Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội

30/09/2010 05:50

Trong 5 năm qua, kinh tế tư nhân (KTTN) trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực KTTN giải quyết đến 80% số việc làm cho người lao động.


Trung tâm Dịch vụ thủy sản nước ngọt ở thị tứ Hưng Đạo (Tứ Kỳ) do ôngNguyễn Đức Vụ làm giám đốc, tạo việc làm cho 20 - 30 lao động, mứclương bình quân của mỗi lao động gần 3 triệu đồng, doanh thu hằng nămđạt 8-10 tỷ đồng. Ảnh: Thành Chung

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh hiện có gần 4.540 doanh nghiệp, các chi nhánh và văn phòng đại diện hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó KTTN chiếm 99%. Tổng số vốn đăng ký của các doanh nghiệp này là gần 29 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 190 nghìn lao động (tăng gần 5 lần so với năm 2005). Ngoài ra còn có trên 20 nghìn hộ kinh doanh cá thể với tổng vốn đăng ký khoảng 600 tỷ đồng. KTTN thu hút được nhiều lao động từ khu vực nông thôn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần xoá đói, giảm nghèo, giảm tệ nạn xã hội.

Từ năm 2002 đến nay đã có hơn 4.000 doanh nghiệp, các chi nhánh và văn phòng đại diện của KTTN đăng ký thành lập, với tổng số vốn đăng ký hơn 20 nghìn tỷ đồng. Số vốn đăng ký của một doanh nghiệp trung bình khoảng 5,3 tỷ đồng. Tạo khoảng 155 nghìn việc làm mới. Tốc độ phát triển doanh nghiệp luôn đạt trên 10%/năm. Riêng từ  đầu năm 2007 đến nay, khi tỉnh ta thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và đăng ký con dấu đặt tại Sở Kế hoạch và Đầu tư,  tốc độ phát triển doanh nghiệp trung bình tăng trên 24%/năm. Ngoài ra, mỗi năm có hàng trăm doanh nghiệp đăng ký bổ sung hàng nghìn tỷ đồng vốn; bổ sung ngành nghề kinh doanh; bổ sung nhà đầu tư; mở rộng địa bàn đầu tư; chuyển đổi loại hình đầu tư... Cùng với chính sách khuyến khích về hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu của Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực đầu tư sản xuất, làm cho sản phẩm hàng hoá xuất khẩu ngày càng đa dạng. Kim ngạch xuất khẩu của KTTN chiếm trên 10% kim ngạch xuất khẩu của toàn tỉnh. Số nộp ngân sách của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, năm 2002 mới gần 39 tỷ đồng, đã tăng lên gần 245 tỷ đồng (năm 2008) và trong hơn 8 tháng đầu năm nay đã đạt trên 500 tỷ đồng,  chiếm gần 15% tổng thu nội địa trên địa bàn.

Đạt được kết quả trên là do tỉnh ta đã xây dựng và triển khai các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá IX), về đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN. Các cấp, các ngành, các địa phương đã nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTN. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" trong tất cả các lĩnh vực đời sống, xã hội, nhất là liên quan đến đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cá nhân. Đẩy mạnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các khu, cụm công nghiệp đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch của cả nước, với tổng diện tích là 3.591 ha và  33 cụm công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch, với trên 1.500 ha. Thực hiện chính sách "dồn ô, đổi thửa" trong nông nghiệp, tăng diện tích canh tác của từng hộ, thúc đẩy đầu tư, thâm canh, cơ giới hoá, phòng trừ dịch bệnh... tạo ra các vùng chuyên canh, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến phát triển. Vấn đề môi trường và xử lý môi trường trong các khu, cụm công nghiệp, làng nghề đã được quan tâm. Thực hiện khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật như: Miễn giảm thuế; miễn giảm tiền thuê đất; cho vay vốn và hỗ trợ lãi suất vay vốn; miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; giải phóng mặt bằng; đào tạo lao động; thông tin quảng cáo...

Sở Kế hoạch và Đầu tư đã mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản trị doanh nghiệp cho trên 1.000 cán bộ quản lý doanh nghiệp; các trung tâm xúc tiến thương mại, khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) đã mở các lớp bồi dưỡng về kinh doanh dịch vụ, hội nhập kinh tế quốc tế... cho trên 10 nghìn lượt người; Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho trên 5.000 lượt cán bộ HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa... Hàng chục đợt tập huấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn thủ tục xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho gần 800 doanh nghiệp, đã cấp bằng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho trên 1.000 đơn vị; thực hiện đề án Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế; cấp các chứng chỉ ISO-9000, ISO-14000, HACCP cho hàng trăm doanh nghiệp. Hằng năm, tỉnh đều tổ chức bình chọn doanh nghiệp sản xuất giỏi, doanh nhân tiêu biểu...

Mục tiêu của tỉnh ta là bảo đảm KTTN đạt tốc độ tăng trưởng trên 20%; mỗi năm phấn đấu đăng ký mới trên 1.000 doanh nghiệp và 2.000 hộ kinh doanh cá thể; giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Do đó, cần tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN. Tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển KTTN nhằm đổi mới và nâng cao nhận thức toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh, góp phần thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển...

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh tế tư nhân góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội