Sớm thu hồi dự án Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp

10/03/2018 06:45

Được UBND tỉnh cấp đất để thực hiện dự án Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương nhưng Công ty TNHH Hanh Thúy lại sử dụng diện tích này để tập kết, tái chế vải vụn...

Dự án Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương biến thành nơi tập kết phế liệu

Hoạt động sai mục đích

Công ty TNHH Hanh Thúy được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương từ tháng 4.2011 tại cụm công nghiệp An Đồng (thị trấn Nam Sách). Đầu năm 2013, công ty được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với hơn 4.000 m2 đất để thực hiện dự án. 

Mục tiêu của dự án là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tập trung vào các nghề chế biến rau quả, chế biến và bảo quản thủy sản, dịch vụ thú y, dịch vụ nhà hàng, nấu ăn... Dự án có tổng vốn đầu tư trên 23 tỷ đồng. Theo kế hoạch, mỗi năm trung tâm này sẽ đào tạo nghề ổn định cho hơn 1.700 học viên. Được biết, tháng 4.2012, Công ty TNHH Hanh Thúy đã ký hợp đồng với Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh, người khuyết tật Việt Nam để liên kết dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, đến nay công ty vẫn chưa mở được lớp đào tạo nào.

Theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp, Công ty TNHH Hanh Thúy phải hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động trong 24 tháng, kể từ ngày 21.4.2011. Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, Công ty TNHH Hanh Thúy đã hai lần được UBND tỉnh đồng ý gia hạn, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án. Tại Thông báo số 342/TB-UBND ngày 24.6.2013, UBND tỉnh đã chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đến hết ngày 31.12.2014. Khi thời hạn đã hết, công ty vẫn chưa hoàn thành xây dựng và đưa dự án vào hoạt động nên tiếp tục xin gia hạn. Tại Thông báo số 218/TB-UBND ngày 18.12.2014, UBND tỉnh đã chấp thuận điều chỉnh tiến độ đến hết ngày 31.12.2015. Tuy nhiên, từ đó đến nay, dự án này vẫn nằm yên trên giấy. 

Phía ngoài cổng, công ty dựng biển Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp Hải Dương nhưng bên trong khu đất là nơi tập kết vải vụn, tái chế nhựa. Vải vụn chất thành từng đống cao, nhiều công nhân  phân loại phế liệu và nghiền vải vụn. Bên cạnh là một dây chuyền sản xuất, tái chế nhựa đang hoạt động. Cũng trong khuôn viên này có một khu chuyên chế biến củ nghệ. Xung quanh khu vực mùi hôi bốc lên khá nồng nặc. 

Mặc dù biết rõ sai phạm của mình nhưng khi trao đổi với phóng viên,  bà Lê Thị Thúy, Giám đốc Công ty TNHH Hanh Thúy bao biện cho rằng công ty vẫn làm đúng ngành nghề được cấp phép nhưng quy mô nhỏ hơn. Từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, công ty đã đào tạo được hai lớp học nghề với khoảng 50 học viên. Học viên được đào tạo là những người lao động trong các lĩnh vực khác của công ty trước đây chứ không phải chiêu sinh để dạy nghề. 

"Sau khi được cấp phép, công ty gặp khó khăn về tài chính nên không thực hiện được dự án theo quy mô đăng ký ban đầu. Trong lúc công ty gặp khó khăn, có nguy cơ phá sản thì một số đối tác đã tạo điều kiện để công ty có việc làm. Năm 2015, công ty đã ký hợp đồng với một số doanh nghiệp may để thu gom vải vụn, phế liệu về tái chế. Mỗi tháng, chúng tôi nghiền được hơn 100 tấn vải vụn các loại, tạo việc làm cho gần 50 lao động", bà Thúy lý giải.

Sớm kiểm tra xử lý 

Được biết, UBND huyện Nam Sách đã chỉ đạo các phòng chuyên môn kiểm tra, lập biên bản đối với những vi phạm này. Công ty TNHH Hanh Thúy đã nhiều lần cam kết ngừng hoạt động nhưng đến nay vẫn chưa chấp hành. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách cho biết: "Công ty sử dụng đất không đúng mục đích. Các hoạt động của công ty là tự phát, không đúng với dự án đầu tư đã được phê duyệt. Nhiều lần đoàn kiểm tra đến làm việc nhưng lãnh đạo công ty không gặp hoặc giao cho người khác làm việc. Hoạt động tập kết, chế biến phế liệu đã làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và cảnh quan khu vực, có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường".

Theo quy định, nếu sau 12 tháng chủ đầu tư không triển khai hoặc không có khả năng thực hiện mà không có lý do chính đáng thì Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ lập báo cáo, trình UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư.

Những vi phạm của Công ty TNHH Hanh Thúy là rất rõ ràng. Để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp phép dự án, ngăn chặn các nguy cơ ô nhiễm môi trường, bức xúc trong dư luận, đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra hoạt động của Công ty TNHH Hanh Thúy. Trường hợp cần thiết phải sớm thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho công ty này.

MINH HỒNG

(0) Bình luận
Sớm thu hồi dự án Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp