Thu hàng trăm triệu nhờ cây khoai

29/04/2018 07:00

Sau nhiều lần thất bại, lão nông Bùi Công Tính đã thử nghiệm và trồng thành công giống khoai lấy bồng có nguồn gốc từ Thái Lan, thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm.


Trồng khoai lấy bồng chi phí thấp, chăm sóc đơn giản mà thu lãi cao

Thành công sau nhiều thất bại

Năm 2015, khi xã Lê Hồng thực hiện dồn điền, đổi thửa, ông Bùi Công Tính (sinh năm 1957) ở thôn Hoành Bồ, xã Lê Hồng (Thanh Miện) quyết định nhận hơn 7 mẫu đất ở khu đồng Lá Cà của địa phương để đào ao thả cá và trồng cây dược liệu. Ông Tính kể: "Có người bảo tôi khùng, nhà cao cửa rộng không ở lại đi đổ tiền bạc vào nơi đồng chua, đất trũng này. Không có cơ sở gì để thành công, chỉ tội rước mệt vào người”. Bỏ ngoài tai những lời bàn tán, ông Tính vẫn quyết tâm thực hiện ý định của mình.

Trước đây, thu nhập của gia đình ông Tính trông vào 1 mẫu ruộng và nghề bốc thuốc nam. Chắt chiu, dành dụm bao năm, vợ chồng ông để ra được 180 triệu đồng phòng thân lúc về già.

Khi khởi nghiệp, ông Tính dồn cả số tiền đó vào khu chuyển đổi. Ông vay thêm ngân hàng, anh em gần 700 triệu đồng để đầu tư. Từ khu đồng chua trũng với nhiều đống ụ to nhỏ, ông Tính đã biến nơi đây thành khu chuyển đổi với các khu ao, chuồng, vườn, ruộng.

Ông chi hơn 70 triệu đồng lắp đường điện, đường nước sạch dẫn vào khu chuyển đổi của gia đình. Ông đầu tư hơn 200 triệu đồng tiền vốn mua máy cày, vừa chủ động làm đất cho gia đình, vừa làm thuê cho bà con tăng thu nhập. Ngoài nhận làm đất cho 100 mẫu ruộng của bà con trong vùng, ông còn nhận cấy gần 3 mẫu ruộng. “Cứ ai có ruộng không muốn cấy nữa là tôi nhận. Tôi trả bà con 20 kg thóc/sào/năm. Có người còn để tôi cấy không lấy thóc”, ông Tính nói.  

Sau khi cải tạo 7 mẫu ruộng và có mặt bằng, ông Tính trồng 2 mẫu cây đinh lăng. Do chưa tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây đinh lăng bị chết, thiệt hại 150 triệu đồng. Nhìn 2 mẫu đinh lăng héo rũ, vợ ông chỉ biết đứng khóc. Ông xót của nhưng vẫn tự động viên mình, động viên vợ không được nản lòng. Sau đó, ông dọn ruộng, san luống để cấy lúa ngay chứ không để đất trống. Năm đầu khởi nghiệp không suôn sẻ, ông chỉ lãi gần 100 triệu đồng từ 5 mẫu ao thả cá  trắm, chép. Dù xác định khởi nghiệp không dễ dàng nhưng ông không ngờ mình thất bại nhanh như vậy.

Tháng 3.2016, giữa lúc loay hoay bắt đầu lại thì ông biết tới giống khoai trồng lấy bồng. Đó là nhờ một người bạn đã mang loại khoai này từ Thái Lan về nước và tặng cho ông 20 kg củ. Trồng khoai không mất nhiều vốn, lại sẵn có 2 sào ruộng từng trồng đinh lăng bị chết chưa cấy lúa, ông Tính ươm giống, bơm nước vào ruộng, trồng thử nghiệm giống khoai này. Tháng 7.2016, một trận mưa lớn khiến nước ngập lên ruộng, cá vào ăn hết bồng khoai mới nhú. Ông Tính phải vớt lại từng cây để giữ giống rồi đem trồng lại. Lần này, sau 2-3 tháng xuống giống, cây khoai cho thu hoạch những ngọn bồng đầu tiên. Sau đó, cây nảy bồng liên tục nên ngày nào cũng có thể hái tỉa bồng. Ban đầu, vợ ông mang bồng bán ở chợ gần nhà giá 20.000-25.000 đồng/kg. Bồng khoai ăn lạ miệng nên được bà con ưa chuộng, việc bán cũng dễ dàng. Thương lái biết ông bán bồng nên tới tận ruộng đặt mua. Đơn hàng ổn định nên ông Tính không lo đầu ra của sản phẩm.


Năm 2017, ông Tính thu lãi hơn 500 triệu đồng từ trồng khoai lấy bồng

Trung bình 1 sào khoai cho thu 7-10 kg bồng/ngày. Cây khoai cho thu hoạch liên tục trong vòng 7-8 tháng, với giá bán trung bình từ 20.000 -25.000 đồng/kg. "Nếu thời tiết thuận lợi, không có gió bấc và sương muối cùng với chăm sóc tốt, cây khoai sẽ cho thu hoạch đều, mỗi sào khoai thu từ 5-7 triệu đồng/tháng", ông Tính nói. Đến tháng 10.2016, ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai lấy bồng lên gần 8 sào. Trong năm 2017, ông Tính thu hơn 700 triệu đồng từ việc bán bồng khoai, trừ chi phí lãi hơn 500 triệu đồng.

Kỳ vọng lớn

Nhận thấy hiệu quả trồng khoai lấy bồng, ông Tính đã chia sẻ giống, kinh nghiệm cho bà con trong vùng. Ông bán khoai giống với giá 1.500-2.000 đồng/cây. Nông dân các huyện Thanh Hà, Nam Sách, Bình Giang… và các tỉnh như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang tới tận ruộng mua cây khoai giống. Ngoài diện tích ruộng của gia đình, ông Tính nhận thêm những chân ruộng chua trũng, khó canh tác lúa để trồng khoai, vừa thu hoạch bồng vừa ươm giống. Đầu năm 2018, ông mở rộng diện tích trồng khoai lên hơn 5 mẫu.

Trồng khoai lấy bồng đem lại hiệu quả kinh tế cao mà kỹ thuật chăm sóc đơn giản. Cây chỉ cần bón lót, bón thúc khi mới trồng để lên cứng cáp, bảo đảm cấp đủ nước là có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

Bồng khoai của giống khoai này ăn giòn, ngọt, không ngứa lại có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau nên được thị trường ưa chuộng. Ông Tính nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội. Cứ 2-3 ngày, thương lái tới ruộng thu mua bồng khoai một lần, mỗi lần mua 1 tấn. Đơn hàng yêu cầu tăng số lượng mua nhưng diện tích trồng khoai của gia đình ông và các hộ lân cận chưa đủ đáp ứng. Ông Tính rất kỳ vọng vào tiềm năng của của loại cây này. Ông mong muốn thời gian tới sẽ xây dựng được thương hiệu bồng khoai, có thể đưa sản phẩm vào tiêu thụ trong các cửa hàng, siêu thị.

HÀ NGA

(0) Bình luận
Thu hàng trăm triệu nhờ cây khoai