Bình Giang: Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

05/07/2019 09:49

Sau dồn điền, đổi thửa, Bình Giang đã hình thành những cánh đồng lớn, tạo điều kiện thuận lợi phát triển sản xuất, nhưng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở đây vẫn rất khó khăn.


Mô hình nuôi thủy sản tập trung mang lại hiệu quả cho nông dân xã Hùng Thắng

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt

Sau Đại hội Đảng bộ huyện Bình Giang lần thứ 27 (nhiệm kỳ 2015-2020), huyệnđã xây dựng Đề án “Tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2016- 2020”. Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, Bình Giang sẽ chuyển 526 ha đất lúa sang 300 ha đất chuyên trồng rau màu, 100 ha trồng cây ăn quả, 126 ha nuôi thủy sản.

Thực hiện đề án, huyện đã xây dựng một số mô hình trồng rau màu tập trung như vùng ngô nếp tại xã Cổ Bì, vùng bí xanh và rau tại các xã Tráng Liệt, Hùng Thắng, hay mô hình sản xuất rau an toàn, rau sạch tại các xã Hùng Thắng, Vĩnh Tuy, nhưng các mô hình trên cũng khó nhân rộng.

Từ năm 2016 đến nay, địa phương chưa xây dựng được mô hình trồng cây ăn quả nào có diện tích trên 5 ha từ đất lúa. Một số mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao chủ yếu trên cơ sở quỹ đất trồng cây lâu năm đã có hoặc chuyển đổi các vườn tạp, vườn cây ăn quả kém hiệu quả. Đó là các mô hình: trồng cam Vinh, cam đường canh tại các xã Nhân Quyền, Cổ Bì; trồng chuối tây ở các xã Hùng Thắng, Hồng Khê; trồng ổi tại các xã Tân Hồng, Thái Dương.

Giai đoạn đầu nhiệm kỳ, huyện đã phê duyệt chuyển đổi gần 20 ha đất lúa sang mô hình phát triển trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng. Từ năm 2016, hình thành 1 vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô trên 15 ha tại thôn Nhân Kiệt, xã Hùng Thắng. Gần 3 năm qua, vẫn chưa có thêm vùng nuôi thủy sản tập trung mới.

Đến nay Bình Giang mới chuyển được 85 ha diện tích lúa sang trồng cây rau màu (đạt 28,3% kế hoạch); gần 20 ha sang nuôi thủy sản (đạt 15,8% kế hoạch) và vẫn chưa chuyển được diện tích đất lúa nào sang trồng cây ăn quả. Trong 2 năm 2019 - 2020, huyện cần chuyển đổi tổng số hơn 421 ha đất lúa nữa mới đạt chỉ tiêu đặt ra.

Từng bước gỡ khó

Bình Giang đã đạt được những kết quả khả quan trong gieo cấy lúa. Các cánh đồng mẫu lớn, vùng lúa chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng đã được triển khai hiệu quả ở nhiều nơi. Song so với nhiều cây trồng khác, cây lúa mang lại hiệu quả kinh tế thấp hơn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở huyện Bình Giang vẫn chậm và chưa vững chắc. Nhiều mô hình rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi chuyển đổi nhỏ lẻ, phân tán. Huyện chưa xây dựng được vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, vùng chăn nuôi tập trung. Các sản phẩm nông nghiệp chất lượng chưa đồng đều, chưa có sản phẩm nông nghiệp nào bảo đảm các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, sạch phục vụ cho siêu thị hoặc xuất khẩu. Việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa cao…

Để đạt chỉ tiêu về chuyển đất lúa sang trồng cây ăn quả, trước mắt huyện tập trung vào các cây dễ canh tác như ổi, mít, nhãn, cam, bưởi. Sau đó áp dụng công nghệ, tạo ra các sản phẩm chất lượng. Đối với rau màu cũng tập trung vào những loại cây dễ trồng, có hiệu quả kinh tế cao trước như ngô nếp, dưa chuột, dưa lê, rau các loại, sau đó xây dựng các vùng chuyên canh có giá trị kinh tế cao như khoai tây, cà, dưa hấu...

Riêng chỉ tiêu chuyển đất lúa sang nuôi thủy sản, địa phương còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo ông Trần Văn Chuyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiều người dân trong huyện có nhu cầu xây dựng mô hình trang trại tổng hợp làm vườn, ao, chuồng nhưng lại vướng quy định về sử dụng đất lúa nên chuyển đổi, mở rộng sản xuất gặp khó khăn.

Nghị định 35/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất lúa quy định: Trường hợp trồng lúa đồng thời kết hợp với nuôi thủy sản, cho phép sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng cho nuôi thủy sản nhưng phục hồi lại được mặt bằng khi chuyển trở lại để trồng lúa. Theo quy định, diện tích được đào ao dưới 20% tổng diện tích chuyển đổi, ao đào không sâu quá 1,2 m. Đây là yêu cầu không sát với thực tế bởi điều kiện nuôi thủy sản khác so với cấy lúa. Hơn nữa, việc không quy định rõ phạm vi nên không có căn cứ xác định diện tích nuôi thủy sản.

Trước những khó khăn trên, huyện Bình Giang đã đề nghị với cấp trên có văn bản hướng dẫn chi tiết để địa phương căn cứ thực hiện phân vùng chuyển đổi, chủ động trong quy hoạch vùng sản xuất, hướng dẫn người dân chuyển sang các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Huyện cũng chú trọng xây dựng chuỗi liên kết, hỗ trợ nông dân trong tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm, tạo điều kiện để nông nghiệp Bình Giang bứt phá

HÀ NGA

(0) Bình luận
Bình Giang: Khó khăn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi