Bảo tồn động vật hoang dã

29/11/2020 10:25

Thời gian qua, ở Hải Dương, nhiều động vật hoang dã đã được lực lượng chức năng cứu hộ và bàn giao lại cho các trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc.


Các chuyên gia gây mê và khám sức khỏe cho gấu trước khi chuyển về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình 

Thay đổi nhận thức

Để việc quản lý động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa, từ đầu năm 2020 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các ngành, các cấp, người dân chủ động áp dụng các biện pháp bảo vệ các loài động vật. Nổi bật là Chỉ thị 14/CT-UBND ngày 27.8.2020 về quản lý ĐVHD trên địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu dừng ngay việc nhập khẩu ĐVHD còn sống hay đã chết, bộ phận, dẫn xuất của các loài ĐVHD đến khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Nghiêm cấm và kiên quyết loại bỏ các khu vực chợ, tụ điểm mua bán ĐVHD. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật cho cán bộ và nhân dân về bảo vệ ĐVHD, nhất là các loài quý hiếm. UBND tỉnh cũng yêu cầu các ngành nông nghiệp, Công an tỉnh kiểm tra các cơ sở nuôi ĐVHD, lập cơ sở dữ liệu đối với các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng ĐVHD thuộc loại nguy cấp, quý hiếm vì mục đích thương mại để theo dõi, giám sát. Tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn phát hiện kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm. Ông Nguyễn Văn Bàn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm cho biết: "Sau khi có Chỉ thị 14, nhận thức về việc bảo vệ ĐVHD trên địa bàn tỉnh đã thay đổi đáng kể, người dân, các cấp chính quyền đã quan tâm hơn nữa đến vấn đề này".

Trước đây, một số địa phương không có rừng đều cho rằng họ không phải thực hiện Luật Lâm nghiệp, nhưng sau khi có Chỉ thị 14, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền đã thay đổi. Việc bảo vệ ĐVHD không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, bảo vệ, nuôi dưỡng ĐVHD mà còn là việc phát triển và tăng cường hợp tác thuộc lĩnh vực này. Nhận thức của người dân về các quy định bảo vệ ĐVHD có chuyển biến. 

Đáng kể nhất là việc bảo vệ đàn cò, vạc ở xã Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Đây là khu vực có hệ sinh thái đa dạng, phong phú với hơn 45 loài, trong đó có hơn 10 bộ cò lên đến hàng vạn con. Mặc dù người dân nơi đây đều có ý thức bảo vệ đàn cò nhưng sau khi được tập huấn mới đây, hiểu biết của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Người dân đã phân biệt được các loài cò, vạc thuộc động vật quý hiếm nhóm IB. Nếu săn bắt, tiêu thụ nhóm động vật này sẽ bị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Cứu hộ động vật hoang dã

Nhờ tăng cường quản lý và người dân thay đổi nhận thức nên chỉ trong thời gian ngắn, nhiều ĐVHD đã được người dân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước. Vào đầu tháng 10 vừa qua, Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương phối hợp với Trung tâm Giáo dục thiên nhiên bàn giao một con gấu bị nuôi nhốt nhiều năm cho Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình thuộc Tổ chức Four Paws. Đây là con gấu đầu tiên trong tỉnh được bàn giao cho tổ chức cứu hộ sau 15 năm bị nuôi nhốt. Gấu được hộ ông Lê Anh Tuấn ở thị trấn Ninh Giang nuôi từ năm 2005 và được Hạt Kiểm lâm TP Hải Dương gắn chip theo dõi từ năm 2006 đến nay. Tại buổi tiếp nhận, các chuyên gia đã gây mê và kiểm tra sức khỏe cho gấu trước khi đưa về Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình. "Trước đây, tôi nuôi gấu để lấy mật. Từ khi bị cấm, tôi chuyển sang nuôi làm cảnh. Chi phí nuôi gấu khá tốn kém nên sau nhiều lần được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vận động, tôi đã giao nộp gấu cho cơ sở có đủ điều kiện để gấu được chăm sóc tốt hơn", ông Lê Anh Tuấn chia sẻ.

Chỉ vài ngày sau đó, 2 cá thể gấu nuôi nhốt của ông Phạm Văn Chung ở khu dân cư La Văn Cầu, thị trấn Nam Sách tiếp tục được bàn giao cho Trung tâm Cứu hộ ĐVHD. Trước đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh còn vận động 1 hộ dân ở xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang) tự nguyện giao nộp 6 con kỳ đà vân là loại ĐVHD quý hiếm, cần được ưu tiên bảo vệ thuộc nhóm IB. 

Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên cho biết: "Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng kiểm lâm của tỉnh đã vận động thành công người dân tự nguyện giao nộp nhiều ĐVHD thuộc nhóm quý hiếm. Kết quả này rất đáng ghi nhận. Đặc biệt là các cá thể gấu bị nuôi nhốt. Gấu sau khi được cứu hộ về sẽ được cách ly và chăm sóc sức khỏe. Sau đó sẽ được thả về môi trường bán hoang dã nhằm giúp gấu phục hồi tập tính tự nhiên và được hưởng cuộc sống phù hợp với loài sau nhiều năm bị nuôi nhốt. Nhờ đó, góp phần chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật và bảo vệ quần thể gấu trong tự nhiên".

Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện còn 2 con gấu bị nuôi nhốt trong dân ở huyện Tứ Kỳ và TP Hải Dương. Đây là loài vật quý hiếm nằm trong Sách đỏ, nguy cấp thuộc nhóm IB cần được chăm sóc, bảo tồn nghiêm ngặt. Mọi hành vi săn bắn, mua bán, giết mổ, vận chuyển, quảng cáo, nuôi nhốt, chích hút mật, sử dụng mật, xuất nhập khẩu trái phép đều bị xử lý nghiêm, kể cả xử lý về mặt hình sự. Thời gian tới, lực lượng kiểm lâm tiếp tục vận động để người dân tự giác giao nộp cho các trung tâm cứu hộ ĐVHD. 

NGỌC TRẦN

(0) Bình luận
Bảo tồn động vật hoang dã