Chậm thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, vì sao?

03/05/2019 05:57

Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước chậm còn do doanh nghiệp chưa quyết liệt triển khai thực hiện.


Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương chưa hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn nhà nước năm 2018. Trong ảnh: Năm 2018, công ty thu gom rác hè phố bằng phương pháp thủ công đạt 4.748 ha.

Mặc dù đã có chủ trương, kế hoạch rõ ràng, nhưng việc cổ phần hóa (CPH) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (DN) có vốn nhà nước trong tỉnh còn rất chậm. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, việc chậm trễ còn do DN chưa quyết liệt triển khai thực hiện.

Chậm cổ phần hóa và thoái vốn

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 991/TTg-ĐMDN ngày 10.7.2017 về phê duyệt danh mục DN nhà nước hoàn thành CPH theo từng năm giai đoạn 2017 - 2020, Công ty TNHH một thành viên Giống gia súc Hải Dương (gọi tắt là Công ty Giống gia súc) phải hoàn thành CPH vào năm 2018. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã nhiều lần chỉ đạo Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh và Công ty Giống gia súc tiến hành CPH trong năm 2018, nhưng đến nay tiến độ vẫn rất chậm. Bởi vậy, đến cuối năm2018 UBND tỉnh mới ban hành được quyết định CPH và thời điểm xác định giá trị DN. Việc CPH công ty này sẽ được thực hiện theo hình thức bán một phần vốn nhà nước tại DN; Nhà nước sẽ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ. Hiện nay, Công ty Giống gia súc mới đang triển khai lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN.

Sau khi CPH, tỷ lệ vốn nhà nước tại Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương chiếm 65% tổng vốn điều lệ. Theo lộ trình thoái vốn đã được phê duyệt, công ty phải thực hiện thoái 36% vốn nhà nước trong năm 2018 và 100% vốn nhà nước còn lại vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay DN này vẫn chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn của năm 2018. Cũng theo kế hoạch thoái vốn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương phải thực hiện thoái 16% vốn nhà nước trong năm 2018 và 34,99% vốn nhà nước trong năm 2019. Đến nay, công ty chưa hoàn thành nhiệm vụ thoái vốn của năm 2018.

Năm 2018, Hải Dương phải tiến hành thoái vốn nhà nước tại 6 DN theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17.8.2017 của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, Công ty CP Truyền hình cáp Hải Dương phải thoái vốn chuyển tiếp từ kế hoạch năm 2017. Tuy nhiên, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan thường trực của Ban Đổi mới và Phát triển DN tỉnh cho biết đến hết năm 2018, toàn tỉnh mới hoàn thành kế hoạch thoái vốn tại 2 Công ty CP: Cầu đường bộ Hải Dương và Quản lý đường thủy Hải Dương. Các DN còn lại chưa hoàn thành thoái vốn theo đúng kế hoạch và sẽ phải tiếp tục thực hiện thoái vốn trong năm 2019.


​Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Đức Sáng đã yêu cầu doanh nghiệp này tích cực triển khai thoái vốn theo lộ trình 

Nhiều lý do

Về nguyên nhân chậm CPH, đại diện Công ty Giống gia súc cho biết: “Năm 2018 công ty có sự thay đổi về lãnh đạo. Hiện nay, công ty đang thiếu nhân sự, không có phó giám đốc, thiếu kế toán… Thời gian vừa qua, ngoài công tác chuẩn bị CPH, công ty còn phải thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phát sinh, ứng phó với dịch bệnh lây lan. Công ty đặt mục tiêu sẽ CPH xong trong năm 2019”.

Nguyên nhân làm chậm quá trình thoái vốn nhà nước được Công ty CP Môi trường đô thị Hải Dương trình bày trong báo cáo gửi ngành chức năng là do đơn vị tư vấn. Cụ thể, sau khi UBND tỉnh có quyết định phê duyệt lựa chọn đơn vị tư vấn và kinh phí tư vấn cung cấp dịch vụ thoái vốn nhà nước, công ty đã ký hợp đồng với Công ty Định giá và Tư vấn đầu tư quốc tế để thực hiện xác định giá trị DN, giá trị thực tế phần vốn nhà nước và giá khởi điểm đối với phần vốn nhà nước tại thời điểm ngày 30.6.2018. Nhưng công ty và đơn vị tư vấn chưa thống nhất được số liệu. Đơn vị tư vấn lúng túng, chậm trễ trong đánh giá giá trị tài sản, lợi thế quyền thuê đất trụ sở DN.

Bên cạnh những lý do chủ quan như trên thì việc chậm trễ trong thoái vốn nhà nước tại Công  ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương có nhiều nguyên nhân khách quan. Do tính chất đặc thù trong quá trình kinh doanh nên việc thoái 100% vốn nhà nước tại DN này có thể làm ảnh hưởng tới an sinh xã hội. Đơn vị là DN chủ lực phát triển cấp nước trên địa bàn tỉnh. Tỷ trọng sản lượng nước ở khu vực nông thôn hiện chiếm khoảng 70% tổng sản lượng nước của công ty. Công ty sản xuất và bán nước với giá ưu đãi cho DN cung cấp nước ở khu vực nông thôn trong tỉnh với quy mô chuỗi. Để bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là cung cấp nước sạch cho nhân dân, việc giữ lại một phần vốn nhà nước tại DN này là hết sức cần thiết. Ông Phạm Minh Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương cho biết: “Năm 2018, công ty đã báo cáo UBND tỉnh về điều chỉnh tỷ lệ thoái vốn nhà nước năm 2018 từ 36% xuống còn 29%. UBND tỉnh đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, công ty vẫn chờ văn bản chính thức của Thủ tướng. Bên cạnh đó, do giá trị tài sản của công ty lớn, được đầu tư qua nhiều thời kỳ, hơn nữa lại có sự thay đổi về chế độ chính sách nhà nước về CPH và thoái vốn nhà nước nên công ty đã xin điều chỉnh thời điểm xác định giá trị DN”.

Việc thoái vốn nhà nước và CPH là việc làm cần thiết nhằm sử dụng hiệu quả nguồn vốn, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời giúp các DN phát triển theo cơ chế thị trường. Mặc dù UBND tỉnh, Ban Đổi mới và Phát triển DN nhà nước tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN trong quá trình thực hiện CPH và thoái vốn nhưng tiến độ vẫn rất chậm. Bên cạnh những lý do khách quan, UBND tỉnh cũng đã chỉ rõ những nguyên nhân là do giám đốc các DN thuộc diện thực hiện CPH, thoái vốn nhà nước thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện; lúng túng, bị động, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc phát sinh.

PHAN ANH

(0) Bình luận
Chậm thoái vốn nhà nước khỏi doanh nghiệp, vì sao?