Xử lý đất dôi dư, xen kẹp: Hồng Lạc tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới

06/12/2017 14:39

Xã Hồng Lạc (Thanh Hà) được đánh giá là địa phương xử lý diện tích đất dôi dư, xen kẹp (DDXK) hiệu quả nhất.


Khoảng 300 m2 đất ao của gia đình anh Trần Văn Thiết đã được chuyển đổi thành đất ở

Ngoài sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhân dân xã Hồng Lạc cũng tích cực hưởng ứng việc xử lý đất DDXK.

Khi nhận được thông báo của UBND xã về xử lý đất DDXK, ông Phạm Thanh Việt ở thôn Đồng Vang rất mừng vì đã có thể chuyển đổi diện tích đất DDXK thành đất ở và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Việt cho biết: "Gia đình tôi có gần 500 m2 đất DDXK từ lâu vẫn để trồng vải. Khi được cán bộ xã vào tận nhà thông báo, gia đình tôi nhất trí cao. Tôi đã nộp tiền chuyển đổi hơn 200 triệu đồng và được cấp sổ đỏ cuối tháng 6 vừa qua. Như vậy, tôi và con cháu về sau sẽ yên tâm hơn về quyền sử dụng đất".

Khu vườn rộng rãi bên cạnh nhà anh Trần Văn Thiết cùng ở thôn Đồng Vang cũng vừa được chuyển đổi thành đất ở. Anh Thiết cho biết: "Đất ở của gia đình tôi trước đây nhỏ hẹp. Liền đó có một cái ao rộng khoảng 300 m2 tôi đã lấp để nuôi gà, vịt. Khi xã triển khai xử lý đất DDXK, tôi hưởng ứng ngay".

Để có được sự ủng hộ của người dân, xã Hồng Lạc đã có những bước làm bài bản, minh bạch. Ban đầu một số người dân chưa hiểu được chính sách của Nhà nước, còn có suy nghĩ đất liền kề đất ở đương nhiên thuộc đất của nhà mình nên không phối hợp với các cơ quan chức năng. Vì vậy, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý đất DDXK. Công tác xử lý đất DDXK được triển khai đến các thôn thông qua các cuộc họp chi bộ, họp thôn, xóm. Xã còn đẩy mạnh tuyên truyền các quy định, chính sách của Nhà nước, công tác quản lý đất đai và quyền lợi của người dân khi chuyển đổi đất DDXK thành đất ở để đông đảo nhân dân nắm được. Đảng ủy xã đã ra nghị quyết khi xây dựng nhà trên đất mới quy hoạch khu dân cư, người dân phải có giấy phép. Quy định này phần nào thúc đẩy người dân có ý thức hơn trong xử lý đất DDXK thành đất ở.

Ông Vũ Xuân Hào, Chủ tịch UBND xã Hồng Lạc cho biết: "Chúng tôi đã cử cán bộ địa chính đến từng nhà dân có đất DDXK để tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu rõ. Khi chuyển đổi đất DDXK và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng thì người dân sẽ thuận lợi hơn trong giao dịch đất ở và yên tâm sử dụng. Nhiều trường hợp lãnh đạo xã phải đến tận nhà để vận động, giải thích". Việc người dân đồng thuận xử lý đất DDXK vừa tạo điều kiện cho họ hợp lý hóa đất đai, khu dân cư gọn gàng hơn, vừa tạo nguồn vốn cho địa phương xây dựng các công trình nông thôn mới.

Xã Hồng Lạc có hơn 40.000 m2 đất DDXK của 142 hộ. Sau 5 đợt xử lý, đến nay đã có 75 hộ chuyển đổi được gần 17.500 m2 đất DDXK thành đất ở, nộp về ngân sách xã hơn 8 tỷ đồng. Xã phấn đấu đến năm 2019 sẽ xử lý xong toàn bộ diện tích đất DDXK.

Kinh phí thu được từ xử lý đất DDXK là một trong những nguồn lực chính giúp xã Hồng Lạc hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã đang khẩn trương xây dựng  các công trình trường học, sân vận động trung tâm, phấn đấu về đích nông thôn mới trong năm nay.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Xử lý đất dôi dư, xen kẹp: Hồng Lạc tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới