Dệt may với EVFTA: Cơ hội lớn nhưng không dễ nắm bắt

27/02/2020 14:22

Việc Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) ngày 12.2 vừa qua là tin vui lớn đối với các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.


EVFTA sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam

Dệt may là một trong những ngành được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ EVFTA nhưng để được hưởng mức thuế suất ưu đãi, ngành này sẽ phải vượt qua nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất vẫn là quy tắc xuất xứ.

Lợi ích lớn trong dài hạn

Năm 2019, ngành dệt may Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn. Theo thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm 2019 là 39 tỷ USD, tuy tăng trưởng 7,1% so với năm 2018 nhưng tốc độ tăng đã chậm hơn so với mức tăng hai con số của những năm trước. EU hiện là thị trường lớn thứ 2 của ngành dệt may Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 7%-10%, chỉ đứng sau Mỹ. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam sang EU đạt 4,4 tỷ USD, tăng 2,23% và chiếm tỷ trọng 11,28%.

Ngày 12.2 vừa qua, Nghị viện Châu Âu đã bỏ phiếu phê chuẩn EVFTA. Theo đánh giá của Bộ Công thương, EVFTA sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng thị trường nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thị phần tại thị trường EU và là điều kiện để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các phân tích cho thấy, trong dài hạn, EVFTA có tác động tích cực đến dệt may Việt Nam bởi 42,5% dòng thuế áp dụng đối với dệt may Việt Nam sẽ giảm về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, còn lại sẽ giảm về 0% sau 3-7 năm, giúp dệt may Việt Nam cạnh tranh hơn với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia - hiện đang được hưởng thuế ưu đãi 0%. Bên cạnh đó, phần lớn các nước xuất khẩu dệt may vào EU hiện nay đều chưa có FTA với EU do vậy nếu các doanh nghiệp Việt đáp ứng được yêu cầu về xuất xứ thì EVFTA mở ra cơ hội lớn, giúp gia tăng xuất khẩu các mặt hàng dệt may Việt Nam vào thị trường đầy tiềm năng này.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, các doanh nghiệp xuất khẩu có thể sẽ phải chịu mức thuế cao hơn. Hiện tại, xuất khẩu dệt may đang được hưởng mức thuế ưu đãi trung bình là 9% theo Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập GSP (ưu đãi mà EU đơn phương dành cho cho các sản phẩm chưa có năng lực cạnh tranh tốt từ các nước đang/kém phát triển nhất định theo các tiêu chí mà EU quyết định). Sau khi EVFTA có hiệu lực, GSP sẽ tự động chấm dứt và với việc giảm thuế theo lộ trình (bắt đầu từ mức 12%) thì một số mặt hàng sẽ có thể phải chịu mức thuế cao hơn so với hiện tại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU có thể sẽ tăng thêm đáng kể. Đặc biệt, trong bối cảnh những diễn biến khó dự đoán như bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại, tác động của dịch bệnh COVID-19, Hiệp định sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Không dễ để hưởng lợi

Dù được đánh giá là một trong những ngành nghề được hưởng lợi nhất từ việc EVFTA có hiệu lực nhưng để có thể được giảm thuế theo quy định tại Hiệp định, các sản phẩm phải tuân thủ chặt chẽ các quy tắc về xuất xứ - “từ vải trở đi”.

Cụ thể, để sản phẩm may mặc được miễn thuế thì phải thỏa mãn điều kiện: vải sử dụng để tạo ra thành phẩm phải có xuất xứ từ Việt Nam hoặc EU; việc cắt và may phải được thực hiện tại Việt Nam hoặc EU. Tuy nhiên, Hiệp định EVFTA cũng có cam kết linh hoạt về quy tắc xuất xứ cộng gộp. Tiêu biểu là đối với trường hợp nếu vải được doanh nghiệp sử dụng có xuất xứ từ nước có FTA với EU và cả Việt Nam (như Hàn Quốc, Nhật Bản) thì sản phẩm của doanh nghiệp cũng được coi là xuất xứ hợp lệ để được hưởng ưu đãi thuế theo quy định tại hiệp định EVFTA.

