Kình ngư khiếm thị

09/08/2020 14:45

Anh Phạm Anh Tú là hội viên đầu tiên của Hội Người mù tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.


Kình ngư Phạm Anh Tú dũng mãnh trên các đường đua xanh

Hằng ngày, ở Hội Người mù tỉnh, anh Phạm Anh Tú, sinh năm 1990, ở thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) vẫn làm nghề tẩm quất cổ truyền. Dù đôi mắt không thấy, nhưng đôi tay anh lại rất nhuần nhuyễn, giống như lúc sải tay anh chinh phục trên các đường đua xanh.

Nghèo đôi con mắt

Gặp anh Tú lần đầu, ít ai nghĩ đó là người đã phá vỡ và nắm giữ kỷ lục Đại hội Thể thao người khuyết tật khu vực Đông Nam Á (ASEAN Para Games) ở nội dung bơi tự do 400 m từ năm 2015 cho đến nay. Con đường trở thành nhà vô địch của anh đã phải bước qua không ít chông gai.

Làm việc chuyên nghiệp, tận tâm nên anh Tú có rất nhiều khách quen. Hết khách này đến khách khác tới khiến anh không có cả thời gian nghỉ ngơi, uống nước. Mãi mới vắng khách, ngồi nghỉ ở chiếc ghế đá mòn cũ, giống như hầu hết cơ sở vật chất tại Hội Người mù tỉnh, anh mới có thời gian chia sẻ với tôi về cuộc đời mình.

Anh sinh ra trong gia đình nhiều năm là hộ nghèo. Bố Tú mắt kém nhưng mẹ vẫn chấp nhận thiệt thòi, cùng nhau gây dựng cuộc sống với hy vọng về những đứa con. Nhưng éo le thay, cả ba chị em Tú đều khiếm khuyết tài sản quý giá nhất là đôi mắt, sinh ra đã nhìn kém, thị lực chỉ đạt khoảng 2/10. Cả nhà có 5 người thì 4 người khiếm thị nên hoàn cảnh vô cùng thiếu thốn. "Tôi nhớ hồi bé chỉ mong đến mùa gặt để được ăn cơm không phải độn ngô, khoai. Bữa cơm thường chỉ có cà muối, rau muống luộc chấm mắm cáy", anh hồi tưởng về tuổi thơ khốn khó của mình.

Dù trước mắt luôn là một làn sương mờ ảo, nhưng từ bé Tú đã biết giúp đỡ bố mẹ, sáng học, chiều đi đánh giậm, bắt cá ở các ao chuôm của làng. Sau mỗi buổi bắt cua, bắt cáy, Tú thích nhất được vẫy vùng trong làn nước của dòng sông Thái Bình xanh mát, nhờ vậy anh sớm biết bơi thành thạo. Đến năm 12 tuổi, mắt mờ dần, nhiều lúc đi gặt, chăn trâu, Tú thấy khoảng sáng trước mắt dần thu hẹp. Đi khám mới biết anh bị bệnh bong võng mạc, gia đình không đủ điều kiện chữa trị, một thời gian sau Tú mù hoàn toàn giống như người anh ruột của mình. Tú thu mình ở nhà, chỉ cần thoáng nghe thấy chữ "mù" là có thể buồn tủi nhiều ngày. 

Cuộc đời anh sang trang mới khi được giới thiệu đi học tại Trung tâm Phục hồi chức năng, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho người mù tỉnh tại TP Hải Dương. Đi học với những người cùng cảnh, anh đã bớt tự ti, tìm thấy niềm vui trong học tập và cuộc sống.

Niềm vui chưa dừng lại, năm2006, Trung tâm Thể thao dưới nước tỉnh đã luyện tập cho 24học sinh khiếm thị tại Hội Người mù tỉnh, trong đó có Tú để chọn lọc nhân tài chuẩn bị thi đấu tại Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc diễn ra năm 2007 ở Huế.


Chị Nhung là hậu phương vững chắc nhất của nhà vô địch Phạm Anh Tú

Bền bỉ

Đi tập bơi, anh như được trở lại tuổi thơ từng thỏa sức vẫy vùng bên dòng Thái Bình xanh mát. Trước khi xuống nước, huấn luyện viên hướng dẫn Tú và các bạn rèn luyện thể lực, tập những kỹ năng cơ bản nhất của môn bơi lội như kỹ thuật thở trong từng kiểu bơi, kết hợp chân tay, xác định hướng bơi... Với những học sinh không nhìn thấy như Tú, thầy cô hướng dẫn bằng cách "cầm tay chỉ việc". Dưới sự tận tình hướng dẫn của các huấn luyện viên (HLV), Tú đã cố gắng dùng trí tưởng tượng phác họa hình ảnh trong đầu để ghi nhớ và tập đi tập lại nhiều lần.

Tú kể đã có lần tưởng như phải dừng lại, nhưng lại nghĩ bơi lội sẽ là con đường duy nhất để thể hiện bản thân nên mọi sự mệt mỏi, khó khăn đều bị gạt sang một bên để anh bước tiếp. Anh vẫn nhớ những buổi rèn luyện thể lực mệt nhoài phải tập cơ tay, gập bụng, chống đẩy, tập chạy... "Nhiều hôm về đến nhà là mệt lả. Thế nhưng chỉ cần nghĩ đến lúc được ra bể bơi vùng vẫy là tôi thấy hạnh phúc vì người khiếm thị như chúng tôi ít có cơ hội được tập luyện và hòa nhập với cộng đồng. Khi nản vì chông gai nhiều quá, tôi thường tự động viên rằng mình thiếu đôi mắt dẫn đường thì bù lại có cơ thể khỏe mạnh và ý chí vươn lên", anh chia sẻ.

