“Công nhân” robot

26/01/2020 11:03

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cuộc cách mạng 4.0) đã biến những điều trước đây tưởng như không thể nay trở thành hiện thực.

2 robot của Công ty CP Sản xuất và dịch vụ, thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 đã thay thế cho khoảng 50 lao động

Những công nhân “mình đồng da sắt” xuất hiện và đang từng bước thay thế công việc của con người. 

“Người lao động” đặc biệt

Những ngày cuối cùng của năm Kỷ Hợi đang khép lại nhưng không khí lao động tại Nhà máy sản xuất gạch tuynel của Công ty CP Sản xuất và dịch vụ, thương mại vật liệu xây dựng Cường Thịnh 68 ở xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) vẫn tất bật. Trong năm cũ, sản phẩm gạch của công ty được mở rộng tiêu thụ đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Ông Hoàng Thế Nhiên, Giám đốc công ty tiết lộ bí quyết: “Tất cả là nhờ 2 công nhân đặc biệt này”. Vừa nói ông Nhiên vừa chỉ vào 2 robot đang tạo hình gạch mộc. Cuối năm 2018, công ty đã đầu tư gần 10 tỷ đồng mua 2 robot chuyên tạo khuôn gạch. Cường Thịnh 68 là một trong những doanh nghiệp  sản xuất gạch tuynel đầu tiên trong tỉnh sử dụng robot trong quá trình sản xuất. 

Được làm bằng chất liệu đặc biệt với các khớp nối và cử động linh hoạt, robot hoạt động gần giống như cánh tay con người nhưng tốc độ nhanh và chính xác hơn. Chỉ trong 1 giờ, 2 robot này đã tạo ra 37.000 viên gạch mộc, chất lượng gạch đồng đều, độ chính xác cao. 2 robot thay thế cho khoảng 50 lao động và hoạt động được liên tục trong 12 tiếng. “Trong bối cảnh nguồn cung gạch đang thừa như hiện nay, gạch do robot tạo ra có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường. So với sử dụng lao động là con người, 2 robot giúp công ty giảm khoảng 10 triệu đồng chi phí mỗi ngày”, ông Nhiên nói. 

Ngay khi đầu tư tại Hải Dương năm 2009, Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) ở khu công nghiệp Đại An đã sử dụng công nghệ tự động hóa và đưa robot vào sản xuất linh kiện ô tô. Nhà máy có 39 chuyền sản xuất, trong đó hệ thống máy trong chuyền GHI làm việc 24/24 giờ. Mặc dù là chuyền lớn và làm việc liên tục nhưng chỉ cần 2 người đứng điều khiển máy.

Anh Trương Văn Chiến, cán bộ kỹ thuật chuyền GHI cho biết với yêu cầu kỹ thuật cao và chính xác tuyệt đối, quá trình sản xuất van phun áp suất cao được tự động hóa hoàn toàn. Con người sản xuất sẽ không đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật. Vì thế, công ty đã đầu tư 15 robot, trong đó 3 robot chính với 6 trục di chuyển các cách khác nhau.

“Trong 1 giờ, 15 robot sản xuất ra 400 sản phẩm. 3 robot chính thay thế cho 18 người, các robot khác, mỗi robot thay thế một người. Robot di chuyển nhanh hơn nhiều so với chuyển động tay của con người, độ chính xác tuyệt đối, khắc phục tối đa các lỗi do công nhân gây ra”, anh Chiến nói. 

Việc tuyển dụng lao động, đặc biệt là những lao động làm việc nặng nhọc, trong môi trường nguy hiểm ngày càng khó khăn. Nếu tuyển được lao động thì nhiều khi doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn vì những lý do bất khả kháng như ốm đau, tai nạn lao động… Khi sử dụng robot, doanh nghiệp không phải lo những vấn đề này. Ngoài khả năng làm việc liên tục và không xin “nghỉ ốm”, robot giúp đem lại năng suất cao và cắt giảm nhiều chi phí cho doanh nghiệp.

Xu hướng tất yếu

Giáo sư Klaus Schwab, tác giả cuốn sách “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đã nêu rõ chúng ta đang ở giai đoạn giữa của cuộc cách mạng 4.0. Sự lên ngôi của robot là một trong 5 xu hướng sản xuất tất yếu trong tương lai. Mặc dù những robot này hoạt động được phải có sự điều khiển của con người nhưng phần lớn lực lượng lao động sẽ làm gì và đối mặt với những thách thức nào là vấn đề cần được quan tâm.

Cuối tháng 11.2019, Công ty CP Trúc Thôn (TP Chí Linh) tổ chức khánh thành dây chuyền sản xuất gạch ốp lát granite cao cấp, công suất 4 triệu m2/năm và đưa 2 robot chuyên đóng gói, nâng đỡ sản phẩm vào hoạt động. Mặc dù ứng dụng robot chưa lâu nhưng lãnh đạo công ty này cho biết trong năm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư thêm hệ thống robot nhằm cải thiện điều kiện làm việc của người lao động và giảm số lượng công nhân.

Làm việc tại Công ty CP Trúc Thôn hơn một năm nay, anh Mạc Văn Thành ở phường Chí Minh (TP Chí Linh) luôn cảm thấy mình may mắn vì tìm được công việc phù hợp, không nặng nhọc mà thu nhập cao. Anh Thành có mức thu nhập 12 triệu đồng/tháng với nhiệm vụ chuyên đứng điều khiển máy, robot khi có sự cố xảy ra. Công việc này là niềm mơ ước của nhiều công nhân. Nhưng để được nhận vào làm việc, anh Thành phải qua vòng phỏng vấn, thử tay nghề khá ngặt nghèo.

“Công việc nhẹ nhàng nhưng đòi hỏi người lao động phải có chuyên môn về kỹ thuật sản xuất, hiểu biết công nghệ. Đặc biệt, người được tuyển dụng phải biết ngoại ngữ vì các chức năng điều khiển máy đều bằng tiếng Trung. Tôi có thời gian lao động bên Đài Loan (Trung Quốc) nên có lợi thế hơn các lao động khác”, anh Thành nói.

Trong tương lai, khi máy móc dần thay thế con người, lợi thế cạnh tranh về lao động giá rẻ của Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng trong các ngành sản xuất sẽ bị giảm sút. Vì thế, theo ông Sun Soo Kim, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Huyndai Kefico Việt Nam, để đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và công nghệ hiện đại, lao động phổ thông cần được đào tạo trình độ kỹ thuật cao hơn. Người lao động phải có chuyên môn sâu về một lĩnh vực cụ thể, khả năng vận hành và làm chủ được máy móc, công nghệ thông tin.

LAN NGUYỄN

(0) Bình luận
“Công nhân” robot