Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19

28/05/2021 21:35

Đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả trong tiêu thụ nông sản.

Vải thiều “đắt khách” trên sàn thương mại điện tử

Theo ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hải Dương, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch tiêu thụ vải thiều vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa bảo đảm kết nối tiêu thụ vải thuận lợi. 

Đồng thời, được sự giúp đỡ tích cực của Bộ Công thương, đầu tháng 5, tỉnh Hải Dương đã tổ chức thành công hội nghị xúc tiến thương mại với hình thức trực tiếp và trực tuyến có 12 nước tham gia với 31 điểm cầu trực tuyến chính thức và khoảng 100 điểm không chính thức thu hút 300 doanh nghiệp tham gia. Ngay sau hội nghị này, lần đầu tiên vải thiều của Hải Dương đã được bán trên các sàn TMĐT. 

Từ ngày 15.5, vải thiều Thanh Hà của tỉnh Hải Dương đã chính thức được mở bán ngay trên trang chủ với vị trí ưu tiên trên sàn TMĐT Lazada.vn. Đến ngày 17.5, vải thiều Thanh Hà được bán trên sàn Voso.vn thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” cùng chính sách giá ưu đãi, hấp dẫn, hướng tới thị trường người tiêu dùng trong cả nước.

Ngày 24.5 vải thiều Thanh Hà tiếp tục được bán trên sàn TMĐT Sendo, chỉ sau hơn 4 tiếng mở bán, đã có hơn 3 tấn vải thiều Thanh Hà được khách hàng đặt mua. Nhà cung cấp và Sendo đang triển khai chính sách kinh doanh không lợi nhuận, hỗ trợ giá để người tiêu dùng tiếp cận sản phẩm đúng nguồn gốc. 

Chú thích ảnh
Sản phẩm vải Thanh Hà (Hải Dương) được cấp mã vạch, tem chỉ dẫn địa lý để khách hàng nhận biết

“Việc đưa vải thiều lên bán tại các sàn TMĐT đem lại lợi ích kinh tế lớn cho bà con. Lần đầu tiên vải chín sớm Thanh Hà được bán với giá 150.000 đồng/kg tại TP Hồ Chí Minh, đây là mức giá cao nhất từ trước tới nay. Đến nay, giá cũng giảm hơn so với đầu mùa nhưng nhìn chung giá vẫn cao hơn so với năm trước. Bà con nông dân rất phấn khởi”, ông Trần Văn Hảo cho biết.

Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Hải Dương, đến sáng 28.5, vải thiều Thanh Hà đã bán được trên sàn TMĐT tổng cộng 45,8 tấn, trong đó bán trên Lazada.vn là 22 tấn, Sendo.vn là 16 tấn, voso.vn là 7 tấn và Posstmart.vn là 0,8 tấn. 

Ngoài ra, vải thiều Thanh Hà cũng xuất khẩu được 1.239 tấn, trong đó xuất đi Trung Quốc là 710 tấn, Hàn Quốc 150 tấn, Pháp 200 tấn, Úc 150 tấn, Nhật Bản 29 tấn… Còn tiêu thụ trong nước là 754 tấn.

Còn tại Bắc Giang, ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương cho biết theo thống kê, năm 2021, diện tích vải của tỉnh đạt 28.100 ha, sản lượng ước đạt 180.000 tấn (tăng khoảng 15.000 tấn so với năm 2020). Thời gian thu hoạch bắt đầu từ khoảng ngày 20.5 đến cuối tháng 7 (vải chín sớm bắt đầu thu hoạch từ ngày 20.5; vải thiều chính vụ từ ngày 10.6). Mùa thu hoạch vải 2021 đã cận kề, trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không để sản xuất đứt gãy, tỉnh đã ban hành kế hoạch tiêu thụ vải thiều, cùng nhiều giải pháp hỗ trợ việc mua, bán vải cho bà con.

Sở Công thương Bắc Giang cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh (ưu tiên đơn vị sản xuất, tiêu thụ, chế biến vải thiều) xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến gồm: Website, hệ thống email, fanpage trên Facebook… để tham gia sàn TMĐT tỉnh Bắc Giang: http://www.san24h.vn và các sàn TMĐT lớn trong nước và nước ngoài như: Lazada, Shopee, Tiki, Alibaba…

Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong bối cảnh dịch COVID-19

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều sản phẩm nông sản gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ, tồn đọng nông sản. Do đó, đa dạng kênh tiêu thụ nông sản, đặc biệt là hình thức đưa nông sản lên các sàn TMĐT đang đóng vai trò quan trọng, mở ra kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm tốt trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng.

Cục trưởng Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhận định, đưa sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử là nỗ lực lớn của các bên. Cục XTTM đã phối hợp các sàn TMĐT kết nối với các chuỗi cung ứng, bảo đảm hệ thống hậu cần đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên TMĐT. Việc đưa nông sản lên sàn TMĐT tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm tiềm năng của các địa phương. Bên cạnh đó, hoạt động này sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyển đổi số cho các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và đặc biệt khuyến khích tinh thần “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.  Đồng thời, đây là một trong những phương thức bán hàng hiệu quả, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh. 

Chú thích ảnh
Đoàn xe chở vải thiều sớm Tân Yên đi tiêu thụ tại thị trường Nhật Bản ngày 27.5

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết, chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" trên các sàn TMĐT do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì đang triển khai rộng khắp các tỉnh, thành phố được đánh giá là một giải pháp hiệu quả, bền vững giúp các doanh nghiệp tại địa phương ứng dụng công nghệ số, ứng dụng TMĐT để mở rộng, tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ trên toàn quốc.

Ngay trong tháng 5, khi mùa vải thiều Bắc Giang, Hải Dương đang bắt đầu vào vụ với sản lượng lớn, cùng với các đơn vị khác của Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã sớm lên phương án làm việc, phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, hợp tác với các sàn TMĐT như Sendo, Voso, Postmart, Lazada... và các đối tác để tiếp tục hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua phương thức TMĐT.

Cùng với việc đưa nông sản lên các sàn TMĐT, việc xuất khẩu nông sản đi thị trường các nước đóng vai trò to lớn. Trong đó, Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu chính các loại nông sản của Việt Nam nên việc lưu thông hàng hóa tại các cửa khẩu cũng rất cấp thiết.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) để giảm áp lực lưu thông hàng hóa đưa lên các tỉnh biên giới xuất khẩu sang thị trường này, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới, tạo thuận lợi về thủ tục thông quan. Về lâu dài, việc điều phối hàng hóa giữa các địa phương, các doanh nghiệp với các tỉnh biên giới để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là vấn đề cần phải triển khai. 

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương Bắc Giang cho biết, bên cạnh đẩy mạnh bán hàng qua TMĐT, Bắc Giang cũng kết nối với bạn hàng Trung Quốc, làm việc với Đại sứ quán, Tham tán thương mại Trung Quốc tại Việt Nam và Tham tán thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc để kết nối với 190 thương nhân được sang Bắc Giang mua vải. Cùng với đó thực hiện phương thức giao nhận hàng mới đảm bảo phòng dịch COVID-19. 

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ nông sản trong dịch COVID-19