Du lịch mùa vải chín

07/06/2018 15:31

Những rặng vải thiều chín mọng soi bóng bên dòng sông Hương thơ mộng còn là điều kiện để huyện Thanh Hà khai thác tiềm năng du lịch.


Cây vải tổ là một trong những điểm thu hút khách du lịch của huyện Thanh Hà trong mùa vải chín. Ảnh: TIẾN MẠNH

Điểm đến lý tưởng

3 năm nay, cứ mỗi dịp hè về là gia đình chị Mạc Thị Hương ở Hà Nội lại tất bật chuẩn bị cho kế hoạch du lịch tại vùng vải thiều Thanh Hà. Quê gốc ở xã Cẩm Chế nên mỗi lần về quê chị Hương được bạn bè giới thiệu cho các điểm vui chơi, ăn uống ngay tại Thanh Hà. Vì bọn trẻ trong gia đình rất thích thú với cảnh vật tại địa phương nên chị đã biến chuyến về thăm quê thành buổi du lịch dã ngoại lý thú. Chị Hương cho biết: "Vài năm trở lại đây, hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch của huyện Thanh Hà ngày một tốt hơn. Không phải vất vả đi xa, chi phí không quá tốn kém mà gia đình tôi lại được tận hưởng không khí yên bình, trải nghiệm nhiều hoạt động ý nghĩa như hái vải tươi ngay tại vườn, thả diều trên triền đê, xem múa rối nước và thưởng thức món ăn đồng quê tại nhà hàng ven sông Hương. Thấy tôi lưu giữ nhiều kỷ niệm đẹp của gia đình trên mạng xã hội, nhiều đồng nghiệp cũng tìm hiểu và lựa chọn Thanh Hà là điểm dã ngoại trong những ngày nghỉ, nhất là vào mùa vải chín".

 Mặc dù chưa vào chính vụ thu hoạch vải thiều nhưng từ đầu hè đến nay, khu du lịch sinh thái sông Hương ở khu 5, thị trấn Thanh Hà đã đón tiếp nhiều đoàn khách tới tham quan, nghỉ dưỡng. Theo anh Vũ Minh Chiến, quản lý khu du lịch, hiện nay, do áp lực từ công việc cũng như điều kiện sống, du khách ngày càng có xu hướng tìm về và gần gũi với thiên nhiên. Nông trại Thóc vàng với nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi chính là điểm nhấn của khu du lịch. Du khách luôn cảm thấy hứng thú, tò mò về những cây trồng, vật nuôi bản địa và đi thuyền dọc sông Hương để khám phá toàn bộ vùng đất vải. "Chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Năm nay, do huyện tổ chức Lễ hội vải thiều nên lượng khách đăng ký dừng chân tại khu sinh thái tăng 50% so với mọi năm. Nhằm tạo ấn tượng với du khách thập phương về mảnh đất vải thiều Thanh Hà, chúng tôi sẽ giới thiệu với họ các món ăn mang đậm bản sắc quê hương", anh Chiến nói.

Khai thác tiềm năng

Huyện Thanh Hà đang tích cực triển khai nhiều dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật, kết nối thành thể thống nhất để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của huyện phát triển.

Là người trông coi, chăm sóc cây vải tổ nên ông Hoàng Văn Lượm ở thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn rất vui mừng, phấn khởi khi các hạng mục nằm trong Dự án "Cải tạo, bảo tồn cây vải tổ" đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trong vụ vải năm nay. Ông Lượm hồ hởi nói: "Từ khi các công trình tại khu vực cây vải tổ hoàn thiện, lượng khách tới tham quan đông hơn trước đây. Từ đầu vụ tới nay, tôi đã tiếp hơn 20 đoàn khách tới tìm hiểu nguồn gốc của vải thiều Thanh Hà. Do huyện tạo điều kiện xây dựng nhà thờ, nhà khách, bãi đỗ xe... nên du khách được đón tiếp chu đáo hơn".

Du lịch trong mùa vải chín tại huyện Thanh Hà đã được nhiều đơn vị, cá nhân khai thác từ lâu nhưng vẫn mang tính cục bộ, nhỏ lẻ vì cơ sở hạ tầng dịch vụ tự phát, thiếu đồng bộ. Vì vậy, UBND huyện đang triển khai dự án xây dựng "Hạ tầng du lịch sinh thái sông Hương". Thanh Hà sẽ phát triển các loại hình du lịch chủ đạo gồm du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, du lịch trải nghiệm và du lịch văn hóa, tâm linh. Theo ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, cây vải chính là cơ sở kết nối các giá trị về kinh tế, văn hóa, du lịch của huyện. Khi loại cây đặc sản này phát triển ổn định, bền lâu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy nhiều mô hình kinh tế, du lịch trong huyện. Ngược lại khi các dịch vụ liên quan tới cây vải phát triển cũng sẽ nâng cao giá trị nông sản đặc thù của huyện. Do đó, huyện đang tích cực triển khai các chương trình, dự án để có thể khai thác tối đa những giá trị kinh tế từ cây vải.

 DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Du lịch mùa vải chín