Mặc dù quy tắc xuất xứ trong EVFTA có lỏng hơn so với CPTPP (CPTPP là “từ sợi trở đi”) nhưng vẫn đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam. Nguyên nhân là do phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang chỉ thực hiện công đoạn may cắt chứ chưa sản xuất vải và sợi. Các nguyên liệu này lâu nay doanh nghiệp dệt may Việt Nam lại đa phần nhập từ các nước chưa có FTA với EU.

Giới chuyên môn cho biết, khâu yếu nhất hiện nay của ngành là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm. Nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó. Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị tổng thể, sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, vượt qua thách thức này đối với ngành dệt may, việc tận dụng cơ hội này rất khó.

Do đó, trước mắt ngành dệt may chưa thể hưởng lợi ngay từ Hiệp định này. Đặc biệt, năm 2020 được cho là sẽ còn khó khăn hơn năm 2019 vì ngoài nguyên nhân về giá nhân công tăng cao, (tăng thêm 5% so với năm 2019), chi phí logistics cũng tăng cao..., thị trường toàn cầu đang ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, làm gián đoạn quá trình sản xuất, cung-cầu, kéo theo nhiều hệ luỵ xấu như giảm khả năng tiêu dùng, phân phối trên toàn thế giới.

Nỗ lực hoàn thiện chuỗi sản xuất trong nước

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), chỉ có tuân thủ quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt, quản lý tốt việc lợi dụng xuất xứ, hàng Việt Nam có cơ hội lớn tại thị trường EU.

Do đó, để có thể tối đa hóa lợi ích thu được từ EVFTA, theo các chuyên gia, Việt Nam cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt, nhuộm và công nghiệp phụ trợ ngành dệt may để nâng dần tỷ lệ số lượng vải sản xuất trong nước thay thế vải nhập khẩu từ các nước ngoài hiệp định. Theo đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thông thoáng để tạo sức hút cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tham gia triển khai xây dựng các dự án đầu tư vào dệt, nhuộm, theo quy trình khép kín. Điều kiện sản xuất đảm bảo được về yêu cầu vệ sinh môi trường, trách nhiệm xã hội như; xử lý nước thải tập trung; Ưu đãi về thuể, tiền thuê đất, vốn vay đầu tư...

Bên cạnh hoàn thiện chuỗi sản xuất trong nước, cần tăng cường việc sử dụng vải có xuất xứ từ các nước có FTA với EU để có thể tận dụng được lợi ích từ EVFTA trong khi ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển kịp. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tận dụng việc EVFTA ký kết và nhập khẩu các nguyên vật liệu (đặc biệt là vải) có xuất xứ từ châu Âu, qua đó nâng cao giá trị và chất lượng của sản phẩm.

Hiệp hội Dệt May Việt Nam cần tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo để đưa thông tin đến các doanh nghiệp, qua đó giúp họ nắm bắt thêm thông tin để họ có kế hoạch sản xuất cho từng dòng sản phẩm, hạn chế việc xuất dư gây lãng phí khan hiếm nguồn nguyên liệu chung cũng như tài chính cho doanh nghiệp.

Đồng hành với doanh nghiệp, những quy định hướng dẫn và hoạt động của Chính phủ giúp cung cấp thông tin và nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về Hiệp định này là hết sức cần thiết, như quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hướng dẫn về cam kết của Việt Nam đối với EVFTA, những gì doanh nghiệp cần làm, cụ thể cam kết về môi trường, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa…

Ngoài ra, cần chú trọng cải cách hành chính nhằm tháo gỡ những thủ tục về xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp; đồng thời, hoàn thiện khung pháp lý để đáp ứng những điều kiện về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ phù hợp với chuẩn mực quốc tế và châu Âu.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Dệt may với EVFTA: Cơ hội lớn nhưng không dễ nắm bắt