Kinh Môn xây dựng mỗi xã một sản phẩm

02/11/2018 10:19

Nhằm khai thác tối đa lợi thế phát triển kinh tế của từng cơ sở, huyện Kinh Môn đang triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm.


Sắn dây là một trong những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được huyện Kinh Môn lựa chọn để xây dựng mỗi xã một sản phẩm

Đây là cú hích để huyện có thể nâng cao chất lượng các tiêu chí của huyện nông thôn mới.

Người dân mong chờ

Gần 30 năm gắn bó với công việc chế biến mỳ gạo cũng là từng ấy năm bà Trần Thị Phin ở thôn Tống Buồng, xã Thái Thịnh trăn trở với nghề truyền thống của quê hương. Do đầu ra sản phẩm không ổn định nên nhiều hộ đã bỏ nghề nhưng khi biết thông tin địa phương sẽ tập trung nguồn lực để phát triển làng nghề, bà Phin phấn khởi và yên tâm hơn. Bà cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi sản xuất hơn 4 tạ mỳ gạo để giao buôn cho các tiểu thương trong và ngoài tỉnh. Vì phải phụ thuộc vào nhu cầu thu mua của thương lái nên hàng làm ra lúc thừa, lúc thiếu, có khi được lãi cao song cũng có lúc chỉ hòa vốn, thậm chí bị lỗ. Được biết sắp tới có chương trình giúp đỡ, hỗ trợ các hộ theo nghề nên rất háo hức. Điều chúng tôi cần không chỉ về vốn để mở rộng sản xuất mà còn mong muốn cơ quan chức năng là chỗ dựa, định hướng giúp chúng tôi phát triển nghề lâu dài".

Nhiều năm qua, gia đình anh Lê Xuân Giao ở thôn Bến Thôn, xã Thăng Long sung túc nhờ hơn 2mẫu hành vụ đông. Tuy vậy, điều anh Giao mong mỏi còn nhiều hơn thế. Theo anh Giao, sản phẩm hành Kinh Môn vốn đã có thương hiệu khắp xa gần, người dân ít phải chịu cảnh được mùa mất giá. Mặc dù vậy, hành tỏi của huyện được tiêu thụ thuận lợi chủ yếu do chất lượng tốt hơn các vùng khác nên được khách hàng ưa chuộng nhưng khâu tiếp thị, quảng bá vẫn bị bỏ ngỏ. Hiện nông dân vẫn thụ động trong tiêu thụ, vì thế dù có hiệu quả kinh tế cao song người dân vẫn bị thiệt thòi do sản phẩm phải qua quá nhiều khâu trung gian. "Thông thường, chúng tôi bán hành tươi tại ruộng với giá từ 12.000-15.000 đồng/kg, còn người tiêu dùng vẫn phải mua với giá cao gấp rưỡi, có khi gấp đôi. Nếu làm tốt khâu phân phối thì người sản xuất sẽ có lãi nhiều hơn còn người tiêu dùng sẽ không phải mua đắt. Hành Kinh Môn đã có nhãn hiệu tập thể nhưng người dân vẫn chưa sử dụng hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm. Nếu chính quyền có thể đồng hành cùng nông dân hơn nữa trong sản xuất và tiêu thụ thì tôi tin rằng nông sản đặc sản của Kinh Môn sẽ tiếp tục vươn xa", anh Giao khẳng định.

Chính quyền quyết tâm

Dù là huyện công nghiệp nhưng Kinh Môn lại phát triển đa dạng các sản phẩm nông nghiệp với nhiều loại nông sản mang tính đặc thù như hành tỏi, sắn dây, nếp cái hoa vàng... Đây chính là cơ sở để huyện có thể phát huy nội lực, biến lợi thế sẵn có thành hiệu quả kinh tế.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, ngay khi dồn sức thực hiện các tiêu chí của huyện nông thôn mới, UBND huyện đã có ý tưởng xây dựng mỗi xã một sản phẩm nhằm tạo động lực tiếp đà cho nông nghiệp, nông thôn của huyện phát triển. Huyện coi đây là nhiệm vụ trọng tâm giúp nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới và góp phần tái cơ cấu nông nghiệp. Qua rà soát ban đầu, huyện chọn ra 14 sản phẩm đặc thù của từng xã, từng khu làm cơ sở, từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên biệt, mang dấu ấn riêng để khi nhắc tới Kinh Môn và các xã trong huyện người ta sẽ nhớ ngay tới sản phẩm gắn liền với địa phương.

Huyện đã phác họa ra bản đồ bố trí các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp dựa vào thế mạnh của từng xã. Các xã Hiệp Hòa, Thăng Long sẽ tập trung phát triển cây hành. Xã Thất Hùng, Bạch Đằng quy vùng cây ăn quả tập trung. Xã Minh Hòa sẽ khai thác lợi thế về thủy sản. Nếp cái hoa vàng sẽ là sản phẩm đặc trưng của xã Duy Tân... Bên cạnh tập trung cho nông sản, các sản phẩm làng nghề cũng được huyện chú trọng. Những nghề truyền thống như trồng dâu nuôi tằm; chế biến hành, mủa; chạm khắc đá; sản xuất mỳ, bún, bánh sẽ tiếp tục được đầu tư phát triển.

Ngoài quan tâm tới sản xuất để làm ra sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, huyện sẽ tăng cường kết nối, tạo thuận lợi trong tiêu thụ. Đây là nền tảng giúp người dân gắn bó hơn với nông nghiệp, nông thôn. Ông Nguyễn Văn Định, Chủ tịch UBND xã Thăng Long khẳng định: "Xây dựng mỗi xã một sản phẩm là chủ trương đúng đắn để các địa phương chủ động khai thác thế mạnh, không dựa dẫm, trông chờ vào cấp trên. Đây chính là hướng phát triển bền vững cho các xã đã về đích nông thôn mới. Tuy nhiên, việc triển khai cần dựa vào điều kiện thực tế để tránh tình trạng trăm hoa đua nở rồi lại nhanh chóng lụi tàn".


DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Kinh Môn xây dựng mỗi xã một sản phẩm