Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 1: Kinh tế tăng trưởng khá

23/10/2018 09:08

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, kinh tế Hải Dương liên tục tăng trưởng khá và ổn định, đạt mục tiêu đề ra.


Trong nửa nhiệm kỳ qua, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng bình quân 11,8%​

Kết quả khả quan

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng bình quân 8,8%/năm, cao hơn bình quân cả nước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 1,4%; công nghiệp - xây dựng tăng 10,9%; dịch vụ tăng 8%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, từ 86,3% năm 2015 lên 90% năm 2018.

Điểm nổi bật là tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế; chú trọng khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển. Công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước được đẩy mạnh, huy động vốn đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh thực hiện xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ hiện đại kết hợp với đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản cho nông dân. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,2%/năm, vượt chỉ tiêu Đại hội. 

Trong lĩnh vực công nghiệp-xây dựng, tỉnh đã rà soát, bổ sung, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ, quy hoạch các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện có. Quan tâm phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, tạo điều kiện hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng cao hiệu quả sử dụng và tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp. Theo báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, đến nay tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân đạt trên 70% với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 20.000 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 12,8%/năm (mục tiêu tăng 10,5-11%/năm); chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 11,8% (mục tiêu tăng 10,6 -10,9%/năm).

Khu vực dịch vụ, giá trị sản xuất tăng bình quân 8,1%/năm, vượt gần 1% so với mục tiêu. Trong đó, một số ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, vận tải, thông tin truyền thông tăng trưởng tốt. 

Để đạt kết quả này, từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh ủy đã xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế có trọng tâm, trọng điểm và dựa trên cơ sở nguồn lực của tỉnh. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp cũng được tỉnh chú trọng thực hiện. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 110.910 tỷ đồng (bình quân bằng 40,4% so với GRDP). Cơ cấu đầu tư tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Từ đầu năm2016 đến tháng 6.2018, đã thu hút trên 1 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó vốn của các dự án cấp mới đạt 455 triệu USD, vốn đầu tư thực hiện 1,17tỷ USD. Nhiều dự án hoàn thành đi vào hoạt động, duy trì sản xuất ổn định; một số doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất với số vốn tăng khá. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 12.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế với tổng vốn điều lệ đăng ký 104.931 tỷ đồng.


Trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh quan tâm thực hiện xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cơ chế hỗ trợ tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để cơ giới hóa sản xuất

Còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển kinh tế của tỉnh còn có những hạn chế nhất định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao nhưng thiếu vững chắc; tính cạnh tranh và chất lượng tăng trưởng còn hạn chế; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chưa mạnh. Tỉnh chưa có dự án lớn chi phối chuyển dịch mạnh cơ cấu nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư tăng chậm. Trong nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu còn chậm, chưa có nhiều vùng sản xuất lớn tập trung, tốc độ tăng trưởng có xu hướng chậm lại. Sản xuất công nghiệp 3 năm qua chưa thu hút nhiều dự án công nghệ cao, trình độ kỹ thuật và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu. Các ngành dịch vụ phát triển song chưa bền vững và chưa tương xứng với quy mô ảnh hưởng vùng. Một số đề án, công trình trọng điểm chưa được triển khai hoặc triển khai tiến độ còn chậm...

Để đạt được mục tiêu chung và các chỉ tiêu kinh tế đã đề ra, hai năm còn lại của nhiệm kỳ 2015-2020, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết. Trong lĩnh vực nông nghiệp, các sở ngành, địa phương tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016 - 2020”. Tháo gỡ vướng mắc trong tích tụ, tập trung ruộng đất, khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong sản xuất, bảo quản chế biến nông sản. Xây dựng thương hiệu một số sản phẩm chủ lực để tạo đột phá trong thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiếp tục nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao. Chú trọng phối hợp thu hút đầu tư phát triển các dự án công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị tăng thêm lớn, tiết kiệm năng lượng, chuyển dần từ gia công lắp ráp sang chế tạo sản phẩm đồng bộ. Tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Tập trung phát triển, nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tăng cường công tác thông tin về thị trường, xúc tiến thương mại, dịch vụ hỗ trợ pháp lý.

Tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016- 2020”. Trong đó, tập trung hoàn thiện xây dựng quy trình, thủ tục đầu tư các dự án theo từng lĩnh vực, bảo đảm công khai, minh bạch, rút ngắn thời gian thực hiện. Tăng cường tiếp cận, xúc tiến, thu hút đầu tư với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. Nâng cao chất lượng thẩm định các dự án, chú trọng đến vấn đề đánh giá năng lực nhà đầu tư, đánh giá công nghệ và môi trường của các dự án. Thực hiện tốt việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án đầu tư hạ tầng, các dự án quy mô lớn. Tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để tháo gỡ, xử lý giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

HOÀNG HÀ

-------------------
Kỳ sau: Bài 2: Tự chủ ngân sách

(0) Bình luận
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Bài 1: Kinh tế tăng trưởng khá