Lo ngại giá xăng tăng “đẩy” giá tiêu dùng lên cao

11/10/2018 15:47

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại khi liên tiếp gần đây, giá xăng dầu được điều chỉnh tăng.


Người tiêu dùng mua sắm tại Co.opmart Chu Văn An, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Với 3 lần tăng liên tục trong tháng 5 và tháng 10, giá xăng đã tăng hơn 1.000 đồng/lít và có xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới khiến nhiều người lo lắng giá hàng hóa tiêu dùng, giá cước vận tải sẽ tăng theo.

Đại diện hãng taxi Quê Lụa cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng nên việc điều chỉnh giá cước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, việc tăng giá sẽ có độ trễ nhất định để doanh nghiệp có thời gian, nhân lực và kinh phí điều chỉnh. Bởi doanh nghiệp tốn tới hàng trăm nghìn đồng/xe mỗi lần điều chỉnh giá cước vận tải.

Còn Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (doanh nghiệp sở hữu hãng taxi VIC) Trương Quốc Hùng chia sẻ, việc giá xăng dầu liên tục tăng là khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển hành khách. Tại thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh taxi chưa có kế hoạch điều chỉnh nhưng trong kỳ điều chỉnh giá xăng dầu tới đây, nếu tiếp tục tăng giá thì cước taxi của đơn vị có thể buộc phải thay đổi.

Có thể thấy, khi giá xăng dầu thay đổi sẽ tác động lập tức tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp vận tải, ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận của họ, cho nên việc điều chỉnh giá là khó tránh. Chỉ có điều, giá cước vận tải tăng thì đối tượng cuối cùng phải gánh chịu vẫn là người dân.

Mặc dù giá cước vận chuyển hàng hóa chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thực phẩm, rau xanh trên thị trường đã biến động tăng trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Khảo sát tại các chợ truyền thống như Nguyễn Công Trứ, Chợ Hôm- Đức Viên, Phan Huy Chú, Nguyễn Khắc Cần, Mùng 8-3, Thành Công, chợ Mơ... giá rau xanh, thịt lợn đã tăng từ 7 - 10% so với những ngày đầu tháng 8.

Cụ thể, thịt lợn ba chỉ 120.000 - 130.000 đồng/kg, thịt thăn lợn 110.000 - 120.000 đồng/kg, thịt dẻ sườn bò 180.000 - 190.000 đồng/kg, thịt thăn bò 300.000 - 320.000 đồng/kg, thịt mông bò 270.000 - 280.000 đồng/kg. Các loại hải sản như cá chép, rô phi, điêu hồng giá từ 45.000 - 80.000 đồng/kg. Rau xanh như cải bắp, rau cần, cà chua, bí xanh... giá từ 20.000 - 35.000 đồng/kg. Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại Hà Nội như hiện nay là do giá xăng dầu tăng mạnh, khiến chi phí vận chuyển cũng tăng theo.

Có thể thấy, thực tế dù giá cước vận chuyển hàng hóa chưa tăng nhưng hiện giá thực phẩm, rau xanh trên thị trường đã tăng trong khi nguồn hàng nhập về các chợ vẫn dồi dào. Dự báo, đến khi giá cước vận tải được điều chỉnh tăng sẽ đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trước áp lực tiếp tục tăng theo. Ban Quản lý các chợ đầu mối tại Hà Nội khẳng định nguồn hàng về các chợ vẫn không bị khan hiếm.

Ông Đỗ Quang Sơn, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh dịch vụ chợ đầu mối phía Nam cho biết, giá rau xanh, thực phẩm tươi sống bán tại chợ mặc dù đã bắt đầu tăng nhưng Ban Quản lý chợ chỉ có thể nhắc nhở các tiểu thương và thống kê, báo cáo UBND quận, Sở Công Thương có biện pháp bình ổn giá.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trước tình hình giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm có chiều hướng tăng, Sở Công Thương Hà Nội đang nắm bắt tình hình thị trường, từ đó cân đối cung cầu. Sở đang phối hợp với các địa phương khai thác hàng hóa đưa về Hà Nội nhằm tạo nguồn cung ổn định, bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô trong những tháng cuối năm 2018 và Tết Nguyên đán 2019.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Lo ngại giá xăng tăng “đẩy” giá tiêu dùng lên cao