Doanh nghiệp gia đình: Chuyên nghiệp để phát triển bền vững

02/11/2018 19:35

Thời gian qua đã có không ít mô hình doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) trong tỉnh được thành lập và đang hoạt động hiệu quả.


Công ty CP Auto Hải Dương phân rõ trách nhiệm trong quản lý, điều hành dù những thành viên có mối quan hệ ruột thịt trong một gia đình

Nhưng để phát triển bền vững và mở rộng quy mô, các doanh nghiệp này cần chuyên nghiệp hơn trong quản trị, điều hành.

Gắn kết

Thành lập năm 2013, Công ty TNHH Thương mại và Văn hóa Đỗ Gia đã và đang trở thành mô hình DNGĐ tiêu biểu trong tỉnh. Sự gắn kết tình thân, ruột thịt giữa các anh em trong một gia đình đã giúp họ quyết tâm thành lập và phát triển doanh nghiệp. Ông Đỗ Văn Cảnh, Giám đốc công ty cho biết: "Mỗi anh em đều có thế mạnh riêng trong kinh doanh, vì vậy chúng tôi muốn tập hợp lại để bổ sung, khắc phục hạn chế của nhau, đồng thời phát huy thế mạnh kinh doanh của mỗi người. Chọn mô hình DNGĐ để khởi nghiệp bởi chúng tôi đã có sẵn sự tin tưởng lẫn nhau. Chúng tôi có thể đồng cam cộng khổ khi doanh nghiệp gặp khó khăn và cùng chia sẻ thành quả với nhau mà không tính toán thiệt hơn”.

Thông thường mô hình DNGĐ trong tỉnh đều do một người đại diện uy tín trong gia đình nắm giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hay Tổng Giám đốc. Các thành viên của gia đình vừa là chủ sở hữu, cổ đông, vừa là người quản lý, điều hành công ty. Theo tài liệu phân tích của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại một hội nghị bàn về mô hình DNGĐ trong xu thế hội nhập được tổ chức mới đây cho thấy quyền lực của DNGĐ thường tập trung vào một người. Các công ty gia đình có xu hướng tiết kiệm và cẩn trọng hơn trong chi tiêu so với những mô hình doanh nghiệp khác. Điều quan trọng nữa là mô hình này được tạo nên nhờ sự gắn kết giữa các thành viên trong một gia đình nhất định. Các thành viên có thể hỗ trợ nhau trong công việc, thậm chí cùng chấp nhận chịu rủi ro. Theo bà Nguyễn Thị Vân Anh, Thư ký Giám đốc của Công ty TNHH Hữu Bình, con gái của ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc doanh nghiệp thì mô hình DNGĐ chỉ thực sự mạnh khi xây dựng được bộ quy tắc chung trong điều hành, quản trị, nếu không sẽ rất khó phát triển. Bởi ngoài những ưu điểm đã thấy, mô hình này cũng tồn tại không ít hạn chế cần được loại bỏ để phát triển chuyên nghiệp, bền vững. 

Có quy tắc rõ ràng

Ông Lê Xuân Hiền, Trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư) nhìn nhận mô hình DNGĐ là khởi nguồn của những mô hình doanh nghiệp lớn hơn. Mô hình DNGĐ có thể phát triển lên tập đoàn, tổng công ty nếu xây dựng được hệ thống quản lý, điều hành chuyên nghiệp, bài bản. Những quốc gia phát triển đều có dấu ấn của mô hình DNGĐ. Ở Nhật Bản có Toyota, Hàn Quốc có Samsung, Mỹ có Wal-Mart... Mô hình DNGĐ với tinh thần đoàn kết, tự chủ giúp doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn nhưng ngược lại cũng có nhiều hạn chế, nếu không thay đổi sẽ khó cạnh tranh với các mô hình doanh nghiệp khác.

Nếu như những mô hình doanh nghiệp khác có lợi thế trong cách quản trị chuyên nghiệp, bài bản, quyền lợi, trách nhiệm của các thành viên được phân chia rõ ràng thì ngược lại các DNGĐ thường mắc phải lỗi nể nang, thiếu tính kỷ luật trong chỉ đạo điều hành. Để khắc phục được những hạn chế trên, theo chị Trần Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Auto Hải Dương, không còn cách nào khác là DNGĐ phải thiết lập được bộ máy quản trị, điều hành linh hoạt, nhanh nhạy, có tính hệ thống và kỷ luật cao. “Khi người thân trong gia đình mắc sai phạm cũng cần có hình thức kỷ luật nghiêm như các nhân viên khác ngoài gia đình”, chị Hạnh nói. 

Tư tưởng “lọt sàng xuống nia” thường khiến nhiều DNGĐ dễ dãi trong phân chia trách nhiệm và quyền lợi. Vì vậy để các DNGĐ phát triển, trước hết phải phân biệt rõ công và tư, rõ ràng trong kinh tế và chú ý phân quyền cụ thể cho các thành viên. DNGĐ cũng cần thiết lập được quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, tránh lạm quyền, giảm hiệu quả làm việc của các thành viên khác trong gia đình. Mặt khác, lập kế hoạch dài hạn để phát triển quy mô doanh nghiệp cũng rất cần thiết. Ông Phan Tiến Đại, Giám đốc Công ty CP Tiến Huy (Gia Lộc) cho rằng một trong những điểm yếu nhất của DNGĐ là phụ thuộc vào quyết định cảm tính của các thành viên nên dẫn đến những khó khăn nhất định cho việc quản lý và điều hành. Để doanh nghiệp phát triển thì việc lập kế hoạch dài hạn là yếu tố rất quan trọng. Theo ông Đại, bí quyết để điều hành mô hình DNGĐ thành công là phân vai một cách rõ ràng, không lẫn lộn giữa việc công và việc tư.

Một trong những thách thức lớn đối với các DNGĐ là xác định quyền sở hữu tài sản và phân chia tài sản. Do đó doanh nghiệp cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử rõ ràng cho mọi thành viên như quy tắc về giao tiếp, cách thức ra quyết định, sự phát triển cá nhân, chia sẻ thông tin, quản lý các xung đột… 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Doanh nghiệp gia đình: Chuyên nghiệp để phát triển bền vững