Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả?

21/09/2020 13:00

Lãi suất huy động của ngân hàng (NH) giảm mạnh, trong đó lãi suất kỳ hạn 1, 2 tháng đã về mức thấp chưa từng có: 2,55%/năm.

Theo các chuyên gia, lãi suất huy động sẽ tăng khi nhu cầu vay vốn tăng trở lại. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Câu hỏi được đặt ra là sắp tới lãi suất huy động có còn giảm thêm và người có tiền nhàn rỗi cần tính toán đầu tư như thế nào cho hiệu quả.

Lãi suất giảm không phanh

Trong tuần qua có 3 NH cổ phần đồng loạt giảm lãi suất huy động là Techcombank, HDBank và NCB. Sau điều chỉnh, Techcombank trở thành NH có lãi suất huy động kỳ hạn từ 1-5 tháng ở mức thấp nhất thị trường: dao động từ 2,65 - 2,85%/năm. Trong khi đó, HDBank và NCB lại giảm lãi suất cho kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, cũng với mức giảm 0,2%/năm như Techcombank. 

Dù hiện nay NH Nhà nước quy định trần lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,25% nhưng lãi suất kỳ hạn 1 tháng ở "nhóm Big 4" (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) và các NH cổ phần lớn chỉ dao động trên dưới 3%/năm. Ở kỳ hạn 5 tháng, mức lãi suất cao nhất của các NH nhóm này mới ở mức 4,05%/năm.

Ở kỳ hạn dài từ 6 tháng đến 36 tháng, trong nhóm các NH lớn, chỉ còn Eximbank áp dụng lãi suất 7,2%/năm cho kỳ hạn huy động 12 tháng. Còn đa số NH khác áp dụng mức trên dưới 6%/năm. 

Mức lãi suất cao đột biến hầu như chỉ áp dụng ở kỳ hạn 13 tháng để "làm cảnh" vì quy định mức tiền gửi từ 100 - 500 tỷ đồng. Thực chất mức lãi suất này nhằm mục đích để NH làm căn cứ ấn định mức lãi suất cho vay chứ không phải huy động từ thị trường.

Với các NH nhỏ, chỉ còn vài NH huy động với mức lãi suất trần, còn đa số đã giảm xuống dưới 4%/năm.

Cần nhắc lại, tháng 11.2019, việc NH giảm lãi suất kỳ hạn ngắn xuống dưới 5%/năm đã là "hiện tượng". Còn nếu so với đúng thời điểm này 2 năm trước, các NH vẫn đang "đua" lãi suất huy động và lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng dao động từ 5,1 - 5,3%/năm.

Cùng chiều với lãi tiền gửi, nhưng lãi suất cho vay giảm nhẹ hơn chỉ 0,5 - 1,5%/năm so với hồi đầu năm, tùy theo thời hạn vay. Ở kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, mức cho vay phổ biến là 8 - 9%/năm. Lãi suất cho vay dài hạn trên 12 tháng vẫn quanh mức 10%/năm.

Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả? - Ảnh 2.

Ngân hàng dư vốn

Ông Trần Kim Long, giảng viên Trường Đại học NH TP Hồ Chí Minh cho rằng lãi suất huy động giảm mạnh do nhiều nguyên nhân. Thanh khoản các NH đang dồi dào do nhu cầu tín dụng thấp vì lúc này doanh nghiệp chưa thấy triển vọng sáng sủa nên chưa có động lực để vay vốn làm ăn dù lãi suất cho vay giảm. Do vậy NH phải chủ động giảm lãi suất đầu vào.

Mặt khác, NH Nhà nước đặt mục tiêu ổn định tỷ giá những tháng cuối năm. Với mục tiêu này, cần mua dự trữ một lượng lớn ngoại tệ, do đó một lượng lớn VNĐ đã được bơm ra thị trường thời gian qua. Dự trữ ngoại hối hiện đã ở mức 92 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Điều này khiến tiền trong hệ thống lại tiếp tục dư thừa.

Một yếu tố khác là tâm lý lo ngại tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế khiến cho mục tiêu của người dân và các nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay là giữ vững giá trị tài sản hơn là tìm kiếm lợi nhuận.

Mà kênh đầu tư mang tính phòng thủ không gì khác là gửi tiết kiệm. Giá vàng trong thời gian qua biến động mạnh, nên nhiều người muốn giữ vàng cũng không dám mạo hiểm vì đã "trễ nhịp", giá vàng quá cao. 

Trong khi đó với kênh chứng khoán và bất động sản, nhiều người chưa dám xuống tiền vào thời điểm này do tâm lý phòng thủ vì dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt. Do vậy, gửi tiền tiết kiệm vẫn là lựa chọn tối ưu.

Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả? - Ảnh 3.

Lãi suất huy động có tăng trở lại?

Dự báo về xu hướng lãi suất huy động, cho vay từ nay đến cuối năm, ông Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng lãi suất có thể giảm thêm một nhịp nữa, khoảng 0,5 - 1%/năm. 

Còn sang năm 2021, lãi suất cả tiền gửi và cho vay có thể sẽ tăng trở lại khi nhiều dự báo đưa ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng trở lại. "Như vậy, nhu cầu vốn tín dụng tăng lại sẽ đẩy lãi suất tăng lên", ông Phước nhận định.

Ông Trần Kim Long thì dự báo trong các tháng cuối năm vẫn sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nhẹ. 

Lý do là các NH thương mại sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí để có thể giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NH Nhà nước. Trong bối cảnh thanh khoản đang dư thừa và lãi suất đầu ra giảm, có rất ít khả năng tăng lãi suất huy động.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nhận định lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm từ 0,8 đến 1%/năm tại các kỳ hạn trong cả năm 2020. Ngoài nguyên nhân do thanh khoản NH dồi dào vì nhu cầu tín dụng giảm, còn do NH Nhà nước giãn lộ trình giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm 1 năm so với quy định cũ.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Lãi suất đang giảm sâu, có tiền đầu tư làm sao cho hiệu quả?