Tung 5.000 tỷ đồng dẹp tín dụng đen

27/01/2019 10:04

Agribank đang xúc tiến triển khai ít nhất 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp, đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp thiết của khách hàng.

Ngày 26.1, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng (NH) Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết NH đang xúc tiến triển khai ít nhất 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp, đáp ứng nhu cầu đột xuất, cấp thiết của khách hàng. Mỗi khoản vay tối đa 30 triệu đồng tùy theo khả năng trả nợ của từng gia đình, khách hàng.

Sáng vay - chiều nhận tiền

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 của Agribank, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu Agribank cần duy trì dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đúng tỉ trọng mà NH đã cam kết trong đề án cơ cấu lại, bởi vai trò của Agribank trong việc phát triển tam nông là rất lớn và đặc biệt quan trọng. Trong đó, tập trung quan tâm lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thúc đẩy hoạt động tín dụng tiêu dùng của Agribank để đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Trong nguồn vốn tín dụng cho vay tiêu dùng, đặc biệt quan tâm đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh, sinh viên, người lao động ở khu công nghiệp...

Vì sao NH Nhà nước lại yêu cầu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Agribank, NH Chính sách xã hội đẩy mạnh cho vay tín dụng tiêu dùng để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen? Trao đổi với phóng viên, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng phân tích có những lúc người dân tìm đến tín dụng đen như sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, đến hạn không trả được nợ phải vay ngoài lãi cao để bù đắp, những nhu cầu tiêu dùng như đau ốm, bệnh tật, ma chay, cưới hỏi… Đây là nhu cầu tiêu dùng thường trực phát sinh và không dễ tiếp cận vốn NH để ngay lập tức giải ngân khi khách hàng cần.

Tung 5.000 tỉ đồng dẹp tín dụng đen - Ảnh 1.

Tín dụng đen giăng bẫy khắp nơi. Ảnh: TẤN THẠNH

"Do đó, NH Nhà nước mới chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu cung ứng vốn cho những đối tượng dễ bị tổn thương bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó có vay tín chấp tiêu dùng, kết hợp với chính quyền địa phương, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… xác nhận khách hàng có nhu cầu thực sự để NH thương mại cho vay ngay và động viên khách hàng trả nợ. Các NH chỉ cần cho nhóm đối tượng này vay với lãi suất khoảng 12%/năm là bù đắp được rồi, trong khi đối với khách hàng mức lãi suất này là rất tốt" - Thống đốc Lê Minh Hưng phân tích.

Quan trọng nhất để thúc đẩy tín dụng tiêu dùng là thủ tục phải thông thoáng, đơn giản, quy trình hồ sơ có thể giải ngân trong ngày, sáng vay - chiều nhận. Hiện Agribank đang triển khai trước mắt khoảng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp đáp ứng nhu cầu cấp thiết của khách hàng vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, kể cả khách hàng ở các KCN-KCX tại đô thị…

"Việc gia đình có người thân đau ốm phải nhập viện cấp cứu mà nộp hồ sơ vay ngân hàng 3-4 ngày sau mới giải ngân thì không ổn, họ buộc phải tìm tới tín dụng đen. Do đó, cần nghiên cứu cơ chế xét duyệt trong ngày, mức cho vay và lãi suất hợp lý" - Phó Thống đốc NH Nhà nước Đào Minh Tú nói.

Không cần tài sản bảo đảm

Theo một số nhân viên Agribank, hiện đã có văn bản của NH thông tin về gói 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng tín chấp nhưng để triển khai cụ thể tới từng khách hàng thì vẫn đang chờ hướng dẫn chi tiết. Cụ thể, mỗi khách hàng sẽ được vay tối đa 30 triệu đồng, tùy vào nhu cầu và khả năng trả nợ, cho các mục đích vay tiêu dùng, mua xe, sửa nhà, công nhân mua sắm thiết bị, đồ dùng gia đình…, thời hạn vay tối đa 1 năm.

"Nếu hồ sơ đầy đủ ngay lần cung cấp đầu tiên, khách hàng sẽ được giải ngân trong ngày. Nhưng yếu tố quan trọng là người vay vẫn phải chứng minh thu nhập, do đó chúng tôi đang chờ hướng dẫn cụ thể quy trình thủ tục cho vay từ NH" - nhân viên Agribank một chi nhánh tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh cho biết.

Chia sẻ về gói 5.000 tỷđồng cho vay tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen, bà Nguyễn Thị Phượng cho hay hiện mỗi năm, dư nợ cho vay tiêu dùng của NH này khoảng 20.000 tỷđồng nhưng với quy trình, thủ tục hồ sơ vay vốn như hiện nay thì những nhóm đối tượng dễ tổn thương, có nhu cầu cấp thiết về vốn như đau ốm, bệnh tật, cần vốn gấp để giải quyết việc đột xuất… sẽ khó tiếp cận được. Do đó, Agribank đã nghiên cứu thêm sản phẩm cho vay mới là tín chấp tiêu dùng, không cần tài sản bảo đảm và thủ tục nhanh gọn, dễ dàng hơn, có thể giải ngân trong ngày.

