Hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng mùa mưa bão. Bài cuối: Cần giải pháp mạnh

26/05/2018 18:55

Trước thực trạng hoạt động lộn xộn của các bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trong mùa mưa bão, rất cần một biện pháp mạnh...


Nhiều bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng ở Tứ Kỳ hoạt động nhộn nhịp bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh

Đề nghị thu hồi giấy phép

Thông báo số 29/PCTT& TKCN ngày 17.4 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nêu rõ: Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, phòng chống thiên tai trên địa bàn, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh giao Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh chỉ đạo Hạt Quản lý đê cấp huyện tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra, rà soát, thống kê các hoạt động khai thác đất, cát, sỏi, các hoạt động bến bãi và các hoạt động khác có liên quan đến đê điều, thoát lũ sông; đánh giá việc thực hiện các quyết định cho phép của UBND tỉnh và các thỏa thuận kỹ thuật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với các tổ chức, cá nhân khai thác đất, cát, sỏi, các hoạt động bến bãi và các hoạt động khác có liên quan đến đê điều, thoát lũ sông không chấp hành đúng các quy định trong giấy phép và các quy định của pháp luật về đê điều, yêu cầu báo cáo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để đề nghị UBND tỉnh, huyện thu hồi giấy phép theo quy định.

Toàn tỉnh chỉ có 66 trong số 219 bến bãi kinh doanh VLXD được cấp phép. Trong đó có tới một nửa bến bãi giấy phép đã hết hạn. Như vậy, toàn tỉnh có hàng trăm bến bãi nằm ngoài quy hoạch, không có giấy phép hoạt động, tập trung nhiều ở các huyện Kinh Môn (27 bến bãi), Kim Thành (18 bến bãi), Nam Sách (14 bến bãi), Tứ Kỳ (13 bến bãi), Thanh Miện (10 bến bãi), Thanh Hà (10 bến bãi), TP Hải Dương (11 bến bãi)... Ngay đầu mùa mưa bão 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố cần kiên quyết xử lý các bến bãi không thực hiện thủ tục cấp phép hoặc có phép nhưng hoạt động sai phép. Giải tỏa dứt điểm các bến bãi ngoài quy hoạch. Kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định các bến bãi tiêu thụ đất, cát không rõ nguồn gốc. 

Như vậy, tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiều biện pháp mạnh, kiên quyết đã được đề ra. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này không được như kỳ vọng. Vì vậy, cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan như đê điều, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn khi để xảy ra tình trạng các bến bãi kinh doanh VLXD hoạt động bất chấp lệnh cấm của UBND tỉnh.

Kiên quyết giải tỏa các bến bãi nếu vi phạm

Đại tá Nguyễn Đức Hiển, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho rằng việc quản lý đất, cát ven sông, trên sông của một số chính quyền địa phương đã bị buông lỏng. Trong khi đó, công tác kiểm tra hoạt động của các bến bãi kinh doanh VLXD, xử lý vi phạm của một số ngành, địa phương chưa quyết liệt. Thậm chí một số nơi còn có tư tưởng trông chờ chỉ đạo của cấp trên hoặc phó mặc cho các lực lượng chức năng là nguyên nhân khiến hoạt động khai thác cát chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn tới tình trạng lộn xộn của các bến bãi kinh doanh VLXD như thời gian qua. Vì vậy, các địa phương cần tiếp tục rà soát, lập danh sách các bến bãi tập kết VLXD trên địa bàn. Yêu cầu chủ các bến bãi kinh doanh, sản xuất VLXD cam kết không kinh doanh, cho thuê bến bãi để tập kết cát không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Cơ quan công an có thể truy tố nếu phát hiện chủ các bến bãi kinh doanh VLXD tiêu thụ cát khai thác trái phép, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc quay vòng hóa đơn...

Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy phần lớn các bến bãi kinh doanh VLXD không ký mua cát trực tiếp tại các mỏ mà tổ chức thu gom từ các phương tiện trôi nổi. Điều này góp phần tiếp tay cho hoạt động khai thác cát trái phép. Nhiều chủ bến bãi kinh doanh VLXD sử dụng hóa đơn, giấy tờ không hợp lệ, không kê khai, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường gây thất thu nguồn ngân sách lớn. Vì vậy, cơ quan thuế cần thực hiện các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, truy tận cùng nguồn gốc hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc cát. Ra quyết định truy thu, xử phạt nếu chủ các bến bãi kinh doanh VLXD không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp lượng cát trên bãi. Đồng thời, các địa phương thường xuyên tổ chức rà soát, kiểm tra các bến bãi chứa cát. Kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi theo thẩm quyền đối với những trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chứa cát không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định của pháp luật về khoáng sản, đê điều, phòng chống lụt bão, an toàn giao thông đường thủy. Chỉ đạo UBND cấp xã thanh lý dứt điểm các hợp đồng cho thuê đất không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Yêu cầu chủ bến bãi ký cam kết không mua bán, vận chuyển, tàng trữ cát không có nguồn gốc hợp pháp. Các địa phương cần kiên quyết giải tỏa các bến bãi nếu vi phạm quy định của pháp luật. 

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Hoạt động bến bãi vật liệu xây dựng mùa mưa bão. Bài cuối: Cần giải pháp mạnh