Công nghiệp khởi sắc

22/07/2020 16:05

5 năm qua, huyện Thanh Miện thực hiện nhiều biện pháp để thu hút đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp. Vì vậy, bức tranh công nghiệp của huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực.


Giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện Thanh Miện ước tăng bình quân 24%/năm trong 5 năm qua

Gỡ nút thắt giao thông

Đã có một thời gian dài, Thanh Miện được coi là "vùng trắng" trong phát triển công nghiệp của tỉnh. Huyện có rất ít doanh nghiệp (DN) hoạt động, quy mô nhỏ lẻ, giá trị sản xuất chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu do giao thông chưa thuận lợi, một số tuyến quốc lộ, đường tỉnh qua huyện nhỏ, xuống cấp, cầu yếu. 

Để khắc phục những khó khăn trên, những năm qua, huyện Thanh Miện đã kiến nghị tỉnh, các bộ, ngành trung ương quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông. Sau một thời gian, quốc lộ 38B, đường tỉnh 20, cầu Cống Neo đã được nâng cấp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh còn nâng cấp 2,75 km đường tỉnh 399 với kinh phí trên 30 tỷ đồng; thực hiện 19 dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống đường tỉnh qua địa bàn huyện, kinh phí hơn 46,2 tỷ đồng.

5 năm qua, huyện cũng đã dành nguồn kinh phí khá lớn để phát triển hạ tầng giao thông. Cụ thể, huyện đã nâng cấp, cải tạo 3,18 km đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong với tổng mức đầu tư gần 20,8 tỷ đồng. Sửa chữa đường huyện 195, đường Bình Xuyên - Ngô Quyền - Tân Trào, đường Cao Thắng - Tiền Phong với tổng chiều dài 3,9 km, kinh phí 4,35 tỷ đồng. Đến hết năm 2020, hệ thống đường huyện được cải tạo, nâng cấp dài 5,637 km, kinh phí 43,7 tỷ đồng. "Được trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư khắc phục những bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông, cùng với nguồn của huyện, hệ thống giao thông trên địa bàn đã khá đồng bộ. Đây là điều kiện rất quan trọng để huyện thu hút các DN vào đầu tư, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển", ông Bùi Trọng Thược, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Thanh Miện cho biết.

Để phát triển công nghiệp, Huyện ủy Thanh Miện đã ban hành kế hoạch "Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, khuyến khích phát triển DN vừa và nhỏ giai đoạn 2015-2020". Thực hiện kế hoạch này, huyện đã có những biện pháp mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, có cách thức thu hút đầu tư phù hợp, hiệu quả hơn. Ngoài quan tâm đến mặt bằng sạch, huyện còn đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức. Lấy sự hài lòng của người dân, DN trong giải quyết thủ tục hành chính làm thước đo để đánh giá cán bộ. Nhờ đó, đã góp phần quan trọng tạo lợi thế để cạnh tranh với các địa phương khác trong thu hút đầu tư.

Thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư

Hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, cải cách thủ tục hành chính quyết liệt, nguồn lao động khá dồi dào đã và đang giúp Thanh Miện hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dù mới được thành lập nhưng cụm công nghiệp (CCN) Đoàn Tùng II liên tục thu hút được nhiều DN đến đầu tư với một số dự án lớn như nhà máy sản xuất, gia công bao bì Packco với tổng vốn 414 tỷ đồng; nhà máy sản xuất, gia công bao bì, màng túi từ plastic với số vốn 223 tỷ đồng; nhà máy sản xuất và gia công linh, phụ kiện máy xúc với số vốn 70 tỷ đồng...

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Vietstar, do nhu cầu sản xuất tăng cao, doanh nghiệp đã đầu tư thêm nhà máy số 2 vào CCN Đoàn TùngII. Được sự quan tâm của huyện, việc giải phóng mặt bằng khá nhanh và thuận lợi. Hiện công ty đã cơ bản xây dựng xong nhà máy, chuẩn bị đưa vào hoạt động. Nhà máy số 2 của Công ty TNHH Vietstar có tổng mức đầu tư 115 tỷ đồng, sản xuất 6 triệu đôi giầy/năm, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động.

Để tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, ngoài CCN Đoàn Tùng 2, huyện Thanh Miện đã xây dựng 3CCN khác là Cao Thắng có diện tích 45,5 ha, Đoàn Tùng I rộng 35 ha, Ngũ Hùng - Thanh Giang rộng 35 ha. Đến nay, 100% diện tích ở 2 CCN Cao Thắng và Đoàn Tùng I đã được lấp đầy, còn CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang tỷ lệ lấp đầy đạt 85% diện tích. Huyện đang tiếp tục trình UBND tỉnh cho phép thành lập CCN Tứ Cường - Chi Lăng Bắc với diện tích 75 ha, hoàn thiện hồ sơ xin mở rộng CCN Cao Thắng từ 45,5 ha lên 75 ha.

5 năm qua, huyện đã thu hút được 19 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào CCN và điểm công nghiệp với tổng vốn đăng ký gần 4.300 tỷ đồng, tăng 6,3 lần về số dự án và 27,24 lần về vốn so với nhiệm kỳ trước. Năm 2020, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện ước đạt 2.165 tỷ đồng, tăng 1.426 tỷ đồng so với năm 2015, giá trị sản xuất tăng bình quân 24%/năm.

ĐỖ QUYẾT

(0) Bình luận
Công nghiệp khởi sắc