Cần vốn "mồi" cứng hóa đường nội đồng

27/07/2021 17:36

Mặc dù đã hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới nhưng đường nội đồng ở nhiều địa phương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất của người dân.


Đường ra đồng cần được cứng hóa để tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc vào sản xuất

Nhu cầu lớn

Khu đồng trũng thôn Văn Diệm, xã Hưng Long (Ninh Giang) giờ đây là vùng nuôi thủy sản tập trung cho giá trị cao. Chuyển từ cấy lúa sang nuôi cá đòi hỏi hạ tầng sản xuất cũng phải thay đổi. Nuôi cá quy mô lớn nên việc vận chuyển thức ăn hay thu mua cá thương phẩm đòi hỏi phải có đường cho xe ô tô chạy. Song do không được hỗ trợ đầu tư như đường thôn, xã nên việc làm đường nội đồng gặp nhiều khó khăn. Ông Phạm Đình Máng, một người ở thôn này cho biết gia đình ông đã góp hơn 20 triệu đồng để đổ bê tông đoạn đường vào khu nuôi cá. Người dân sản xuất ở vùng chuyển đổi rất mong được hỗ trợ xi măng giống như làm đường trục thôn, trục xã để đi lại thuận tiện hơn. "Bà con đã đề nghị nhiều lần nhưng đều nhận được cùng câu trả lời là tỉnh chỉ hỗ trợ cho đường trong làng. Hiện các tuyến đường thôn, xóm đều đã được cứng hóa hết thì nên chuyển tiêu chuẩn trên cho đường nội đồng, vừa giúp đỡ nông dân, vừa quy hoạch bài bản vùng sản xuất. Bởi vì người dân thấy cấp bách cũng sẽ đóng góp làm đường, tuy vậy sẽ chỉ làm chắp vá, phục vụ trước mắt chứ ít tính chuyện lâu dài", ông Máng nói.

Xã Hồng Phong (Thanh Miện) có hơn 300 ha đất nông nghiệp và chưa có vùng sản xuất tập trung. Nhằm nâng cao đời sống cho người dân, địa phương định hướng tận dụng lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy nguồn lực tại chỗ. Mặc dù vậy, nút thắt lớn nhất của xã vẫn là hạ tầng và quan trọng hơn cả là đường nội đồng. Xã mới chỉ có 30% tuyến đường nội đồng được bê tông hóa, còn lại hơn 10 km đường đủ tiêu chuẩn cứng hóa, rộng từ 2-3 m vẫn là đường đất và đang có dấu hiệu xuống cấp. Theo ông Trần Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã, giai đoạn đầu tỉnh có cơ chế hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng. Tuy nhiên, thời điểm đó địa phương chưa tiếp cận được, phần vì người dân chưa có nhu cầu, phần vì xã tập trung cho đường trong khu dân cư. Còn hiện tại, cả chính quyền và nhân dân đều mong muốn được hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng để sản xuất thuận lợi hơn. "Giờ người dân chủ yếu sử dụng máy nông nghiệp cỡ lớn nên đường đất rất bất cập. Trước đây, khi dồn điền đổi thửa, nhân dân đã hiến đất mở rộng đường. Vì thế nếu huy động quá sức dân để cứng hóa đường nội đồng không phù hợp. Do đó, thời gian tới tỉnh cần xem xét hỗ trợ xi măng cho đường nội đồng. Từ vốn mồi này nông dân sẽ hăng hái đóng góp làm đường nội đồng", ông Khỏe cho biết.

Sớm điều chỉnh cơ chế

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, hiện tỷ lệ cứng hóa đường xã, thôn của tỉnh đạt trên 97% nhưng đường nội đồng mới chỉ đạt 44%. Nguyên nhân do trong tiêu chí giao thông nông thôn mới chỉ quy định đường trục chính nội đồng bảo đảm vận chuyển hàng hóa thuận tiện quanh năm chứ không yêu cầu về cứng hóa. Mặt khác, kể từ năm 2017, sau khi cân đối nguồn lực xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã quyết định không hỗ trợ xi măng làm đường nội đồng mà tập trung đầu tư cho đường trong khu dân cư. Vì vậy, tỷ lệ cứng hóa đường nội đồng đạt thấp. Ngành nông nghiệp của tỉnh đang được phát triển theo hướng sản xuất tập trung, công nghệ cao. Do đó hạ tầng, nhất là đường giao thông cần được đầu tư đồng bộ, ăn nhập với thực tế sản xuất. Nhu cầu cứng hóa đường nội đồng rất lớn song vì thiếu cơ chế mà việc huy động nguồn lực làm đường gặp khó. Trong khi đó, hệ thống đường xã, thôn đã cơ bản hoàn thiện thì vẫn đang được áp dụng chính sách hỗ trợ xi măng. Điều này dẫn tới tình trạng nơi cần không có, nơi có không cần.

Theo lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, qua khảo sát thực tế, văn phòng nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, chính quyền cấp cơ sở về làm đường nội đồng. Hiện việc hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn vẫn là cơ chế nối dài từ giai đoạn trước. Văn phòng đang chờ hướng dẫn cụ thể từ trên để tham mưu cho tỉnh chính sách hỗ trợ làm đường phù hợp trong thời gian tới. Song các địa phương không nên quá trông chờ vào nguồn hỗ trợ mà phải tận dụng, tranh thủ mọi nguồn lực. Chỉ nên coi xi măng hỗ trợ của tỉnh là chất xúc tác, thúc đẩy phong trào làm đường nội đồng. Mặt khác, các địa phương cần tính toán việc cứng hóa đường nội đồng phù hợp, không nên lạm dụng làm ảnh hưởng tới kết cấu đồng ruộng.

DŨNG CƯỜNG

(0) Bình luận
Cần vốn "mồi" cứng hóa đường nội đồng