EVFTA: Động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU

19/02/2020 21:06

Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA ngày 12.2 vừa qua là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU.

EVFTA sẽ giúp tăng tính cạnh tranh và nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Trần Việt

Việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được Nghị viện Châu Âu (EP) chính thức bỏ phiếu thông qua vào ngày 12.2 là một sự kiện quan trọng, tạo ra bước ngoặt lớn cho quá trình hợp tác Việt Nam-EU, đặc biệt là trong bối cảnh hai bên kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tạo dấu ấn cho 30 năm quan hệ Việt Nam-EU

Liên minh châu Âu (EU) hiện bao gồm 27 nước thành viên: Bỉ, Đức, Hà Lan, Luxembourg, Pháp, Italy, Đan Mạch, Ireland, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Ba Lan, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Malta, Séc, Síp, Slovakia, Slovenia, Bulgaria, Romania và Croatia.

Việt Nam và EU chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 28.11.1990. Từ đó đến nay, quan hệ hai bên phát triển nhanh chóng. Đặc biệt, Hiệp định khung Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) có hiệu lực từ ngày 1.10.2016 đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong quan hệ Việt Nam-EU, tạo cơ sở pháp lý đưa quan hệ song phương sang một giai đoạn phát triển mới với phạm vi rộng lớn và mức độ sâu sắc hơn.

Trong những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai bên thường xuyên trao đổi và tiếp xúc bên lề các diễn đàn đa phương; phối hợp tốt tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác ASEAN-EU, ASEM, Liên hợp quốc.

Quan hệ song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn, đối tác truyền thống khác ở châu Âu phát triển tích cực. Việt Nam đã củng cố và nâng tầm các khuôn khổ quan hệ, thúc đẩy các bước phát triển nhiều ý nghĩa trong quan hệ Đối tác chiến lược với Pháp, Đức, Anh, nâng quan hệ với Hà Lan lên Đối tác toàn diện, tiếp tục triển khai mạnh các thỏa thuận đã ký kết, đồng thời trao đổi, thống nhất với các đối tác mở ra những hướng hợp tác mới đầy tiềm năng.

Các nước và các đối tác đều coi trọng và đánh giá cao triển vọng phát triển của Việt Nam, mong muốn mở rộng thương mại, đầu tư, tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Bên cạnh hợp tác song phương, hợp tác đa phương giữa Việt Nam và các đối tác châu Âu cũng có những bước phát triển mạnh mẽ.

Trong bối cảnh vị thế quốc tế và khu vực của Việt Nam ngày càng được nâng cao với việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021, Việt Nam và các nước, các đối tác EU đã và đang tăng cường các cơ chế trao đổi, phối hợp nhằm cùng nhau ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại, giữ gìn hòa bình, an ninh trên quốc tế tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như ở Biển Đông, đảm bảo sự thượng tôn của luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Riêng về hợp tác kinh tế, EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc), đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ).

Trong những năm qua, kim ngạch thương mai hai chiều giữa Việt Nam và EU tăng khá nhanh, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000, lên mức 17,75 tỷ USD năm 2010 và lên 55,8 tỷ USD năm 2018.

Theo Tổng cục Hải quan, năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các thành viên EU (28 nước, gồm cả Anh) đạt 56,39 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang EU đạt 41,48 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong khi nhập khẩu của Việt Nam là 14,91 tỷ USD, tăng 7,4%, chiếm 5,9% kim ngạch nhập khẩu. Các mặt hàng như dệt may và da giày, điện thoại di động, máy tính, nông sản luôn được coi là các mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam sang thị trường các nước EU.

Việc EP phê chuẩn EVFTA và EVIPA ngày 12.2 vừa qua là dấu mốc quan trọng trong năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-EU, đưa quan hệ đối tác giữa EU và Việt Nam lên tầm cao mới, gắn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện, sâu sắc hơn.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quyết định phê chuẩn Hiệp định EVFTA và EVIPA trước hết thể hiện sự coi trọng, đánh giá cao của của các nghị sỹ và các quốc gia thành viên EU về vai trò, vị thế của Việt Nam và quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Hai Hiệp định sẽ tạo dựng các khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài theo hướng đối tác bình đẳng, cùng có lợi, đóng góp vào với xu thế chung về thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.

Với tính chất bổ sung lẫn nhau của hai nền kinh tế, Hiệp định EVFTA và EVIPA được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tận dụng tối đa lợi thế và tiềm năng của nhau để cùng phát triển.

EVFTA tạo cơ hội cho các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam, qua đó tiếp cận sâu hơn thị trường ASEAN và khu vực. Dự kiến, GDP của EU sẽ tăng thêm 30 tỷ USD, xuất khẩu tăng thêm 29% vào năm 2035.

