Người Hải Dương làm giàu ở EaKmút

07/07/2019 10:22

Sống cách trung tâm huyện khoảng 4 km, những người Hải Dương ở thôn Ninh Thanh 1 và 2, xã EaKmút, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) đã và đang đoàn kết, xây dựng đời sống ngày càng ấm no, sung túc.

Gia đình ông Phạm Văn Dưỡng (quê xã Phạm Kha, Thanh Miện) trồng 3.000 m2 rau màu các loại

Đầu tháng 6, có mặt tại đám cưới của anh Đỗ Văn Ngọc ở thôn Ninh Thanh 1, chúng tôi được chứng kiến hàng trăm người Hải Dương sinh sống tại đây hơn 30 năm đến chung vui như một ngày hội lớn. Theo ông Trần Văn Nháng (quê ở xã Vạn Phúc, Ninh Giang), Trưởng thôn Ninh Thanh 1, thôn có 270 hộ dân, trong đó có tới 2/3 số hộ quê ở các huyện Ninh Giang, Thanh Miện. Thôn Ninh Thanh 2 có 302 hộ với 1.776 nhân khẩu, trong đó hầu hết cũng là người các huyện Ninh Giang, Thanh Miện, Gia Lộc. “Nghe theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước đi xây dựng các vùng kinh tế mới, người Hải Dương vào EaKmút định cư từ đầu năm 1987. Biết đây là vùng đất có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế nên các gia đình vào trước lại kéo theo anh em, họ hàng đi cùng”, ông Nháng cho biết.

Thời gian đầu, các hộ vào đây gặp rất nhiều khó khăn. Khu vực bán kính 10 km quanh thị trấn Ea Kar lúc bấy giờ chỉ toàn đồi núi và cỏ dại, lối đi là những đường mòn nhỏ, chưa có làng mạc. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhiều người Hải Dương quê ở các xã Phạm Kha (Thanh Miện) và Nhật Tân (Gia Lộc) mang theo cây giống từ miền Bắc vào gieo trồng. Nhận thấy điều kiện khí hậu, đất đai phù hợp nên cả làng chuyển sang trồng rau màu từ đó đến nay.

Phó trưởng thôn Ninh Thanh 2 Ngô Văn Chữ (quê xã Nhật Tân) đưa chúng tôi đến thăm gia đình ông Phạm Văn Dưỡng (sinh năm 1963, quê xã Phạm Kha), một trong những người đầu tiên vào EaKmút. Nhà ông hiện có 3.000 m2 đất trồng các loại rau màu. “Các tháng mùa nóng (tháng 2-7), tôi trồng xà lách, hành, cải. Mùa mưa tôi trồng su lơ, cải bắp, cà rốt. Riêng rau thơm trồng quanh năm mà không đủ bán”, ông Dưỡng nói.

Không chỉ trồng rau màu, thả cá, gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (quê xã Phạm Kha) còn mở trang trại nuôi lợn, gà, bò...

Hằng năm, các hộ ở các thôn Ninh Thanh 1, Ninh Thanh 2 cung cấp hàng chục tấn rau cho thị trường các tỉnh Tây Nguyên, Đồng Nai, miền Tây Nam Bộ, TP Hồ Chí Minh… Khâu bao tiêu sản phẩm cũng do chính người trong thôn đứng ra đảm nhiệm. Với giá bán từ 5.000 - 17.000 đồng/kg rau, mỗi hộ có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Bên cạnh phát triển kinh tế từ trồng rau màu, nhiều hộ còn chăn nuôi. Gia đình ông Nguyễn Văn Hưng (quê xã Phạm Kha) là một trong những hộ có kinh tế khá giả nhất thôn Ninh Thanh 1. Ông Hưng vào EaKmút từ đầu năm 1991. Hiện ông có 5.000 m2 trồng rau màu và nuôi 2.000 con lợn, gà, bò, cùng ao cá rộng trên 500 m2. Ngoài làm nương rẫy, ông còn đầu tư máy móc làm đất cho các hộ trong vùng. Ngồi trong ngôi nhà 2 tầng diện tích trên 120 m2, kể về những ngày đầu mới vào lập nghiệp với nhiều gian khổ, ông Hưng không khỏi xúc động. "Ngày đó, nhận thấy chất đất ở đây giàu dinh dưỡng, tơi xốp, thời tiết thuận lợi, thị trường có nhu cầu cao và sẵn có nghề trồng rau ở quê nên chúng tôi mạnh dạn đầu tư công sức khai khẩn đất đai. Ban đầu chỉ lấy công làm lãi, dần dần có vốn, chúng tôi mua thêm đất để đầu tư cơ giới hóa… Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn và biết tính toán, nhiều người quê Hải Dương đã trở thành triệu phú, tỷ phú với cơ ngơi khang trang, tiện nghi", ông Hưng nói.

Không chỉ cần cù, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, người Hải Dương ở EaKmút còn sống chan hòa, đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Họ đã thành lập các Hội Đồng hương xã Phạm Kha, Chi Lăng Nam, Thanh Giang, Thanh Tùng (Thanh Miện), Ninh Thành, Ninh Hòa, Vạn Phúc (Ninh Giang). Mỗi hội có từ 30-150 hộ. Sau Tết, các Hội Đồng hương thường tổ chức gặp mặt, liên hoan, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Mỗi hộ đóng quỹ 2 triệu đồng dùng để thăm hỏi, động viên các gia đình có việc hiếu, hỉ, cho các hộ có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất. Các hội còn quyên góp tiền gửi về quê hương đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Nhiều thế hệ người Hải Dương ở EaKmút đảm nhiệm các chức vụ quan trọng của địa phương như Chủ tịch UBND xã, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm HTX, Bí thư chi bộ… Chủ tịch UBND xã EaKmút Bùi Văn Hải (quê xã Vĩnh Hòa, Ninh Giang) khẳng định: “Với bản tính cần cù, chịu khó, sáng tạo trong sản xuất, người Hải Dương ở xã EaKmút nói riêng và người dân xã EaKmút nói chung có thu nhập bình quân gần 40 triệu đồng/người/năm. Xã đang phấn đấu cuối năm nay sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới”.

LƯƠNG THIỆN

(0) Bình luận
Người Hải Dương làm giàu ở EaKmút