Lần đầu dán tem truy xuất nguồn gốc vải Thanh Hà

04/06/2018 06:46

Năm nay lần đầu tiên quả vải Thanh Hà được dán tem truy xuất nguồn gốc (TXNG) mã QR. Đây được coi là tấm giấy thông hành giúp vải thiều vào được các thị trường khó tính...

Cán bộ các ngành chức năng của tỉnh và huyện Thanh Hà hướng dẫn nông dân dán tem truy xuất nguồn gốc cho vải sớm Thanh Hà

Tạo niềm tin

Lần đầu tiên vải được dán tem TXNG, chị Phùng Thị Lụa ở thôn Lại Xá, xã Thanh Thủy (Thanh Hà) vẫn còn khá lúng túng nhưng chị rất vui vì quả vải sẽ dễ bán và được người tiêu dùng tin cậy hơn. Vụ vải năm nay, toàn bộ diện tích vải được trồng theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP của huyện Thanh Hà sẽ được dán tem TXNG. Đại diện Trung tâm Doanh nghiệp và hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam), đơn vị chịu trách nhiệm kỹ thuật về dán tem QR cho quả vải Thanh Hà cho biết: "Bằng smartphone có kết nối internet và đã được cài ứng dụng quét mã QR, người tiêu dùng có thể tra cứu thông tin chi tiết về nguồn gốc, xuất xứ của quả vải. Mã QR giúp người tiêu dùng truy được nguồn gốc xuất xứ, bảo vệ những địa chỉ sản xuất chân chính, tránh bị làm giả, làm nhái. Khi sản phẩm có vấn đề về chất lượng, các cơ quan chức năng cũng dễ dàng truy tìm và xử lý vi phạm".

Dán tem TXNG là yêu cầu cần thiết nếu muốn đưa quả vải Thanh Hà vào hệ thống siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch hoặc xuất khẩu. Đặc biệt, năm nay, quả vải muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Tây buộc phải dán tem TXNG. Ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc siêu thị Big C Hạ Long (Quảng Ninh), đơn vị đang nhập vải sớm Hải Dương đã được dán tem TXNG cho biết: "Quả vải Thanh Hà lâu nay đã được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng nhiều khách hàng vẫn còn nghi ngại về chất lượng hoặc sợ nhầm lẫn khi mua vải có xuất xứ từ nơi khác. Tem QR được coi là cam kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng về chất lượng. Hầu hết các quả vải được dán tem đều có xuất xứ từ các vùng được trồng theo quy chuẩn an toàn VietGAP hoặc GlobalGAP".

Nhiều loại hàng hóa đã được dán tem TXNG nhưng đây là lần đầu tiên huyện Thanh Hà sử dụng trên quả vải. Theo ông Ngô Đức Vính, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, vải được dán tem QR không chỉ đáp ứng yêu cầu về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mà về lâu dài sẽ giúp quả vải Thanh Hà được tiếp cận nhiều thị trường khó tính. Mỗi mã tem QR được dán trên sản phẩm là cam kết của người trồng đối với quả vải mình sản xuất ra.

Lợi ích lớn

Ông Vương Hồng Hưng, đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương) cho biết: "Khi thực hiện dán tem TXNG cho quả vải Thanh Hà, đòi hỏi mỗi nông dân phải thực hiện quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm các quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm. Việc dán tem này cũng là cách để khẳng định chất lượng và thương hiệu vải Thanh Hà". Theo khảo sát của Trung tâm Xúc tiến thương mại, vải sau khi được dán tem TXNG được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao, nhất là người dân ở các thành phố lớn. Giá bán vải được dán tem TXNG cũng cao hơn ít nhất 10% so với vải không được dán tem.

Có thể nói việc dán tem TXNG giúp cả người nông dân, doanh nghiệp thu mua và người tiêu dùng được hưởng lợi. Người trồng vải xây dựng được uy tín đối với người tiêu dùng. Doanh nghiệp thu mua có sự cam kết về chất lượng của người bán nên dễ dàng tiêu thụ. Đặc biệt, đây còn là công cụ giúp các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng phân biệt được vải Thanh Hà với vải được trồng ở các vùng khác.

Sau vụ vải này, các cơ quan chức năng của tỉnh dự kiến sẽ nhân rộng dán tem TXNG cho nhiều loại nông sản khác của tỉnh. Đây cũng là giải pháp tốt để khuyến khích sản xuất sạch, đồng thời giúp nâng thương hiệu và tạo niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Hải Dương. 

PV

Trung tâm Doanh nghiệp và hội nhập (Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam) đã cấp 25 bộ mã truy xuất nguồn gốc cho vải Thanh Hà. Tài khoản quản trị và mã truy xuất do 25 HTX dịch vụ nông nghiệp của huyện khai thác sử dụng. Mỗi bộ mã có 2 mã truy xuất cho vải sớm, vải thiều và sử dụng mã QR để thực hiện truy xuất trên hệ thống thông tin điện tử truy xuất nguồn gốc nông sản.

(0) Bình luận
Lần đầu dán tem truy xuất nguồn gốc vải Thanh Hà