Bán hàng trả góp tràn về nông thôn

29/05/2019 18:50

Hình thức bán hàng trả góp đã len lỏi, phát triển mạnh về các vùng nông thôn. Nếu không cẩn thận, người tiêu dùng dễ bị sập bẫy lãi suất cao ngất ngưởng.


Hiện nay, hình thức bán hàng trả góp được nhiều cửa hàng, siêu thị ở nông thôn thực hiện

Bùng nổ

Nhân dịp sinh nhật bạn gái, anh Nguyễn Văn T. ở xã Đồng Quang (Gia Lộc) mua chiếc điện thoại Samsung Galaxy S10 Plus 128 GB màu trắng với giá gần 23 triệu đồng bằng hình thức trả góp. Anh T. cho biết hiện nay không nhất thiết phải lên thành phố mới mua được hàng trả góp mà ngay tại các cửa hàng kinh doanh điện máy ở quê mua hàng trả góp cũng khá dễ dàng. Khách hàng chỉ cần có giấy chứng minh nhân dân hoặc bất cứ giấy tờ tùy thân nào cũng có thể mua được hàng trả góp với lãi suất 0% trong vòng từ 2-4 tháng. “Ở quê bây giờ hình thức bán hàng trả góp không chỉ áp dụng cho điện thoại di động, máy tính mà mua xe máy hay bất cứ mặt hàng nào có giá trị nhưng chưa có đủ tiền ngay đều có thể trả góp được”, anh T. nói.

Nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân nông thôn ngày càng cao. Để kích cầu kinh doanh tại thị trường này, không ít các doanh nghiệp đã liên kết với một số tổ chức tài chính thực hiện chương trình cho vay trả góp. Các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực mua bán hàng trả góp xuất hiện ngày càng nhiều như: Home Credit (PPF), FE Credit, VP Bank, HD Bank... Phần lớn các gói cho vay mua hàng trả góp đều được quảng cáo là cho vay với lãi suất thấp, ưu đãi, thậm chí là có những sản phẩm được cho vay với mức lãi suất 0%. Khách hàng chỉ cần trả trước khoảng từ 10-40% giá sản phẩm và có thể lựa chọn thời gian trả góp số tiền còn lại trong vòng 6 tháng, 9 tháng hoặc 12 tháng.

Nắm bắt được tâm lý của người tiêu dùng nông thôn, thủ tục mua hàng trả góp được các cửa hàng thực hiện khá đơn giản, nhanh gọn. Chỉ trong thời gian khoảng 20-30 phút, khách hàng hoàn toàn có thể mua được sản phẩm dưới 10 triệu đồng và 1 giờ với khoản vay hơn 10 triệu đồng. “Tôi thấy bây giờ ở quê cửa hàng kinh doanh điện tử nào cũng treo biển khuyến mãi khi mua hàng trả góp với những lời chào mời hấp dẫn. Thậm chí họ còn vào tận xóm tôi để phát tờ rơi giới thiệu về hình thức mua hàng trả góp với lãi suất ưu đãi”, bà Phạm Thị Hòa ở xã Tân An (Thanh Hà) nói.

Coi chừng sập bẫy

Không ít người tiêu dùng ở các thành phố đã “ngậm quả đắng” vì phải trả lãi suất cao khi mua hàng trả góp thì nay đến lượt nhiều người dân nông thôn.

Vì không có tiền trả một lần nên chị Phạm Thị Tươi ở xã Phạm Kha (Gia Lộc) được nhân viên một cửa hàng xe máy ở thị trấn Thanh Miện giới thiệu hình thức mua hàng trả góp. Lúc đó chị chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số tiền lãi phải trả mỗi tháng nên đã ký hợp đồng mua hàng trả góp chiếc xe có giá hơn 40 triệu đồng. Chị Tươi trả trước 18 triệu đồng và trả góp số tiền còn lại hơn 22 triệu đồng trong vòng 12 tháng. Với mức lãi suất đưa ra, trong vòng 12 tháng chị Tươi phải trả cho cửa hàng tổng cộng hơn 26 triệu đồng, tương đương với mức lãi suất hơn 23%/năm. “Tính ra mức lãi suất này không thấp như ban đầu tôi tưởng, thậm chí còn cao hơn nhiều so với vay ở các ngân hàng thương mại để mua hàng”, chị Tươi nói.

Mua hàng trả góp là hình thức giúp người tiêu dùng chưa đủ tiền mà vẫn có được sản phẩm mình muốn thông qua hình thức trả tiền dần hằng tháng. Bán hàng trả góp là hình thức kinh doanh hợp pháp nhưng nhiều cửa hàng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân ở nông thôn nên đã tư vấn không đầy đủ về mức lãi suất vay, lãi phạt... làm cho người mua không biết chính xác về nghĩa vụ của mình, dẫn tới thực hiện sai hợp đồng và phát sinh khoản tiền phạt khá cao. Thậm chí để trả gốc và lãi của món hàng trả góp, không ít người tiêu dùng ở nông thôn tìm đến "tín dụng đen" và lại dính vào bẫy lãi suất cao chất ngất của hình thức vay này.

Vì vậy trước khi quyết định mua, người tiêu dùng cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp cũng như tổng số tiền phải trả. Nhất là cần đọc thật kỹ hợp đồng, quan tâm đến từng điều khoản để yêu cầu công ty bán hàng điều chỉnh hoặc yêu cầu nhân viên tư vấn giải thích rõ, tránh tình trạng phải trả giá quá cao so với giá trị thực tế của sản phẩm. Ngân hàng Nhà nước tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát; khuyến khích các ngân hàng thương mại tích cực phát triển hình thức cho vay tiêu dùng ở nông thôn, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn, giúp người tiêu dùng tránh mắc bẫy bán hàng trả góp lãi suất cao.

HẢI MINH

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), gần đây, nhiều đơn vị cho vay kết hợp với đơn vị bán hàng triển khai cho vay trả góp lãi suất 0%. Hình thức này có nhiều ưu điểm nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu người dùng không được cảnh báo, cung cấp đầy đủ thông tin. Người tiêu dùng thường không nhận định đầy đủ về tổng giá trị khoản vay, các điều khoản đi kèm vì chỉ tập trung vào mức tiền phải trả góp hằng tháng. Vì vậy dễ quyết định vay tiền mua sắm. Đến khi xảy ra tranh chấp, khách hàng mới nhận ra những bất cập của khoản vay với năng lực tài chính. Đầu tháng 5 vừa qua, đơn vị này cũng đã đề nghị các địa phương kiểm tra, rà soát, đánh giá lại hình thức bán hàng trả góp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn.
(0) Bình luận
Bán hàng trả góp tràn về nông thôn