Chợ Rồng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

20/09/2019 18:35

Chợ Rồng ở xã Thanh Quang là một trong hai chợ lớn nhất huyện Nam Sách. Do chợ được xây dựng từ lâu, hiện nay đã xuống cấp nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.


Chợ Rồng xập xệ

Nhiều nỗi lo

Qua nhiều lần di chuyển địa điểm, năm 1995, chợ Rồng được xây dựng lại ở phía tây bắc của xã Thanh Quang, giáp quốc lộ 37 và khu dân cư Thanh Quang - Quốc Tuấn hiện nay. Chợ Rồng có tổng diện tích khoảng 5.000 m2 với 44 ki-ốt cố định, 2 dãy ki-ốt có mái che và 3 dãy bán hàng không có mái che. Chợ họp vào buổi sáng, hàng hóa bày bán tại đây phong phú, đa dạng như thời trang, thực phẩm tươi sống, đồ khô, các loại rau củ quả... Chợ Rồng đáp ứng nhu cầu mua bán của người dân các xã nằm ở phía bắc huyện Nam Sách và một số xã, phường phía nam TP Chí Linh.

Mặc dù là chợ lớn, thu hút nhiều người đến mua bán nhưng chợ đang bị xuống cấp và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường. Chị Lê Thị Thương bán hàng rau củ quả tại chợ hơn 20 năm nay cho biết: "Khoảng 4 năm trở lại đây, khi trời mưa to chợ lại ngập. Nhiều hôm mưa lớn, chợ ngập sâu 40 - 50 cm, chúng tôi không thể bán hàng. Người dân muốn mua đồ cũng ngại lội nước vào chợ. Mưa ngập, nước rút rất chậm, phải sau 3 - 4 tiếng tạnh mưa, nước mới rút hết, ảnh hưởng lớn tới việc mua bán của người dân".

Theo phản ánh của các tiểu thương, mỗi trận mưa, rác thải trong chợ nổi lềnh phềnh. Nước thải trong khu vệ sinh tràn ra đen kịt, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Sau khi nước rút, đất, cát, rác thải ngập chợ, các tiểu thương phải cùng nhau quét dọn mới có thể bày bán hàng. Trời nắng thì rác thải bốc mùi khiến các tiểu thương rất bức xúc.

Ngoài ngập úng, ô nhiễm môi trường, chợ Rồng còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Hệ thống phòng chống cháy nổ trong chợ rất sơ sài, chưa bảo đảm. Chợ chưa xây dựng bể chứa nước để ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố cháy nổ. Lực lượng phòng cháy, chữa cháy tại chỗ do Ban Quản lý chợ đảm nhiệm nhưng chưa được tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ. Công cụ hỗ trợ phòng chống cháy nổ ít, không đủ đáp ứng khi có sự cố xảy ra. Trong khi đó nhiều hộ kinh doanh không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống cháy nổ. Nhiều ki-ốt trong chợ vừa bán hàng hóa, vừa là nơi ăn uống, ngủ nghỉ. Trong các ki-ốt chứa nhiều hàng hóa, đặc biệt có những hàng dễ cháy như đồ mã, quần áo thời trang nhưng tiểu thương không trang bị bình chữa cháy...

Phải nâng cấp chợ

Theo ông Mạc Văn Tuyên, Trưởng Ban Quản lý chợ Rồng, từ khi xây dựng đến nay, chợ đã 2 lần được cải tạo, nâng cấp nhưng hiện nhiều hạng mục trong chợ xuống cấp, xập xệ. Tình trạng ngập úng thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng lớn đến việc mua bán của người dân. Ngoài ra, chợ không có bãi đỗ xe nên hằng ngày, người dân đến họp chợ phải gửi xe dưới lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Trước đây, khi xây dựng chợ Rồng, 3 mặt xung quanh đều là đồng ruộng nên dễ tiêu thoát nước qua hệ thống kênh dẫn ra các vùng sản xuất. Từ năm 2015, dự án khu dân cư Thanh Quang - Quốc Tuấn được triển khai đã cản trở tiêu thoát nước trong chợ. Nền của khu dân cư Thanh Quang - Quốc Tuấn được xây dựng cao hơn nền chợ Rồng từ 60 - 80 cm. Do điều kiện hạ tầng chợ Rồng không tương ứng và chưa kết nối đồng bộ với hệ thống tiêu thoát nước của khu dân cư nên chợ bị ngập úng khi trời mưa, gây ô nhiễm môi trường.

Xã Thanh Quang đang là vùng kinh tế năng động của huyện Nam Sách. Xã đặt mục tiêu phấn đấu lên đô thị loại 5 vào năm 2020 và phát triển thành thị trấn Thanh Quang vào năm 2023. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Chủ tịch UBND xã Thanh Quang cho biết chính quyền và nhân dân xã Thanh Quang xác định cải tạo, mở rộng chợ Rồng rất quan trọng, cần thiết để tạo điểm nhấn trong quá trình phát triển của xã lên đô thị loại 5 cũng như thị trấn trong tương lai. Tuy nhiên, nguồn lực địa phương còn hạn chế nên việc đầu tư cải tạo, mở rộng chợ từ nguồn ngân sách xã gặp nhiều khó khăn.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Chợ Rồng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn