Kinh nghiệm từ Ninh Giang

16/09/2015 08:23

Cấp ủy, chính quyền chỉ đạo sát sao, tổ chức làm điểm để rút kinh nghiệm, quá trình thực hiện cần công khai, dân chủ là những kinh nghiệm trong xử lý đất dôi dư ở Ninh Giang.



Công trình trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Văn Giang được đầu tư một phần từ kinh phí xử lý đất dôi dư


Tạo vốn phát triển

Hiện nay, huyện Ninh Giang là điển hình trong xử lý đất dôi dư (XLĐDD). Cách thức XLĐDD là công nhận quyền sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) ở cho hộ dân. Triển khai thực hiện việc này từ cuối năm 2013 đến hết tháng 8-2015, toàn huyện đã có 454 hộ dân được công nhận QSDĐ ở với diện tích hơn 4,6 ha, tổng số tiền các hộ phải nộp vào ngân sách 46,7 tỷ đồng. Các xã điển hình về XLĐDD là Hiệp Lực, Văn Giang, Ninh Thành, Hồng Phong, Kiến Quốc, Vạn Phúc. Từ nay đến cuối năm, huyện sẽ tiếp tục thẩm định, xét duyệt 618 hộ đề nghị XLĐDD với diện tích 6,7 ha. Nguồn thu từ XLĐDD giúp nhiều địa phương xây dựng công trình phúc lợi công cộng, xây dựng nông thôn mới, trả nợ công, góp phần đẩy mạnh tiến độ cấp QSDĐ cho người dân.

Từ quá trình XLĐDD ở huyện Ninh Giang có thể rút ra một số kinh nghiệm. Trước hết, việc XLĐDD cần có sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương. Huyện Ninh Giang xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để XLĐDD căn cứ theo nhu cầu từ thực tiễn. Từ cuối năm 2013, khi tỉnh chưa có hướng dẫn XLĐDD nhưng huyện Ninh Giang đã chủ động thực hiện. Việc XLĐDD được Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất, cho chủ trương để UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện triển khai. Huyện cũng thành lập tổ chuyên môn gồm đại diện các phòng: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế - Hạ tầng, Chi cục Thuế và một số cơ quan liên quan. UBND huyện sớm ban hành kế hoạch và hướng dẫn về trình tự, thủ tục XLĐDD rất cụ thể, chi tiết, đúng quy định.

Ở cấp xã, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch XLĐDD để xin ý kiến của Đảng ủy, Thường trực HĐND. Sau khi Đảng ủy, Thường trực HĐND xã thống nhất chủ trương, trên cơ sở kế hoạch của UBND huyện, UBND cấp xã xây dựng kế hoạch chi tiết; thành lập hoặc kiện toàn Hội đồng Đăng ký đất đai. Hội đồng này do Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND làm Phó Chủ tịch hội đồng, cán bộ địa chính - xây dựng và cán bộ liên quan, trưởng thôn (khu dân cư), đại diện Ủy ban MTTQ, Hội Nông dân làm ủy viên. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền cũng thể hiện rõ khi tổ chức tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi tới người dân và chỉ đạo giải quyết các thủ tục, hồ sơ được nhanh chóng, thuận tiện.

Xã Hiệp Lực là địa phương tích cực XLĐDD. Theo lãnh đạo UBND xã, từ cuối năm 2013 đến nay, xã đã hoàn thành XLĐDD công nhận QSDĐ cho 111 hộ dân với tổng diện tích hơn 1,5 ha. Kinh phí thu tiền XLĐDD là 10,7 tỷ đồng. Hiện nay, xã đã hoàn thiện hồ sơ đối với 36 trường hợp tiếp theo với diện tích đất dôi dư cần xử lý 5.700 m2, dự kiến tiền sử dụng đất có khả năng thu được 2,5 - 3 tỷ đồng. Từ số tiền thu do XLĐDD, xã Hiệp Lực đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho Trường Tiểu học và đang xây dựng trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã.

Ông Nguyễn Xuân Chiên, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết sau khi huyện ban hành kế hoạch XLĐDD, UBND xã tham mưu cho Đảng ủy, HĐND có nghị quyết về việc này. Sau đó xã thành lập Ban Chỉ đạo, Hội đồng XLĐDD, tổ giúp việc để thực hiện. Cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền nội dung này ở các hội nghị, trên hệ thống thông tin đại chúng, vừa tuyên truyền diện rộng, vừa tăng cường tuyên truyền trực tiếp tới các hộ cần XLĐDD. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan liên quan ở cấp huyện tích cực hướng dẫn xã về trình tự, thủ tục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sau khi xã chuyển hồ sơ lên huyện, các cơ quan của huyện xử lý thủ tục nhanh, gọn, chỉ sau 1 tháng các hộ dân thực hiện nghĩa vụ tài chính là cấp giấy chứng nhận QSDĐ.



Nhiều hộ ở thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực có đất dôi dư ven đường đã được xử lý, công nhận quyền sử dụng đất


Giải quyết việc chậm nộp tiền sử dụng đất

Đất dôi dư là diện tích đất nằm trong cùng thửa đất có nhà ở của hộ dân, cá nhân đang sử dụng nằm trong ranh giới khu dân cư theo quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phần diện tích đất này không nằm trong giấy tờ về QSDĐ theo quy định tại điều 50 Luật Đất đai năm 2003, chưa được Nhà nước công nhận QSDĐ và không thuộc điểm a, khoản 2, điều 18, Nghị định 84/2007/NĐ-CP ngày 25-5-2007 của Chính phủ. Việc XLĐDD rất phức tạp vì đây chủ yếu là đất lấn chiếm. Do vậy để thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, huyện Ninh Giang đã tổ chức làm điểm ở 2 xã Hiệp Lực, Văn Giang để rút kinh nghiệm cho các xã khác. Theo ông Hà Minh Quang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, kinh nghiệm ở 2 xã làm điểm cho thấy muốn làm tốt việc XLĐDD, huyện cần tập trung chỉ đạo, xã cần có nghị quyết chuyên đề để làm căn cứ thực hiện. Triển khai việc này cần chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục theo hướng dẫn, tuân thủ quy định pháp luật. Ngoài ra, các bước tiến hành phải được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ.

Một trong những vướng mắc khi XLĐDD là khó thu tiền sử dụng đất của người dân. Có những hộ đủ điều kiện XLĐDD nhưng chậm nộp tiền sử dụng đất vì số tiền này có thể vượt quá khả năng chi trả của các hộ hoặc chưa trả được ngay. Từ các xã làm điểm, kinh nghiệm rút ra là cơ quan chức năng cần làm việc với hộ có nhu cầu XLĐDD, có biện pháp để các hộ thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính thì mới làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ, tránh tình trạng nợ đọng tiền sử dụng đất. Ông Nguyễn Tất Tâm, cán bộ địa chính - xây dựng - môi trường xã Văn Giang nói rõ thêm: "Khi các hộ đăng ký XLĐDD, cơ quan chức năng nên yêu cầu các hộ cam kết tạm ứng trước một số tiền để làm cơ sở ràng buộc về mặt tài chính thì mới làm thủ tục, hồ sơ tiếp theo".

NINH TUÂN

(0) Bình luận
Kinh nghiệm từ Ninh Giang