Nhờ những nỗ lực đó, năm 2007, Tú trở thành 1 trong 5 vận động viên được chọn ra từ 24 học sinh khiếm thị để tập huấn thi đấu cho các giải thể thao dành cho người khuyết tật trong và ngoài nước. Không nhìn thấy đường bơi nên Tú tập bơi ở làn trong cùng của bể. Ngày đó cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa có phao phân làn, các HLV phải dùng dây cước để phân làn bể bơi đã khiến anh nhiều lần bị cọ vai, cánh tay và đụng đầu vào thành bể. Vết thương nhỏ nhưng rất xót, có khi chảy máu. Sau mỗi ngày tập luyện, anh phải dán băng, chưa kịp lành thì hôm sau lại tập và thêm những vết thương mới. Có khi đến hết giải đấu những vết xước mới lành.

Nhà vô địch

Từ khi được chọn vào đội tuyển, anh Tú đã được các HLV định hướng tập trọng tâm vào môn bơi tự do vì anh có sải tay dài, người thẳng và sức mạnh.

Năm 2007, anh Tú được chọn vào Đội tuyển bơi người khuyết tật tỉnh tham gia Hội thi thể thao người khuyết tật toàn quốc ở Huế. Anh đạt thành tích cao nhất ở 2nội dung bơi tự do cự ly 50 m với thời gian 34 giây và 100 m với thời gian 1 phút 22 giây. "Tôi nhớ như in lúc được xướng tên lên nhận 2 huy chương vàng, cảm thấy mình như phát sốt, vừa bất ngờ, vừa tự hào vì lần đầu thi đấu ở cấp quốc gia đã đoạt thành tích cao. Cả đêm hôm trước tôi không ngủ được vì hồi hộp", anh Tú nhớ lại.

Sau khi tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc đầu tiên, anh nhiều lần tham gia các giải toàn quốc, khu vực Đông Nam Á và đạt nhiều thành tích. Thành tích cao nhất của anh là lần tham gia Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) 2015 tại Singapore. Tại giải này, anh đoạt huy chương vàng với thành tích 5 phút 37 giây ở nội dung bơi tự do cự ly 400 m, phá kỷ lục, nhanh hơn 11 giây so với kỷ lục cũ. Kết thúc đại hội, anh Tú nhận 3 huy chương vàng ở các nội dung bơi tự do cự ly 50 m, 100 m, 400 m và 1 huy chương đồng ở nội dung bơi ếch cự ly 100 m.

ASEAN Para Games năm 2017 không có nội dung bơi tự do cự ly 400 m và ASEAN Para Games2019 bị hoãn, vì vậy đến nay anh Tú vẫn là nhà vô địch ở nội dung này. Anh Tú đã góp 3 huy chương vàng vào thành tích chung 48 huy chương vàng của đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. "Khi Quốc ca được cất lên, lúc đứng lên bục vinh quang, tôi thấy rưng rưng xúc động, thầm nghĩ mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc", nhà vô địch bồi hồi nhớ lại. Thành tích này giúp anh Tú vinh dự trở thành người đầu tiên trong toàn thể hơn 3.000 hội viên của Hội Người mù tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba.

Từ năm 2007 đến nay, anh Tú đã 16 lần tham dự các Đại hội thể thao dành cho người khuyết tật toàn quốc và khu vực Đông Nam Á, giành tổng cộng 35 huy chương, trong đó có 26 huy chương vàng, 5huy chương bạc và 4 huy chương đồng. HLV Lưu Văn Khả, người thầy đồng hành với anh nhiều năm qua nhận xét: "Tú luôn chủ động, không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ HLV giao. Không có ý chí hơn người khó có thể làm được như vậy".

Bước ra khỏi vinh quang của những chiếc huy chương, anh trở lại là một chàng trai khiếm thị với khát khao xây dựng hạnh phúc của riêng mình. Sau khi kết thúc bậc học THPT, anh Tú làm việc tại cơ sở tẩm quất cổ truyền của Hội Người mù tỉnh. Năm 2015, anh kết hôn với chị Lý Thị Nhung (sinh năm 1989) cũng là người khiếm thị, quê ở tỉnh Lạng Sơn. Anh chị đã chung tay gây dựng một mái ấm hạnh phúc và có một cậu con trai kháu khỉnh, sức khỏe và đôi mắt hoàn toàn bình thường. Hiện nay vợ chồng anh Tú ở nhờ một căn phòng tại trụ sở Hội Người mù tỉnh làm nghề tẩm quất mưu sinh. Con trai anh chị hiện ở quê cùng với ông bà nội.

“Tôi muốn con có một tuổi thơ bình thường như tôi đã trải qua trước kia, được la cà trên đồng ruộng, tắm sông, chơi các trò chơi dân gian với bạn bè. Nếu có một điều ước, tôi chỉ ước một lần được sáng mắt để nhìn thấy con trai, vợ, bố mẹ và tất cả người thân trong gia đình mình”, anh Tú trải lòng.

Anh Phạm Anh Tú đã bằng nỗ lực của mình để chinh phục đỉnh cao thể thao khuyết tật, đem lại vinh quang cho Tổ quốc và dày thêm thành tích thể thao Hải Dương. Cuộc đời nhà vô địch bình dị ấy giống như những đóa hoa, dù cho đối diện nghịch cảnh thế nào vẫn vươn cao khoe sắc và tỏa hương rực rỡ.  

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Kình ngư khiếm thị