Phụ nữ Kinh Môn sản xuất nông nghiệp sạch

06/11/2018 10:43

Thời gian qua, Hội Phụ nữ (HPN) huyện Kinh Môn đã tích cực vận động hội viên sản xuất nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả bước đầu.

Tham gia Tổ liên kết phụ nữ trồng cam đường Canh ở thôn Vũ Xá, hội viên được hỗ trợ về vốn, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra cho sản phẩm

Từ nhiều năm nay, cam đã trở thành cây ăn quả đặc sản của người dân xã Thất Hùng (Kinh Môn). Để nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế, HPN xã Thất Hùng đã thành lập Tổ phụ nữ liên kết trồng cam đường Canh vào tháng 5.2017 ở thôn Vũ Xá với 30 thành viên. Khi tham gia tổ liên kết, các thành viên phải tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm cỏ, làm đất, chăm sóc cho tới sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật theo đúng quy trình VietGAP. Nhờ vậy, ngay trong vụ đầu tiên, các hộ thành viên đã thu hoạch lứa cam sạch không chỉ đẹp về mẫu mã mà chất lượng quả cũng vượt sự mong đợi. “Chăm sóc theo quy trình VietGAP tuy vất vả hơn nhưng bù lại cây cam cho giá trị cao hơn. Và điều quan trọng nhất là tổ liên kết có thể mang tới những quả cam sạch, an toàn tới tay người tiêu dùng”, bà Nguyễn Thị Miền, Tổ trưởng Tổ liên kết cho biết. Mỗi năm trừ chi phí, các hộ thành viên thu lãi khoảng 300 triệu đồng/ha cam, cao hơn nhiều lần so với trồng cây truyền thống. Khi tham gia tổ liên kết, các hộ thành viên được chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ và vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhờ vậy, đến nay tổ liên kết đã có 35 thành viên tham gia.

Tháng 9 vừa qua, HPN huyện Kinh Môn đã hỗ trợ Tổ liên kết phụ nữ trồng cây thanh long tại xã Bạch Đằng thành lập HTX Sản xuất và kinh doanh nông sản sạch Bạch Đằng với 45 thành viên. Đây là HTX đầu tiên do phụ nữ làm chủ được thành lập ở Kinh Môn. HTX sản xuất, kinh doanh đa dạng các sản phẩm như thanh long, dưa Long Phụng, dưa Kim Ngọc Lê, cam Vinh, cam đường, bí xanh và các loại nông sản sạch khác. Khi tham gia HTX, các hộ phải tuân thủ quy trình trồng, chăm sóc các loại nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP. Với những sản phẩm đạt chất lượng đều bán cho các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh với giá cao. Đây cũng là 1 trong 4 mô hình kinh doanh được HPN tỉnh lựa chọn tham gia ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ do Trung ương hội tổ chức. Ý tưởng này đã lọt vào top 20 ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo và đoạt giải B.

Ngoài 2 mô hình trên, HPN huyện Kinh Môn còn hỗ trợ xây dựng 2 tổ liên kết sản xuất nông sản sạch là Tổ phụ nữ liên kết trồng hành, mủa sạch và Tổ phụ nữ trồng rau sạch cùng ở xã Hiến Thành. 

Bà Trần Thị Triển, Phó Chủ tịch HPN huyện Kinh Môn cho biết: "Các tổ liên kết phụ nữ sản xuất nông nghiệp sạch góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp hội viên phát triển kinh tế, giải quyết việc làm ở địa phương. Để nhân rộng các mô hình này, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành cùng chung tay với HPN, hỗ trợ các hội viên về nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng mô hình; liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp sạch".  

THANH HOA

(0) Bình luận
Phụ nữ Kinh Môn sản xuất nông nghiệp sạch