Kinh nghiệm trồng khoai lang thu đông

09/09/2014 16:13

Viện Cây lương thực và cây thực phẩm không chỉ chọn tạo được nhiều giống cây có củ tiến bộ mà còn có nhiều kỹ thuật tiên tiến tác động lên các cây trồng này.


Với cây khoai lang, các kỹ thuật tiến bộ đã được kiểm chứng và cho kết quả khả quan qua các mô hình đã triển khai trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Xin được giới thiệu với nông dân các kỹ thuật đối với cây khoai lang vụ thu đông:

+ Thời vụ: Cây khoai lang trồng ở vùng đồng bằng sông Hồng chỉ cho năng suất cao khi được trồng trong vụ thu đông với thời vụ từ ngày 25-8 đến 10-9.

+ Kỹ thuật làm đất: Đất thích hợp là đất cát pha, đất thịt nhẹ. Đất cần được cày bừa kỹ, lên luống rộng 1,2 m, cao 30 - 40 cm. Đây là điều kiện cần thiết để khoai lang phát triển thuận lợi và cho năng suất cao. Không nên làm luống thấp và nhỏ hơn (cây không cho năng suất tối đa, bọ hà phá hại nhiều) hay cao và rộng hơn (lãng phí đất, cũng làm giảm năng suất củ). Nếu đất có tầng đất màu nông thì cần làm luống rộng 1,3 - 1,4 m cả rãnh. Lên luống cần phải bảo đảm luống khoai phải “nở sườn” để cây khoai đâm được nhiều tia củ hơn và xuống củ được đẫy hơn.

+ Chuẩn bị giống: Để có năng suất cao, nông dân chỉ khai thác dây bánh tẻ đoạn 1 và đoạn 2 sao cho đoạn dây cắt dài 30 - 35cm, bảo đảm trên dây khoai phải có từ 5 - 6 mắt thân.

+ Kỹ thuật trồng: Cách trồng mới là “trồng một dây thẳng hàng giữa luống nối đuôi nhau”, sau khi đánh rạch, bón phân lót, bảo đảm 4 dây/1 m dài (cây cách cây 25 cm). Đặt dây nông dọc theo luống sao cho chỉ để 3 lá ngọn phía trên mặt đất (phía trên mặt đất sau khi phủ dây chỉ còn lại 2 mắt thân). Không nên để quá 3 lá trên mặt đất vì nếu để quá nhiều lá phía trên, cây khoai sẽ hô hấp và thoát hơi nước nhiều làm cho đoạn dây nhanh bị khô và chết, nhất là khi trồng gặp thời tiết nắng nóng, khô hanh. Với kỹ thuật trồng như trên, qua nhiều mô hình ngoài sản xuất đã cho kết quả là: Rất nhiều củ to đều xếp sát nhau, năng suất cao hơn đối chứng (trồng áp tường).

+ Bón phân: Lượng phân bón cho 1 sào Bắc Bộ: 300 kg phân chồng hoặc 30 kg hữu cơ vi sinh. Từ 15 - 20 kg phân supe lân, 3-5 kg u-rê và 6 - 7 kg ka li. Bón lót toàn bộ lượng phân chuồng hoặc hữu cơ vi sinh + toàn bộ phân lân +1/3 lượng đạm + 1/3 lượng ka li. Lượng phân còn lại dùng để bón thúc kết hợp với vun xới.

Vun xới lần 1: Sau trồng 20 - 25 ngày kết hợp với bón thúc 1/3 lượng đạm và 1/3 lượng ka li; vun xới lần 2 sau lần 1 từ 15 - 20 ngày kết hợp với bón số phân còn lại.

+ Chăm sóc:

- Bấm ngọn: Sau khi trồng 15 - 20 ngày cần bấm ngọn để cây phân nhiều cành cấp 1. Trong suốt thời gian sinh trưởng sau của cây khoai lang không nên bấm ngọn nhiều lần. Khi thấy dây khoai bò xuống dõng cần sớm nhấc dây, vắt lên luống. Không nên để dây khoai bầm xuống dõng quá lâu. Nếu thấy thân lá phát triển mạnh quá chỉ cần cắt tỉa bớt thân lá ở phần rãnh luống để lại 90% che phủ luống là vừa.

- Tưới nước: Thường xuyên giữ ẩm cho các luống khoai bảo đảm độ ẩm luống đạt 70 - 80% (nắm đất lấy ở nơi rễ cây tập trung trong tay thấy mát, không có nước rỉ ra kẽ tay hay đất tơi ra khi buông nắm tay). Không được để nước liên tục ở rãnh. Vì độ ẩm quá lớn, cây khoai sẽ tập trung ra rễ dền mà không phát triển nhiều tia củ.

+ Phòng trừ sâu bệnh hại: So với các cây rau màu khác, cây khoai lang ít bị sâu bệnh hại hơn. Chú ý phòng trừ một số sâu bệnh hại chính như: Sâu ăn lá, bọ hà, bệnh ghẻ. Trong đó quan trọng nhất là phòng trừ đối tượng bọ hà: Cần lên luống cao, vun luống 2 lần/vụ, giữ ẩm thường xuyên cho luống. Tuyệt đối không được để luống khoai khô nứt nẻ sẽ tạo điều kiện cho bọ hà chui vào luống khoai. Có thể dùng thuốc Diazan 10H rắc vào rạch trước khi trồng sẽ diệt được bọ hà gây hại...

KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm trồng khoai lang thu đông