Đối với Việt Nam, dự kiến việc thực hiện EVFTA sẽ giúp GDP Việt Nam tăng 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng gần 42,7% vào năm 2025.

Bên cạnh đó, việc phê chuẩn các Hiệp định cũng khẳng định chính sách của EU tiếp tục tăng cường gắn kết với châu Á-Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, chúng ta sẵn sàng phối hợp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa EU và ASEAN.

Đẩy mạnh công tác chuẩn bị trong nước

Nếu việc ký kết EVFTA và EVIPA “mở ra chân trời mới” và là “tuyến đường cao tốc quy mô lớn, hiện đại” kết nối Việt Nam với châu Âu như khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại lễ ký, thì việc phê chuẩn EVFTA chính là "tấm vé thông hành" quan trọng giúp Việt Nam tiếp cận thị trường đầy tiềm năng của EU.

Sau khi được EP phê chuẩn, Hiệp định EVFTA sẽ tiếp tục được Quốc hội nước ta thông qua để có hiệu lực. Cùng với đó, các bộ, ban, ngành liên quan cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các thành viên EU để Hiệp định EVIPA sớm được Nghị viện 27 nước thành viên EU phê chuẩn.

EVFTA có tiêu chuẩn rất cao và bao gồm cả những nội dung mới như lao động, phát triển bền vững, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, mua sắm công của các cơ quan Chính phủ... Do đó, Việt Nam đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị trong nước để bảo đảm thực thi hiệu quả và tận dụng tối đa các cơ hội ngay sau khi EVFTA được triển khai.

Về lao động, Quốc hội đã có những bước đi sớm, thể hiện sự chủ động trong công tác chuẩn bị. Quốc hội đã phê chuẩn Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về quyền tổ chức và thương lượng tập thể vào tháng 6.2019 và Bộ luật Lao động sửa đổi tại kỳ họp tháng 11.2019 vừa qua. Thời gian tới, sẽ triển khai thực thi một cách đồng bộ các nội dung mới trên để vừa bảo đảm được các lợi ích cho người lao động trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vừa bảo đảm giữ vững an ninh-chính trị và môi trường ổn định cho phát triển.

Đối với các lĩnh vực khác, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành sớm dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực thi Hiệp định EVFTA. Đây là việc rất quan trọng không chỉ đối với quá trình phê chuẩn mà cả thực thi hiệu quả sau này.

Khác với các hiệp định thương mại tự do truyền thống chỉ tập trung vào cắt giảm hàng rào thuế quan và phi thuế quan, Hiệp định EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới kèm theo những bước cải cách sâu rộng. Do vậy, các bộ, ngành và địa phương cần bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị, không để lỡ thời cơ từ hiệp định này.

Đơn cử như vấn đề xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn việc thực hiện Hiệp định EVFTA, đây là công việc tốn rất nhiều thời gian và công sức, nếu không có chuẩn bị sớm thì không thể hoàn thành khi hiệp định có hiệu lực. Hay như vấn đề đánh bắt cá bất hợp pháp và không khai báo, vừa qua bị EU rút thẻ vàng do còn một số vi phạm. Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã vào cuộc, tích cực ban hành mới các chính sách và giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, nỗ lực để gỡ được thẻ vàng trước khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.

Nhằm phổ biến Hiệp định EVFTA tới đông đảo quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối tượng doanh nghiệp và cán bộ quản lý nhà nước ở Trung ương cũng như địa phương, Bộ Công thương thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA tại địa chỉ http://evfta.moit.gov.vn để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng đã đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về hiệp định thông qua việc tổ chức các hội thảo, khóa tập huấn chuyên sâu (tập huấn tra cứu cam kết về thuế, tra cứu cam kết về quy tắc xuất xứ…) trải dài hầu khắp các tỉnh, thành phố, vùng miền trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tập trung tại các địa phương có các đơn vị được Bộ Công thương ủy quyền cấp C/O và nơi tập trung các khu công nghiệp lớn, có các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu.

Các cơ quan thương vụ ở châu Âu cũng đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu ngành hàng, sản phẩm xuất khẩu tại thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu để hỗ trợ doanh nghiệp chúng ta tiếp cận tốt hơn thị trường rất tiềm năng này.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị tích cực. Bên cạnh việc cải thiện máy móc, công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp còn chủ động tìm hiểu sâu về nội dung hiệp định, cụ thể là các yêu cầu đối với xuất xứ hàng hóa, an toàn thực phẩm, các điều kiện về lao động, môi trường... nhằm khai thác, tận dụng tối đa các lợi ích từ EVFTA.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
EVFTA: Động lực thúc đẩy quan hệ Việt Nam-EU