tới xây dựng NTM thông minh; phấn đấu đến hết năm 2025 có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (dự kiến 36 xã).

Đối với các huyện đã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016-2020 tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí bảo đảm sau khi rà soát 100% số huyện đạt các chỉ tiêu, tiêu chí huyện NTM giai đoạn 2021-2025; phấn đấu hết năm 2025 có 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao trở lên.

Để thực hiện kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh và các địa phương nâng cao năng lực ban chỉ đạo và bộ máy giúp việc các cấp; tổ chức tổng kết đánh giá kết quả xây dựng NTM giai đoạn vừa qua, rút ra các bài học kinh nghiệm, các mô hình hay, cách làm sáng tạo... Huy động tối đa nguồn lực của địa phương để tổ chức triển khai chương trình. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần xây dựng, hướng dẫn kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào. UBND cấp huyện tiếp tục phát động, hướng dẫn, đổi mới nội dung, hình thức triển khai thực hiện phong trào thi đua trên địa bàn. Huy động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp trí tuệ, công sức, phát huy nội lực và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành sớm hoặc đúng theo kế hoạch trong xây dựng NTM...

Hải Dương quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn đến năm 2025; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, kết hợp hài hòa với chương trình phát triển đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu để nông thôn Hải Dương thực sự là những vùng quê kiểu mẫu, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh.

TRIỆU THẾ HÙNG
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh,
Trưởng Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Hải Dương

Ngày 16.3.2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 358/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (là 1 trong 5 tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đầu tiên). Hiện tất cả 178 xã trong tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới; tất cả 12 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2023, tỉnh dự kiến có 59 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt tỷ lệ 33,1%; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt tỷ lệ 7,9%.

>>> Phát triển làng nghề gắn với OCOP

>>> [Audio] Tái cơ cấu nông nghiệp
>>> Nông thôn an toàn
>>>
Đột phá xây dựng cơ sở vật chất trường học

(0) Bình luận
[Audio] Nông thôn mới Hải Dương mang khát vọng phát triển