Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng

31/07/2020 07:05

Những năm qua, khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng (GPMB) trở thành nút thắt trong thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ.


Do nguồn gốc đất không rõ ràng nên việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng cho dự án đường tránh thị trấn Tứ Kỳ đang gặp nhiều khó khăn

Nhiều dự án vướng mắc

Thời gian qua, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh gặp khó trong GPMB. Chậm bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà người có đất bị thu hồi cũng chịu thiệt thòi.

Đến giữa tháng 7.2020, giai đoạn 2 dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu và phụ kiện ngành may ở cụm công nghiệp (CCN) Long Xuyên (Kinh Môn) của Công ty TNHH Nam Lee International vẫn chưa hoàn thành GPMB. Hiện vẫn còn 4 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB với diện tích khoảng 1.683 m2 do không đồng ý với đơn giá bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước. Do chưa hoàn thành GPMB, công ty chưa được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất. Giai đoạn 2 của dự án đã bị chậm tiến độ. Kế hoạch sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất lớn.

Dự án xây dựng CCN Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) với tổng diện tích 83 ha đã triển khai từ năm 2011. Do khó khăn trong GPMB nên CCN này đã được giảm diện tích xuống còn 47 ha. Để GPMB, huyện Tứ Kỳ phải vận động những hộ không muốn giao đất cho dự án đổi ruộng ra ngoài quy hoạch. Đến cuối năm 2018, Công ty TNHH May Tinh Lợi muốn thuê đất nên CCN Nguyên Giáp lại được điều chỉnh tăng lên 75 ha. Lúc này, GPMB rơi vào tình trạng "xôi đỗ". Đến nay, dự án vẫn còn vướng mặt bằng của 35 hộ với tổng diện tích chưa thể giải phóng khoảng 9.000 m2. Các hộ không muốn giao đất lại nằm trong quy hoạch dự án sau điều chỉnh. Bên cạnh đó, một số hộ đòi giá đền bù, hỗ trợ ruộng đất, hoa màu bằng cách thỏa thuận với chủ đầu tư. Một số hộ khác chấp thuận giao đất cho dự án với yêu cầu phải lấy cả diện tích ruộng sát CCN nhưng không nằm trong quy hoạch…

Cũng ở huyện Tứ Kỳ, tiến độ dự án làm đường tránh thị trấn Tứ Kỳ dài hơn 4 km chậm do vướng GPMB. Mục tiêu của dự án làm giảm mật độ phương tiện giao thông trên đường tỉnh 391 đoạn qua thị trấn. Từ cuối năm 2019, giai đoạn I dài khoảng 2,2 km đã được thi công nhưng đến nay mới GPMB khoảng 30% nên chỉ làm được hơn 600 m. Nguyên nhân chủ yếu do trước đây quy trình giao đất ở, đất vườn cho các hộ không đầy đủ, thủ tục thiếu chặt chẽ nên rất khó khăn trong xác định nguồn gốc đất.


Phần đất chưa giải phóng mặt bằng nằm trong dự án của Công ty TNHH Nam Lee International ở cụm công nghiệp Long Xuyên (Kinh Môn)

Chính quyền cần quyết liệt hơn

Theo đại diện các cơ quan chuyên môn, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong GPMB. Ngoài những bất cập về cơ chế, chính sách và sự đòi hỏi không chính đáng của một bộ phận người dân, sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của chính quyền địa phương thì sự thiếu trách nhiệm của cán bộ chuyên môn cũng là nguyên nhân khiến công tác GPMB nhiều dự án trên địa bàn bị tắc.

Sự thiếu trách nhiệm thể hiện ở việc áp dụng chính sách không đủ theo quy định, không phù hợp thực tế nên quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng khiến người có đất bị thu hồi không hợp tác với cơ quan chuyên môn. Mặc dù chính sách về đền bù, hỗ trợ khi thu hồi đất của Nhà nước và của tỉnh đã tương đối đầy đủ nhưng trên thực tế vẫn phát sinh những trường hợp không có trong quy định đòi hỏi chính quyền địa phương phải chủ động rà soát, báo cáo, đề xuất các cơ chế riêng phù hợp với quy định của pháp luật. “Nhiều dự án đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã phải vận dụng cơ chế riêng trong GPMB theo hướng vừa bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi nhưng không ảnh hưởng đến chính sách chung của Nhà nước. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt và sáng tạo của chính quyền các địa phương”, bà Trần Thu Hương, Phó Trưởng Phòng Giá đất (Sở Tài nguyên và Môi trường) nói.

Ông Đặng Vũ Sơn, Trưởng Ban GPMB TP Hải Dương cho rằng, để tháo gỡ khó khăn trong GPMB, chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng cơ chế, chính sách theo quan điểm có lợi cho người có đất bị thu hồi nhưng không bỏ quên quyền lợi của nhà đầu tư. Chỉ khi nào quyền lợi của nhà đầu tư và người có đất bị thu hồi cân bằng, lúc đó công tác GPMB mới thuận lợi. Chính quyền cần quyết liệt trong thu hồi đất, thậm chí có thể cưỡng chế bàn giao mặt bằng, tổ chức bảo vệ thi công nếu dự án có đầy đủ căn cứ pháp lý, quyền lợi của người có đất bị thu hồi đã được bảo đảm ở mức tối đa cũng là biện pháp cần thiết trong GPMB. “Trong nhiều trường hợp, cưỡng chế bàn giao mặt bằng lại là biện pháp phù hợp để hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp, bảo đảm quyền lợi cho người dân”, ông Sơn chia sẻ.

VỊ THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tập trung tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng