Kinh Môn - trung tâm sản xuất xi măng cả nước

09/12/2019 11:40

Phát huy lợi thế về vị trí địa lý, đa dạng, phong phú nguồn tài nguyên khoáng sản, hệ thống giao thông phát triển, thị xã Kinh Môn đã phát triển thành trung tâm sản xuất xi măng lớn của Việt Nam.

Các doanh nghiệp sản xuất xi măng chú trọng bảo vệ môi trường

Khẳng định vị thế

Thị xã Kinh Môn hiện có 8 cơ sở sản xuất xi măng, sản lượng hơn 10 triệu tấn/ năm, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng xi măng của cả nước, với nhiều thương hiệu như Vicem Hoàng Thạch, Phúc Sơn, Thành Công, Hải Dương, Phú Tân...

Kinh Môn có nhiều tài nguyên khoáng sản phù hợp cho sản xuất xi măng, khoảng 300-400 triệu tấn đá vôi, trong đó 50% có chất lượng tốt, hàng chục vạn tấn cao lanh, bô xít; hàng triệu tấn sét và á sét, hàng triệu m3 cát sông... Hệ thống sông ngòi dày đặc với nhiều cảng sông và gần biển nên vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Nguồn lao động ở địa phương dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của các nhà máy. Những cơ chế, chính sách ưu tiên về đầu tư, đất đai, thuế... tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh.

Là "cánh chim đầu đàn" trong ngành sản xuất xi măng, năm nay, Công ty TNHH một thành viên Xi măng Vicem Hoàng Thạch sản xuất 3,8 triệu tấn xi măng các loại, chiếm 35% tổng sản lượng cả tỉnh, chiếm 4% sản lượng của cả nước. Từ dây chuyền đầu tiên đi vào hoạt động năm 1983, đến nay doanh nghiệp (DN) đã có 3 dây chuyền với thiết bị công nghệ tiên tiến. 

Vicem Hoàng Thạch đã trở thành "Biểu tượng của sự bền vững, an toàn và ổn định", có mặt ở hầu hết trong những công trình trọng điểm quốc gia như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, Thủy điện Hòa Bình, Trung tâm Hội nghị quốc gia, cầu Bãi Cháy, sân bay Vân Đồn… Ông Nguyễn Việt Nga, Trưởng Phòng Kế hoạch chiến lược công ty cho biết: ''Từ tháng 4.2019, Vicem Hải Vân được sáp nhập và mang thương hiệu xi măng Vicem Hoàng Thạch. Năm 2020, Hoàng Thạch phấn đấu là thương hiệu cung ứng xi măng lớn nhất trên thị trường nội địa, với dự kiến sản lượng đạt 6 triệu tấn".

Tự động hóa nhiều khâu trong dây chuyền sản xuất

Nhà máy xi măng Thành Công 3 sử dụng công nghệ sản xuất xi măng lò quay. Với tổng dự toán đầu tư trên 400 tỷ đồng, nhà máy gồm 2 dây chuyền sản xuất, tổng công suất thiết kế 1 triệu tấn clinker/năm. Dây chuyền 1 hoạt động chính thức từ đầu năm 2010, hiện đạt 450.000 tấn clinker/năm, chuyên cung cấp cho các thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Xi măng Hải Phòng, Hà Tiên... và xuất khẩu thương mại.

Thương hiệu xi măng Hải Dương của Công ty TNHH Sản xuất vật liệu xây dựng Thành Công đã giành không ít giải thưởng về chất lượng và thương hiệu ở Việt Nam, châu Á - Thái Bình Dương... Ông Lê Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cho biết: "Sản phẩm trọng tâm của công ty hiện là xi măng PCB-40 mang thương hiệu Thành Công, bảo đảm chất lượng để đáp ứng các yêu cầu cao của các loại bê tông chịu lực, phục vụ các trạm trộn bê tông thương phẩm".

Để khẳng định vị trí trên thị trường, nhiều doanh nghiệp xi măng ở Kinh Môn tiếp tục đầu tư, nâng công suất các dây chuyền và mở rộng thị trường.

Phát triển xanh

Giao thông thuận tiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng

Để tăng trưởng ổn định, các doanh nghiệp luôn hướng tới quy trình sản xuất xanh. Đi đầu trong chuyển đổi từ công nghệ lò đứng sang lò quay, Công ty TNHH Phú Tân tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động, xử lý chất thải, rác thải, nước thải, trồng cây xanh cách ly, bảo đảm an toàn vệ sinh công nghiệp, tường chắn để giảm thiểu tiếng ồn...

Ông Cao Văn Tý, Giám đốc công ty khẳng định: "Sản xuất xanh đang là hướng đi tất yếu đối với doanh nghiệp".

Nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng sử dụng than cám đốt lò thay dầu diezen, đầu tư hệ thống lọc bụi túi để xử lý khói bụi... Các nhà máy xi măng Thành Công hoàn thiện hệ thống tháp trao đổi nhiệt ống chùm phụ trợ ổn định, liên tục và hiệu quả cho thiết bị lọc bụi túi trong sản xuất. Nhà máy xi măng Thành Công 3 ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành và tự động hóa nhiều khâu sản xuất.

Duy trì ISO 9001 về quản lý chất lượng sản phẩm và ISO 14001 về quản lý chất lượng môi trường, Vicem Hoàng Thạch tăng cường cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Công ty có nhiều giải pháp về đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp để tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo ông Lê Thành Long, Tổng Giám đốc Vicem Hoàng Thạch, các chương trình sử dụng tiết kiệm tài nguyên, sử dụng chất thải công nghiệp như xỉ đáy, tro bay nhiệt điện; xỉ lò cao gang thép... đang được doanh nghiệp ưu tiên tập trung để thực hiện hiệu quả.

NGỌC THỦY - THÀNH LONG

(0) Bình luận
Kinh Môn - trung tâm sản xuất xi măng cả nước