Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics

27/09/2020 15:06

Dù có không ít điều kiện thuận lợi để phát triển ngành dịch vụ logistics nhưng nhiều doanh nghiệp ở Hải Dương chưa tận dụng được cơ hội do hoạt động còn nhỏ lẻ, thiếu hạ tầng, phương tiện và chất lượng nhân lực hạn chế.


Dịch vụ logistics tại Hải Dương còn thiếu và yếu

Dù có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng do sự phát triển thiếu bài bản nên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics của Hải Dương vừa thiếu lại vừa yếu.

Nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có hệ thống giao thông thuận lợi nhưng chất lượng dịch vụ logistics của Hải Dương chưa thực sự tương xứng với tiềm năng.

Vừa thiếu vừa yếu

Mặc dù logistics là một trong những dịch vụ quan trọng trong lưu thông hàng hóa nhưng các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này tại Hải Dương vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 8.2020, Hải Dương có 15.630 DN và đơn vị trực thuộc DN hoạt động với tổng vốn đầu tư hơn 173.400 tỷ đồng, trong đó gần 1.550 DN đăng ký lĩnh vực logistics, chiếm chưa tới 10%. 

Ông Vũ Huy Cường, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho biết các DN đầu tư vào lĩnh vực này hầu hết có quy mô nhỏ. Phạm vi hoạt động còn đơn lẻ, thiếu đồng bộ và tính chuyên nghiệp, chủ yếu cung cấp dịch vụ vệ tinh cho những đơn vị logistics nước ngoài. Đến nay, chưa có DN nào đủ khả năng tổ chức, điều hành toàn bộ quy trình hoạt động logistics.

Ông Lê Anh Hà, Giám đốc Công ty CP V.I.P Việt Nam (V.I.P Logistics) đồng tình với quan điểm trên. Với kinh nghiệm hơn 13 năm hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hải Dương, ông Hà cho rằng nhu cầu đối với dịch vụ này ngày càng gia tăng, nhất là khi làn sóng đầu tư nước ngoài vào Hải Dương ngày một lớn. “Có cầu nhưng thiếu cung. Trong số các DN logistics ở Hải Dương, chỉ một số ít có đủ tiềm lực, chủ yếu là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Hà nói.

Để ký kết những hợp đồng dịch vụ logistics với khách hàng, DN cần chứng minh năng lực. Do số lượng phương tiện vận chuyển ít, diện tích kho bãi nhỏ làm cho nhiều DN logistics Hải Dương "tuột" khách. “Thua trên sân nhà cả về tính chuyên nghiệp lẫn quy mô đầu tư. Những DN logistics của Hải Dương đa phần còn nhỏ lẻ, thiếu hạ tầng, phương tiện và chất lượng nhân lực hạn chế sẽ khó cạnh tranh với những đối thủ cùng ngành”, ông Hà cho biết thêm.


Dịch vụ logistics phát triển sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy các ngành nghề, lĩnh vực khác tăng trưởng

Nhiều thách thức

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhận định với vị trí cùng hạ tầng giao thông thuận lợi, Hải Dương có sẵn nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics tốt hơn hiện nay. Nếu không tận dụng tốt cơ hội, thuận lợi sẽ trở thành thách thức, nhất là với DN logistics nhỏ và vừa.

Hệ thống giao thông trong tỉnh hiện nay tương đối đồng bộ. Toàn tỉnh hiện có gần 13.000 km đường giao thông các loại, trong đó có nhiều tuyến đường lớn chạy qua như quốc lộ 5, 18, 37, 38, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, đường sắt Hà Nội- Hải Phòng... Cùng với đó là hệ thống sông dày đặc, kết nối khá thuận lợi với các cảng biển như Hải Phòng, Cái Lân (Quảng Ninh). Chính từ sự thuận lợi của hạ tầng giao thông, DN logistics nước ngoài hoặc ngoại tỉnh sẽ dễ dàng tiếp cận khách hàng tại Hải Dương.

Ông Nguyễn Địch Dũng, Giám đốc Công ty CP Giao nhận và Kho vận Hải Dương cho rằng, ngoài yếu tố nhỏ lẻ, tự phát, nguồn lao động có trình độ chuyên môn sâu về logistics của các DN Hải Dương còn nhiều hạn chế. Không ít DN sau khi tuyển dụng lao động ở lĩnh vực này phải dành thời gian và kinh phí để đào tạo lại, bởi họ không đáp ứng được yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin hoặc kỹ năng sử dụng, vận hành các thiết bị phục vụ cho công việc chuyên môn.

Để cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao khả năng cạnh tranh, các DN logistics Hải Dương phải chuyên nghiệp hơn trong hoạt động. Hiểu rõ từng mắt xích trong chuỗi cung ứng hàng hóa, từ đó xác định chiến lược phát triển phù hợp với hướng đi của DN. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường liên kết, hợp tác với nhau...

Ngoài nỗ lực của DN, các ngành chức năng của tỉnh cần nhìn nhận rõ hơn vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ logistics. Từ đó có những giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích DN logistics phát triển.

Trong những năm tới, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Hải Dương dự báo sẽ còn tăng mạnh, kéo theo đó là gia tăng về nhu cầu kho vận, hải quan, trung chuyển hàng hóa… Nếu dịch vụ logistics của Hải Dương không đủ quy mô, chất lượng, DN của tỉnh sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thua ngay trên sân nhà.

KIÊN LONG

Theo Luật Thương mại (sửa đổi, bổ sung năm 2019), dịch vụ logistics được định nghĩa là hoạt động dịch vụ thương mại. Cụ thể, thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc như nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng. 
Hiểu một cách đơn giản, logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa như đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. 
(0) Bình luận
Nâng cao chất lượng dịch vụ logistics