Thay thế xe buýt cũ: Thực hiện bình đẳng giữa các chủ xe

30/12/2018 06:28

Hiện nay nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt bức xúc vì đang bị cạnh tranh với các doanh nghiệp vẫn sử dụng xe cũ nát.

Hành khách sử dụng xe buýt mới được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn

Xe cũ "chọi" xe mới

Tuyến Hải Dương - Thanh Hà hiện do Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường cùng khai thác, với tổng số hơn 20 xe buýt. Trong khi Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Nam Việt Cường đầu tư 11 tỷ đồng mua 9 xe mới và sắp thay thế nốt 3 xe cũ trong tháng tới thì Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng vẫn sử dụng 9 xe cũ. Giá vé giữa xe cũ và xe mới chạy cùng tuyến chênh lệch không nhiều.

Xe buýt cũ - mới chạy song song là thực trạng chung đang diễn ra ở một số tuyến xe buýt đi trong và ngoài tỉnh. Việc này khiến các doanh nghiệp (DN) chấp hành tốt chủ trương của tỉnh là thay xe cũ bằng xe mới bức xúc. Nguyên nhân do DN phải bỏ ra khoảng 1,2 tỷ đồng mua 1xe mới. Để duy trì số xe chạy thường xuyên và có xe dự phòng, DN phải đầu tư ít nhất trên 10 tỷ đồng, tuyến nhiều xe lên tới 14 - 15 tỷ đồng, thậm chí nhiều hơn. Hầu hết DN phải vay vốn từ các tổ chức tín dụng. Ví dụ Công ty CP Vận tải Đức Khoa đầu tư hơn 37,4 tỷ đồng để thay xe; Công ty TNHH Vận tải hành khách và Du lịch Hưng Thịnh đầu tư 15,9 tỷ đồng; Công ty TNHH Triệu Phố 14,7 tỷ đồng ... Xe mới nhưng giá vé cũ và phải cạnh tranh với đơn vị sử dụng xe cũ khiến nhiều DN rất khó khăn. 

Theo đại diện một số DN, hiện nay, hệ thống xe buýt mới đáp ứng tốt các tiêu chuẩn theo cam kết chất lượng phục vụ. Nhưng hầu hết các xe buýt cũ đang đi ngược lại các tiêu chí này. Những xe buýt cũ vẫn đang hoạt động chủ yếu được lắp ráp trong nước hoặc nhập khẩu của Trung Quốc từ năm 2007 trở về trước. Trong đó, có khoảng 40 xe đã lưu hành trên 10 năm, khoảng 160 xe từ 8 - 10 năm. Rất nhiều xe thiếu an toàn, phát sinh khí thải, tiếng ồn lớn gây ô nhiễm môi trường.

Do cạnh tranh không lành mạnh, nhiều DN đã đầu tư xe mới phải chịu áp lực lớn từ phía các cổ đông. Có cổ đông phải thế chấp nhà, xe ô tô để vay vốn nhưng kinh doanh không thuận lợi, thu hồi vốn chậm, trong khi hằng tháng đều đặn phải trả gốc, lãi cho các tổ chức ngân hàng.

Thay xe là cần thiết

Có 8 doanh nghiệp đầu tư hơn 100 tỷ đồng mua xe buýt mới nhưng vẫn phải cạnh tranh với các đơn vị sử dụng xe cũ

Toàn tỉnh hiện có 13 DN với tổng số 204 ô tô đang khai thác 14 tuyến xe buýt đi đến tất cả các huyện trong tỉnh và đi các tỉnh, thành phố khác như Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh.

Đến ngày 25.11.2018, có 8 DN đã mua 72 xe buýt mới theo tiêu chuẩn nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, lắp ráp trong nước nhưng sử dụng động cơ, khung gầm do hai nước này sản xuất. Như vậy, còn tới 132xe buýt cũ đang hoạt động song song với xe buýt mới. Theo lộ trình thay xe, cơ quan chức năng đã gia hạn 9 tháng (từ ngày 1.10.2017) để các DN khi hết giấy phép kinh doanh có thêm thời gian chuẩn bị thay xe mới. Đến nay đã quá hạn nhưng nhiều DN vẫn sử dụng xe cũ.

Theo đại diện một số DN đã thay xe, xe buýt cũ vẫn hoạt động do nhiều đơn vị tận thu, cố chạy cho đến khi xe hết hạn lưu hành rồi tính tiếp. DN chưa thay xe theo lộ trình, chưa có kế hoạch mua xe mới nhưng không bị cơ quan chức năng tổ chức đấu thầu lại tuyến đó như thông báo ban đầu khiến họ cố tình chây ỳ.

Theo ông Bùi Đức Chính, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở Giao thông vận tải), các DN chậm trễ thay thế xe cũ sẽ bị chính hành khách tẩy chay, không thể cạnh tranh bền vững được. Giá vé chênh lệch không lớn thì không có hành khách nào lựa chọn xe cũ để đi thay vì sử dụng xe mới sạch sẽ, lịch sự, dịch vụ tốt hơn. Ví dụ từ khi có xe buýt mới, nhiều cán bộ của UBND huyện Ninh Giang, người dân ở Thanh Hà đã không sử dụng xe cá nhân, không đi xe cũ. 

Căn cứ các quy định của pháp luật, rất nhiều xe buýt cũ hiện chỉ được cấp phù hiệu hoạt động trong 6 tháng. Các xe này phải chịu sự thanh tra, kiểm tra. Nếu phương tiện không đáp ứng được các tiêu chí theo cam kết chất lượng phục vụ sẽ bị xử lý hoặc đình chỉ. Các đơn vị chậm thay xe cũng sẽ không được hưởng hoặc được hưởng hỗ trợ lãi suất mua xe với mức thấp.

"Ngày 10.12 vừa qua, UBND tỉnh đã quyết định trích gần 3 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn đợt 1 cho các DN thực hiện đề án nâng cao chất lượng vận tải bằng xe buýt. Đối với các DN chậm thay thế xe, cơ quan chức năng tiếp tục vận động và có hướng xử lý phù hợp, bảo đảm cho các DN hoạt động bình đẳng, hiệu quả", ông Chính cho biết.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Thay thế xe buýt cũ: Thực hiện bình đẳng giữa các chủ xe