Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Người chăn nuôi càng khó khăn

13/03/2021 11:52

Giá thức ăn chăn nuôi (TACN) vẫn liên tục tăng trong khi giá nhiều sản phẩm chăn nuôi giảm, tiêu thụ chậm, làm người chăn nuôi càng khó khăn.


Từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng do giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao

Giá tăng chóng mặt

Có gần 20 năm chăn nuôi nhưng chưa năm nào bà Nguyễn Thị Chuyên, Giám đốc HTX Chăn nuôi Tân Việt (Thanh Hà) thấy giá TACN tăng liên tục như hiện nay. Kể từ sau Tết, tháng nào giá TACN cũng tăng ít nhất 1 lần, mỗi lần từ 200 - 400 đồng/kg cám. Mới đầu tháng 3, giá mỗi bao cám gà loại 25 kg lại tiếp tục tăng thêm 10.000 đồng. Trong khi đó, giá gà lại giảm mạnh, tiêu thụ khó khăn, bà Chuyên đang phải nuôi cầm cự. 

Không chỉ các hộ chăn nuôi gặp khó mà ngay cả các chủ đại lý kinh doanh cũng lo ngại vì giá TACN liên tục tăng. Nhiều chủ cửa hàng kinh doanh cho biết, từ cuối năm ngoái, tháng nào các doanh nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản cũng thông báo điều chỉnh tăng do giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhất là nguyên liệu nhập khẩu. Theo đó, các cửa hàng bán lẻ cũng phải tăng giá bán. Bà Nguyễn Thị Lĩnh, chủ đại lý kinh doanh TACN ở xã Tuấn Việt (Kim Thành) lo ngại: "Dịch Covid-19 bùng phát trong tỉnh khiến vận chuyển TACN khó khăn, tiêu thụ cũng chậm. Việc thu hồi công nợ cũng chậm hơn trước do các sản phẩm chăn nuôi tiêu thụ chậm, giá thấp".

Theo đại diện Công ty TNHH ANT (chuyên sản xuất TACN ở xã Tân Trường, Cẩm Giàng), giá TACN tăng là điều không tránh khỏi. Từ cuối năm2020, giá nguyên liệu TACN đã tăng mạnh. Đại dịch Covid-19 đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, cước vận chuyển nhiều loại hàng hóa tăng mạnh, trong đó có nguyên liệu TACN. Giá một số nguyên liệu cho ngành sản xuất TACN như ngô, khô đậu tương tăng từ 30 - 35% so với trước. Hiện giá nguyên liệu sản xuất TACN vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại nên thời gian tới các sản phẩm TACN vẫn tăng.

Khó chồng khó

Bà Chuyên cho biết nhờ sự kết nối của Liên minh HTX tỉnh nên hơn 6 tấn gà của các thành viên HTX đã được doanh nghiệp thu mua với giá 55.000 đồng/kg. Giá bán này khá cao ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, do giá cám quá cao nên người chăn nuôi vẫn không có lãi. Nếu như trước đây, 1bao cám gà chất lượng khá chỉ từ 250.000 - 270.000 đồng (loại 25 kg) thì nay đã tăng lên 300.000 đồng, kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Trước đây, chi phí sản xuất cho 1 kg gà (bao gồm giống, TACN, thuốc thú y...) khoảng 45.000 đồng thì nay mất 50.000 đồng. Thêm vào đó, do dịch Covid-19 nên tiêu thụ gà khó khăn, thời gian chăn nuôi kéo dài, thức ăn và chi phí phòng bệnh, điện, nước cũng tăng thêm. Người nuôi gà đang lỗ từ 5.000 - 10.000 đồng/kg gà thịt.

Giá TACN tăng cũng là khó khăn lớn đối với các hộ nuôi cá lồng ở xã Nam Tân (Nam Sách). Đây là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Anh Lương Quang Nam nuôi cá lồng ở thôn Quảng Tân cho biết từ khi dịch bệnh bùng phát, cá lồng ở đây hầu như không được tiêu thụ, kéo theo chi phí chăn nuôi tăng cao. Hiện anh Nam còn 10lồng cá, tương đương khoảng 50 tấn cá đã cho thu hoạch nhưng chưa thể bán. "Chỉ tính riêng tiền TACN, mỗi tháng gia đình anh Nam đã phải bỏ thêm hơn 100 triệu đồng, chưa tính tiền thuốc thủy sản. Trong khi đó, lượng cá tiêu thụ được ít nên không có vốn để quay vòng. Nếu giá cám tiếp tục tăng thì những hộ chăn nuôi trong vùng dịch bệnh như chúng tôi khó mà cầm cự", anh Nam nói.

Giá TACN tăng cùng với ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 đã làm các sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ. Để giảm chi phí đầu vào, người chăn nuôi có thể tự phối trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm. Các ngành chức năng cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhanh chóng ổn định sản xuất.

TRẦN HIỀN

(0) Bình luận
Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao: Người chăn nuôi càng khó khăn