Chặn chuyển nhượng bất động sản trên giấy

10/09/2020 12:05

Cùng với việc siết chặt điều kiện chuyển nhượng, UBND tỉnh đã có hướng tháo gỡ cho chủ đầu tư các dự án còn vướng trong giải phóng mặt bằng, qua đó hạn chế phần nào tình trạng mua bán đất trên giấy...


Hoàn thiện hạ tầng trước khi bán đất sẽ bảo đảm quyền lợi cho khách hàng

Thời gian qua, việc siết chặt giao dịch chuyển nhượng đất nền tại các dự án khu đô thị, khu dân cư mới đã hạn chế phần nào tình trạng mua bán đất trên giấy, góp phần lập lại trật tự thị trường bất động sản (BĐS) trên địa bàn tỉnh. 

Đặt cọc giữ chỗ

Vài năm qua, thị trường BĐS Hải Dương khá sôi động. Ông Phạm Viết Nhanh, Trưởng Phòng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Sở Xây dựng) cho biết tình trạng mua bán đất nền trên giấy diễn ra nhiều năm nay. Tình trạng trên xuất phát từ việc một số tổ chức, cá nhân mua bán, huy động vốn khi BĐS chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh để làm giá, tạo các cơn sốt ảo gây bất ổn thị trường, tiềm ẩn rủi ro cho người mua. Điều này cũng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư khi chưa có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả việc cá nhân lợi dụng quá trình huy động vốn của chủ đầu tư để làm bừa.

Nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý, chưa giải phóng mặt bằng, chưa hoàn thiện hạ tầng nhưng đã được rao bán rầm rộ. Các “cò BĐS” với nhiều chiêu trò đã nhận tiền đặt cọc giữ chỗ với số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng cho 1 lô đất. Có những dự án trên địa bàn TP Hải Dương dù mới được phê duyệt quy hoạch 1/500 nhưng đất nền đã được sang tay qua 3-4 người... Điều này dẫn đến những lộn xộn trong giao dịch BĐS và bên chịu thiệt thòi cuối cùng chính là người mua đất.

Mấy năm nay, chị Nguyễn Thị Hanh ở huyện Thanh Miện chưa biết làm thế nào để "đẩy" được lô đất chị đã mua ở Thạch Khôi (TP Hải Dương). Bỏ ra mấy trăm triệu đồng để mua đất ở đây nhưng đến nay chị chưa được nhìn thấy lô đất đó tròn méo thế nào. "Tôi mua đất dưới hình thức góp vốn, người ta đánh dấu ô đất trên bản đồ rồi viết giấy biên nhận. Mấy năm rồi nhưng đất chưa thấy đâu", chị Hanh than thở. Điều này dễ hiểu vì vị trí thực hiện dự án vẫn đang là ruộng canh tác của người dân.

Thực tế có những người bỏ ra hàng tỷ đồng mua đất nền nhưng nhiều năm vẫn chưa nhìn thấy đất của mình. Có người đã mua được đất nhưng lại không thể xây nhà vì không xin được giấy phép xây dựng do chủ đầu tư chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định. 

Siết điều kiện chuyển nhượng, gỡ vướng cho chủ đầu tư

Trước thực trạng trên, đầu năm 2019, UBND tỉnh đã đề nghị cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương không xem xét việc xác nhận hoàn thành công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án, chỉ thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu dự án khi chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm: công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt; bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, thực hiện nghĩa vụ tài chính với cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, thoát nước, thu gom nước thải… trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở. 

UBND tỉnh cũng quy định đối với các dự án, kể cả dự án có quy mô lớn nhưng không phân kỳ đầu tư theo phân khu thì chủ đầu tư phải thi công hoàn thành toàn bộ dự án mới được kiểm tra công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng, quyết toán dự án. 

Ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết bên cạnh việc siết chặt điều kiện chuyển nhượng, UBND tỉnh cũng có hướng tháo gỡ cho chủ đầu tư các dự án còn vướng trong GPMB. Đối với những dự án này, chủ đầu tư không tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ dự án được thì báo cáo UBND tỉnh, hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh xem xét, cho phép thực hiện kiểm tra công tác nghiệm thu dự án trên phần diện tích đã thi công hoàn thành (trừ phần diện tích do vướng giải phóng mặt bằng) để làm cơ sở chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng và nghiệm thu bàn giao.

 BẢO LONG

(0) Bình luận
Chặn chuyển nhượng bất động sản trên giấy