Mỗi khách hàng sẽ được vay tối đa 30 triệu đồng, tùy vào khả năng trả nợ, nhu cầu vốn của mình. Như nhiều khách hàng ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa hoặc công nhân ở KCX-KCN chỉ có nhu cầu vay vốn để đóng tiền điện nước sinh hoạt hằng tháng, học phí cho con… sẽ cần khoảng vài triệu đồng/tháng.

"Đẩy mạnh cho vay nhưng quan điểm vẫn là khách hàng phải chứng minh thu nhập và có khả năng trả nợ. Lúc này, NH sẽ phối hợp trực tiếp với các tổ dân phố, UBND phường, xã, hội cựu chiến binh, hội phụ nữ... để nắm được thông tin về nhu cầu vốn của từng gia đình. Rất nhiều người vì cần vốn cấp bách đã trở thành nạn nhân của tín dụng đen, thậm chí cả xã hội đen, nên sản phẩm vay tiêu dùng tín chấp của Agribank được kỳ vọng sẽ hạn chế được tình trạng này" - bà Phượng nói.

Giải quyết nhu cầu cấp thiết

Nhiều người có nhu cầu vay vốn khi biết được thông tin về gói tín dụng 5.000 tỷđồng cho vay tiêu dùng không cần tài sản thế chấp tỏ ra rất hồ hởi bởi lâu nay, việc tiếp cận vốn NH không dễ, nhất là với những người có thu nhập thấp, không có tài sản thế chấp hoặc phương án trả nợ khả thi như công nhân, người làm nghề kinh doanh tự do, buôn bán nhỏ…

"Đặc thù của ngành xây dựng, nhất là xây nhà ở, là chủ thầu thường phải ứng vốn để mua vật tư, trả lương công nhân rồi chủ nhà mới tạm ứng tiền theo tiến độ công trình. Không ít lần, tôi phải tìm đến tín dụng đen để trả công thợ, thanh toán tiền vật tư vì công trình đang dở dang không thể bỏ, dù lãi suất cắt cổ. Giờ nếu vay được vốn NH tín chấp, chỉ vài trục triệu đồng cũng giúp nhiều người cần vốn với nhu cầu chính đáng không phải vay nóng bên ngoài" - anh Hoàng, một chủ thầu xây dựng ở quận 9, TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Đại diện Cơ quan Thanh tra giám sát NH (thuộc NH Nhà nước) cho biết đối tượng vay nặng lãi mà các tổ chức, cá nhân nhắm tới là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết, đối tượng cờ bạc cá độ bóng đá... Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính.

Lãi suất cắt cổ tính theo ngày, tuần ở mức rất cao khiến nhiều người chỉ vay vài chục triệu đồng nhưng vài tháng sau đã phải viết giấy nợ hàng trăm triệu đồng, không có khả năng trả nổi. Do đó, việc các NH thúc đẩy tín dụng tiêu dùng tín chấp được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu vốn của chính đáng trong lúc cấp thiết của người dân, đẩy lùi tín dụng đen. 

Cần nhiều ngân hàng vào cuộc

Tại phiên họp thường kỳ của NH Chính sách xã hội mới đây, Thống đốc NH Nhà nước Lê Minh Hưng yêu cầu NH này phối hợp với các vụ, cục của NH Nhà nước khảo sát, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm đẩy lùi tín dụng đen trong bối cảnh hoạt động này xảy ra trên nhiều địa bàn, tác động xấu tới hoạt động tiền tệ NH. Cần rà soát lại chương trình cho vay ưu đãi hiện nay để trình Thủ tướng điều chỉnh phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, góp phần cùng ngành NH hạn chế tín dụng đen.

Theo yêu cầu của NH Nhà nước, các tổ chức tín dụng khác cũng cần vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức. Các NH thương mại đều có trách nhiệm tham gia góp phần hạn chế tín dụng đen, tùy vào điều kiện, nguồn vốn và định hướng của từng đơn vị, nhất là trong bối cảnh vay tiêu dùng (các món vay nhỏ, bán lẻ) đang trở thành xu hướng của thị trường.

Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng

Theo các chuyên gia kinh tế, để giải quyết dứt điểm tình trạng tín dụng đen, NH Nhà nước cần làm đầu mối nhanh chóng ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tín dụng chính thức qua NH, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân... Cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu được sự khác biệt giữa tài chính chính thức và phi chính thức, các hậu quả, hệ lụy và quy định pháp luật liên quan (cả hình sự và dân sự). Cần đẩy mạnh phát triển hệ thống tổ chức tín dụng phi NH bao gồm công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân... nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của xã hội.

4-chot

Nhiều ngân hàng đã có phương án cho người tiêu dùng vay không thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày. Ảnh: TẤN THẠNH

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính NH cho biết do sự phát triển về công nghệ, hoạt động tín dụng đen ngày càng trở nên tinh vi, phổ biến hơn, núp bóng các hình thức huy động vốn, góp vốn, hỗ trợ tài chính... Thủ tục vay đơn giản, nhanh gọn, mọi lúc mọi nơi khiến tín dụng đen hoành hành khắp nơi. Vấn đề nhức nhối là do mức lãi suất cao nên tín dụng đen dễ đẩy người vay vào tình trạng kiệt quệ, cùng quẫn về tài chính.

THÁI PHƯƠNG (Người lao động)

(0) Bình luận
Tung 5.000 tỷ đồng dẹp tín dụng đen