Cần hình thành những vùng sản xuất nông sản tập trung

12/12/2018 12:29

Sáng 12.12, các đại biểu HĐND tỉnh chia 4 tổ thảo luận.


Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu giải trình các vấn đề đại biểu nêu

Vẫn bài ca "được mùa mất giá"

Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Lê Văn Dũng (Thanh Hà) cho biết bài ca "được mùa mất giá" vẫn xảy ra đối với nông dân. Vụ vải thiều vừa qua, người trồng vải Thanh Hà chưa kịp phấn khởi khi sản lượng tăng thì giá lại liên tục sụt giảm. Đại biểu Dũng cho rằng sản phẩm nông nghiệp hiện nay làm ra chủ yếu tiêu thụ trong nước, xuất khẩu rất ít. Một số mặt hàng nông sản có chế biến nhưng số lượng nhỏ.

Góp ý vấn đề tìm đầu ra cho nông sản, đại biểu Phạm Minh Phương (Thanh Hà) cho biết mong muốn của các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đang làm ăn kinh doanh trên địa bàn tỉnh sẽ sử dụng nguyên liệu tại chỗ, để giảm chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, các nhà máy lại đang phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài. Nông dân trong tỉnh chưa sản xuất tập trung nên không cung cấp cho các nhà máy nguồn nguyên liệu lớn. Đại biểu Phương đề nghị tỉnh cần quy hoạch những vùng sản xuất tập trung để tạo ra hàng hóa lớn, cung cấp cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Bí thư Huyện ủy Thanh Hà đề nghị tỉnh đưa lễ hội hàng nông sản vào kế hoạch hằng năm để quảng bá hàng hóa của tỉnh đến người tiêu dùng. "Vải thiều Bắc Giang không thể bằng vải thiều Thanh Hà nhưng họ làm thương mại rất hiệu quả. Cứ đến mùa vải là họ sẽ tổ chức Tuần lễ vải thiều để quảng bá sản phẩm và được nhiều người biết đến", ông Tuấn nói. Ông Tuấn đề nghị tỉnh cần bố trí một nguồn kinh phí "cứng" để quảng bá những nông sản đặc sản của Hải Dương tới người tiêu dùng. 

Ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ với đại biểu Lê Văn Dũng về khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho người dân. Theo ông Phú, để giải quyết tốt đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp phải liên kết tốt giữa doanh nghiệp tiêu thụ và nông dân, mở rộng thị trường tiêu thụ. Để tạo được sự liên kết chặt chẽ bền vững cần sự vào cuộc quyết liệt của cấp huyện, cấp xã, tạo sự hài hòa giữa doanh nghiệp và người dân. "Có thể hôm nay người dân chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngày mai doanh nghiệp chia sẻ với người dân thì mới phát triển bền vững. Đã từng xuất hiện tình trạng khi giá cao thì người dân bán ra ngoài, ngược lại khi giá rẻ thì doanh nghiệp không mua của người dân", ông Phú nói.

Về vấn đề tích tụ ruộng đất, ông Phú cho biết doanh nghiệp gặp khó khăn khi tích tụ. Hiện nay, doanh nghiệp có xu hướng không thuê trực tiếp đất của nông dân mà thuê qua tỉnh, huyện hoặc các HTX để tiện cho việc giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi cho việc canh tác của họ. 

Bổ sung thêm vấn đề này, đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) cho biết hiện nay nhiều người dân đi làm công nhân khu công nghiệp, không có nhu cầu làm ruộng nhưng lại có tư tưởng "thà bỏ hoang chứ nhất định không chịu cho người khác thuê lại", đại biểu Toản nói.

Về định hướng phát triển nông nghiệp trong thời gian tới, ông Phú cho biết tập trung phát triển nông nghiệp sạch. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 200 ha rau màu trồng trong nhà màng nhà lưới, hơn 100 ha sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Đến năm 2020, tỉnh sẽ chuyển 3.000-5.000 ha từ trồng lúa sang trồng cây ràu màu cho hiệu quả kinh tế cao. "Mỗi ha trồng lúa lãi từ 60-70 triệu đồng nhưng nếu trồng rau mang lại lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng", ông Phú nói.

Về chăn nuôi, ông Phú cho biết tập trung xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, trong đó chú trọng sản phẩm đặc thù: Chí Linh chăn nuôi gà đồi... Hình thành các vùng nuôi thủy sản tập trung như nuôi cá sông trong ao, nuôi cá ao nổi. Theo ông Phú, nuôi cá sông trong ao đạt 100 tấn/ha/năm trong khi nuôi cá ao nổi năng suất gấp đôi so với nuôi truyền thống.

Lo ngại nguồn nước sinh hoạt

Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về nguồn nước phục vụ sinh hoạt của người dân, đại biểu Lê Văn Dũng cho biết tất cả nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho người dân đóng trên địa bàn huyện đều do tỉnh quản lý. Do đó, rất khó phối hợp với họ để xử lý những ý kiến của người dân nêu. Đại biểu Dũng đề nghị tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng thường xuyên lấy mẫu nước để kiểm tra nhằm bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Dũng, ông Cao Ngọc Quang, Bí thư Huyện ủy Tứ Kỳ phản ánh tình trạng nước sông nội đồng ô nhiễm đang ở mức báo động. Một số hộ dân ở Tứ Kỳ đã xây bể chứa nước mưa để ăn uống. Phần lớn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân được lấy từ sông nội đồng nên không bảo đảm chất lượng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Phú cho biết giai đoạn 1995-2015, toàn tỉnh xây được 73 nhà máy nước sạch ở khu vực nông thôn. Trong đó có 27 nhà máy sử dụng nguồn nước sông nội đồng. Đến nay, đã có 20 trong số 27 nhà máy lấy nước sông nội đồng chuyển làm trạm trung chuyển.  Còn 7 nhà máy ở các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc và Thanh Hà. Đầu năm 2019, tỉnh sẽ chuyển 3 nhà máy ra sử dụng nước sông ngoài hoặc làm trạm trung chuyển nước từ Công ty CP Kinh doanh nước sạch Hải Dương để cấp cho người dân. Mỗi tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều lấy mẫu nước để kiểm tra. Về cơ bản, các mẫu nước được lấy đều bảo đảm chất lượng. 

Buổi chiều, HĐND tỉnh tiếp tục làm việc.

NHÓM PV

(0) Bình luận
Cần hình thành những vùng sản xuất nông sản tập trung