Kinh nghiệm phòng chống cháy rừng ở Lê Ninh

20/08/2015 11:01

Là nơi có diện tích rừng lớn nhất huyện, những năm gần đây, xã Lê Ninh (Kinh Môn) luôn triển khai nhiều biện pháp để bảo vệ, phòng chống cháy rừng hiệu quả.



Lực lượng dân quân cùng với chủ hộ có rừng phát dập thực bì, làm đường băng cản lửa


Lê Ninh có 259,8 ha rừng phòng hộ, chủ yếu là keo, thông với độ che phủ gần 90% thuộc sở hữu của 210 hộ. Xã đã thực hiện chính sách giao khoán rừng cho các hộ dân. Khi trở thành chủ sở hữu, hiểu được những giá trị kinh tế từ rừng mang lại, các hộ dân đều nâng cao ý thức bảo vệ tài sản của mình. Ông Trịnh Thế Hanh ở thôn Lê Xá có tới 13,21 ha rừng và là một trong 42 chủ hộ tham gia quản lý rừng cho biết: "Từ khi nhận khoán rừng của xã, ngoài việc trồng mới, chăm sóc, chúng tôi luôn chấp hành nghiêm quy định về phòng chống cháy rừng như đi vào rừng không hút thuốc lá, thuốc lào. Tình trạng vào rừng đốt ong lấy mật đã được hạn chế triệt để". Cùng nhận thức như vậy, ông Đỗ Văn Lâm, chủ của 13,14 ha rừng ở thôn Vĩnh Lâm nói: “Mỗi hộ có rừng luôn phát quang, dập thực bì, khu giáp ranh đều làm đường băng cản lửa rộng 4 m, vừa tạo thuận lợi cho công tác tuần tra, vừa có thể cơ động đưa phương tiện máy móc, cơ giới ứng phó kịp thời nếu xảy ra cháy. Vào những đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, các chủ hộ đều lên lịch phân công nhau phối hợp với lực lượng quân sự, công an xã thường xuyên kiểm tra vào các giờ cao điểm có nguy cơ cháy cao để phát hiện và ứng phó kịp thời khi có tình huống cháy xảy ra”.

Ngoài việc kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, triển khai phương châm 4 tại chỗ: “Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ”, xã Lê Ninh cũng thực hiện 4 sẵn sàng: “chỉ huy sẵn sàng, lực lượng sẵn sàng, phương tiện hậu cần sẵn sàng, thông tin liên lạc sẵn sàng”, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng cháy rừng xảy ra. UBND xã thường xuyên cử người về địa bàn dân cư tuyên truyền những lợi ích của rừng, gắn lợi ích của nhân dân với việc chăm sóc, bảo vệ rừng. UBND xã đã thiết lập mạng lưới thông tin về phòng chống cháy rừng trên địa bàn toàn xã. Theo đó, khi có tình huống xảy ra, các cán bộ phụ trách, chủ hộ có rừng thông tin trực tiếp về Đài Truyền thanh để Ban Chỉ huy phòng chống cháy rừng của xã điều hành trên loa truyền thanh, hướng dẫn các tổ, đội, lực lượng hỗ trợ và nhân dân tiếp cận, dập tắt khu vực xảy ra cháy. Còn khi xảy ra đám cháy nhỏ, cán bộ phụ trách huy động lực lượng thuộc quyền dập lửa và cử người canh tàn, tránh để ngọn lửa cháy trở lại.

Đồng chí Trần Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND, Phó Trưởng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão, phòng chống cháy rừng và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ xã Lê Ninh khẳng định: Xã đưa bảo vệ rừng trở thành một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết. Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo thành lập tổ dân phòng tại các khu dân cư, kiện toàn lực lượng chữa cháy rừng, chỉ đạo lực lượng quân sự, công an và bí thư các chi bộ, trưởng, phó thôn phối hợp với các chủ hộ có rừng nắm chắc, quản lý diện tích rừng và trực vào giờ cao điểm. Xã phân công trách nhiệm cho từng đảng uỷ viên, ủy viên UBND phụ trách, chịu trách nhiệm về phòng chống cháy rừng ở các thôn, khu dân cư, coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên trong năm. Nhờ đó, đã tạo được sự chủ động và trách nhiệm cao của mỗi cán bộ, đảng viên.

Những giải pháp trên giúp các hộ dân ở Lê Ninh có rừng ổn định sản xuất, quốc phòng, an ninh được giữ vững, bảo vệ môi trường sinh thái và phát huy thế mạnh kinh tế rừng.


PHÙNG VĂN HẠNH


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm phòng chống cháy rừng ở Lê Ninh