Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 2: Tự chủ ngân sách

24/10/2018 08:03

Trải qua nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, một trong những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội là Hải Dương đã tự chủ trong thu, chi ngân sách...

Sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp sẽ góp phần quan trọng bảo đảm nguồn thu cho ngân sách địa phương

Tăng chi cho đầu tư phát triển

Theo đánh giá của Sở Tài chính, thời gian qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) diễn ra trong bối cảnh kinh tế cả nước và quốc tế có xu hướng phục hồi với nhiều chuyển biến tích cực. Đối với Hải Dương, 2017 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật NSNN 2015; cũng là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối ngân sách và điều tiết 2% về ngân sách Trung ương. 

Tuy nhiên, tiền đề để Hải Dương hướng tới tự chủ ngân sách đã được xây dựng vững chắc từ giai đoạn 2011 - 2015. Trong giai đoạn này, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thị trường bất động sản "đóng băng", sức mua giảm nhưng thu ngân sách của Hải Dương luôn đạt khá. Trừ năm 2012 hụt thu gần 1.000tỷ đồng, những năm còn lại thu ngân sách của tỉnh đều tăng. Riêng năm 2016, thu ngân sách của tỉnh đã đạt 10.750 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2011 (5.100 tỷ đồng), đưa Hải Dương trở thành một trong số ít địa phương có số thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng trở lên. 

Từ năm 2016 đến hết năm 2018, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 39.519 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 31.870 tỷ đồng. Nếu như năm 2016, thu nội địa mới đạt 8.835 tỷ đồng thì bước sang năm 2017 đã tăng lên 11.454 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, thu nội địa đạt 11.581 tỷ đồng.
Nguồn thu cao giúp tỉnh chủ động thực hiện mục tiêu tăng cường đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh phí thực hiện các chính sách riêng của địa phương, đáp ứng được các nhu cầu chi ngày càng tăng. Tự chủ thu, chi ngân sách đã tạo sự chủ động trong quản lý tài chính ngân sách cho các cấp chính quyền, giúp khai thác tối đa nguồn lực để phát triển mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 36.267 tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 8.921 tỷ đồng với tốc độ tăng bình quân 36,9%/năm. Các khoản chi ngân sách hằng năm bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, cơ bản đáp ứng được nhu cầu chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển, thực hiện các chương trình, đề án Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã xác định, cũng như bảo đảm các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.   

Tiếp tục nỗ lực

Mặc dù thu ngân sách về tổng thể tăng nhưng theo các chính sách điều tiết mới thì chủ yếu tăng thu nội địa ngân sách trung ương, phần thu nội địa ngân sách địa phương được hưởng rất thấp, chỉ khoảng 30% số tăng, rất khó bảo đảm cân đối các nhu cầu phát sinh ngày càng tăng, đặc biệt là lộ trình thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh. Ngoài ra, triển khai Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập chưa đồng bộ với việc ban hành chính sách của Trung ương khiến các địa phương thực hiện khó khăn. Thu ngân sách phụ thuộc nhiều vào các công ty lớn như: TNHH Ford Việt Nam, CP Nhiệt điện Phả Lại, CP Thép Hòa Phát Hải Dương… dẫn đến những rủi ro trong cân đối ngân sách giai đoạn tiếp theo. 

Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn, các địa phương của tỉnh cần tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế. Thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí vào ngân sách. Rà soát, đôn đốc thu nộp ngân sách đối với những dự án hết thời gian được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định...

Theo ông Vũ Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, cơ quan thuế các cấp cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Rà soát các nguồn thu, phân tích từng khoản thu, từng địa bàn, đôn đốc kịp thời các nguồn thu vào NSNN. Thường xuyên dự báo những tác động ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, chủ động tham mưu các biện pháp khai thác nguồn thu, các giải pháp quản lý, chỉ đạo điều hành ngân sách đạt hiệu quả cao nhất. Tiếp tục thực hiện các giải pháp chống thất thu ngân sách, nhất là các khoản thu liên quan đến đất đai, tài nguyên khoáng sản, lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xăng dầu, dược phẩm, vận tải hàng hóa… Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Đối với chi ngân sách, tỉnh cần thực hiện cơ chế điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm. Việc xây dựng và triển khai dự toán NSNN phải gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội từng năm cũng như cả giai đoạn tiếp theo bảo đảm ổn định, bền vững. Các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt những biện pháp xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, bảo đảm các dự án triển khai không phát sinh thêm nợ. Thực hiện cơ chế điều hành ngân sách chủ động, linh hoạt, tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện dự toán. Tiếp tục rà soát tình hình thực hiện dự toán chi xây dựng cơ bản, nắm bắt tiến độ thực hiện các dự án, công trình, cân đối nguồn vốn bảo đảm chi đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp khả năng thu ngân sách. UBND các cấp, các sở, ngành cần tăng cường kỷ luật tài chính. Chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi. Lồng ghép các chính sách, sắp xếp các nguồn kinh phí để bảo đảm nhiệm vụ chi phát sinh, hạn chế bổ sung kinh phí, quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công...

VỊ THỦY


-----------------------
Kỳ sau: Đô thị khởi sắc

(0) Bình luận
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 2: Tự chủ ngân sách