Doanh nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

13/10/2018 18:32

Trong guồng quay của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động thích ứng.


Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đức Minh (TP Hải Dương) đầu tư công nghệ in hiện đại, tự động để giảm nhân công

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư (CMCN 4.0) đã và đang tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Không ít DN trong tỉnh đang chủ động đón nhận và tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng này để phát triển.

Không đứng ngoài cuộc

Nhà xưởng sản xuất của Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đức Minh (TP Hải Dương) được sắp xếp gọn gàng, khoa học. Toàn bộ dây chuyền, máy móc phục vụ in ấn đều được đầu tư hiện đại. Ông Trần Đức Vũ, Giám đốc công ty cho rằng cuộc CMCN 4.0 đã và đang tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh, buộc mỗi DN phải nhận biết được cơ hội và thách thức từ cuộc cách mạng này để tồn tại và phát triển. Ngoài đầu tư máy móc hiện đại, Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đức Minh còn chủ động ứng dụng các phần mềm quản lý hiện đại để điều hành sản xuất. Ông Vũ ví dụ: “Hơn 90% giao dịch với khách hàng được DN thực hiện thông qua thư điện tử, thậm chí qua Zalo, Messenger... DN cũng đã chủ động sử dụng hóa đơn điện tử và chữ ký số từ 3 năm trước. Bản thân mỗi nhân viên đều thông thạo máy tính, biết sử dụng những phần mềm, ứng dụng điều hành hệ thống dây chuyền, máy móc".

Công nghệ thay đổi làm cho cách thức sản xuất cũng như bán hàng phải thay đổi theo. Nếu trước đây, hình thức kinh doanh trực tuyến còn khá xa lạ với nhiều DN thì nay lại là một trong những kênh kinh doanh đầy tiềm năng, đem lại hiệu quả cao. Chị Nguyễn Thị Vân Anh, trợ lý giám đốc của Công ty TNHH Hữu Bình (TP Hải Dương) nhận xét: "Nhiều người cứ nghĩ cuộc CMCN 4.0 là những gì cao xa nhưng thực tế đối với DN nó thể hiện ở ngay phương thức bán hàng. Hiện nay, sản phẩm của Hữu Bình không chỉ quảng bá tốt thông qua mạng xã hội mà qua đó chúng tôi còn tìm kiếm được khách hàng".

Trong lĩnh vực sản xuất, DN cũng phải liên tục đổi mới công nghệ, ứng dụng tự động hóa tăng năng suất, giảm chi phí. Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp phần mềm công nghệ ITa cho rằng: "Đối với Hải Dương, nguồn lao động dồi dào hiện đã không còn là lợi thế. Không ít DN trong tỉnh đang rơi vào cảnh thiếu lao động. Vì vậy, giải pháp tốt nhất hiện nay nhiều DN đang tính đến là đầu tư công nghệ hiện đại để làm sao có thể giảm bớt nhân công. Rô bốt thay thế con người là một trong những giải pháp mà chúng tôi tính đến trong thời gian tới".

Những thách thức

Việc đưa máy móc, dây chuyền tự động phục vụ sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm lao động là một trong những vấn đề cấp bách với DN hiện nay. Nhưng theo khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) mới đây, cả nước có tới 52% số DN đang sử dụng thiết bị rất lạc hậu, 38% sử dụng thiết bị trung bình và chỉ 10% sở hữu thiết bị hiện đại. Cả nước chỉ có hơn 2.000 DN khoa học - công nghệ, trong đó có khoảng 400 DN công nghệ cao (bằng 0,06% tổng số DN). Những con số này cho thấy các DN Việt Nam nói chung và DN Hải Dương nói riêng còn ở khoảng cách rất xa về năng lực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học hay công nghệ số...

Ông Trần Đức Vũ cho biết thêm: "Để đáp ứng được yêu cầu công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất, đòi hỏi DN phải đầu tư nguồn vốn lớn, tuyển dụng được lực lượng lao động có thể sử dụng được máy móc hiện đại. Mặc dù biết điều này không dễ, thậm chí rất khó đối với DN mới khởi nghiệp, nhưng theo tôi nếu không chủ động vượt qua thách thức thì bản thân DN sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh và khó có thể phát triển bền vững".

Theo ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Giám sát và Thẩm định đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư), người thường xuyên nghiên cứu và có những đánh giá về tác động của cuộc CMCN 4.0 thì ngoài việc DN tự thân vận động để thích ứng, Nhà nước cũng cần tạo ra một cú hích. Ông Hiền lấy ví dụ: Ngân sách liên bang của Mỹ hằng năm đầu tư khoảng 3 tỷ USD để mở rộng nghiên cứu và phát triển quy trình sản xuất tiên tiến, tìm kiếm vật liệu công nghiệp mới hay khoa học người máy. Nước Đức cũng đang đeo đuổi chiến lược “Industrie 4.0” với mục tiêu xây dựng những nhà máy thông minh. Nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang hối hả tìm giải pháp để thích ứng với cuộc CMCN này nhưng ở nước ta đến nay những định hướng, chiến lược và chính sách hỗ trợ để doanh nhân, DN tiếp cận với cuộc CMCN 4.0 còn khá mờ nhạt.

Cuộc CMCN 4.0 đang hiện hữu trong từng ngõ ngách của cuộc sống từ những việc nhỏ như dùng mạng xã hội, dịch vụ mobile banking hay đơn giản là bán hàng online... Lớn hơn là sử dụng rô bốt, công nghệ thông minh ứng dụng vào sản xuất, điều hành. Cuộc CMCN 4.0 đang lan tỏa rộng khắp, các DN của tỉnh cần mạnh dạn tham gia cuộc chơi với tinh thần chủ động, tự tin, sẵn sàng vượt qua thách thức nếu không muốn bị tụt hậu.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Doanh nghiệp thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0