Hiện nay rầy nâu đang bùng phát trên diện rộng gây hại lúa mùa. Khôngít hộ nông dân phun thuốc 2- 3 lần tốn nhiều công sức, tiền bạc mà vẫnbị rầy hại nặng. Xin giới thiệu kinh nghiệm diệt rầy nâu hiệu quả.
Nông dân xã Phạm Trấn (Gia Lộc) phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho lúa mùa. Ảnh: Đức Lợi |
Tự kiểm tra rầy, xác định ngưỡng phòng trừ hiệu quả, thời điểm phun thuốc. Cách làm như sau: Điểm kiểm tra cách bờ 1-2m và cách nhau 4-5m. Kiểm tra khi ruộng có nước ngập 3-5cm, vào 9-11giờ sáng. Tại mỗi điểm kiểm tra, vạch gốc lúa đoạn dài 2-3m, vỗ nhẹ vào gốc lúa, quan sát thấy có rầy ước chừng > 20 con/khóm là thời điểm phun thuốc trừ rầy.
1. Mật độ rầy thấp, dưới 20 con/m2 dùng các loại thuốc điều hoà sinh trưởng như: Applaud 25WP; Difluent 10WP, kết hợp với chất bám dính phun vào gốc nơi rầy trú ngụ. Mật độ rầy > 20-50 con/khóm dùng nhóm thuốc điều hoà sinh trưởng kết hợp với thuốc tiếp xúc như: Trebon 10WP; Bulldock 25EC, phun trực tiếp vào gốc lúa.
Giai đoạn lá lúa còn xanh tốt nhất dùng loại thuốc trừ rầy có 2 tác động: Nội hấp (lưu dẫn) và tiếp xúc mạnh, ít độc hại với người và thiên địch, thời gian trừ rầy dài, phun lên tán lá, thân cây không cần rẽ lúa khi phun. Những loại thuốc trừ rầy nội hấp đặc hiệu đáng tin cậy có uy tín cao trên thị trường có tên thương phẩm là: Penalty gold 30WWG; Oshin 20WP; Sachray 200WP…
Về nồng độ liều lượng cần căn cứ vào mật độ rầy, tuổi rầy để quyết định. Thông thường, khi đa số là rầy tuổi nhỏ (trên 50% số rầy tuổi 1-3) mật độ thấp dưới 20 con/khóm phun thuốc với nồng độ, liều lượng như hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Mật độ 20-50 con/khóm, tăng nồng độ lên gấp 1,5lần.
2. Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi, lá lúa biến vàng bị nhiễm rầy, lúc này lá lúa hấp thu kém hoặc trường hợp đa số là rầy trưởng thành (trên 50% số rầy tuổi 5 có cánh ngắn hoặc dài), mật độ rầy cao trên 100 con/khóm cây lúa đã héo, cháy rầy điểm nên sử dụng thuốc trừ rầy có tác dụng tiếp xúc mạnh. Để hạn chế tính chống thuốc của rầy và tăng tính độc cho rầy chết nhanh cần phối hợp 2 loại thuốc với nhau.
Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc trừ rầy tiếp xúc nhưng hiệu quả nhất hiện nay vẫn là Bassa + Padan + bám dính (hoặc dầu khoáng, xà phòng bột). Dùng 60ml Bassa 50EC + 15g Padan 95SP + 10ml chất bám dính (hoặc 1-2g xà phòng bột; 20-25ml dầu khoáng)/bình 10-12lít, phun 3-4 bình/sào.
Nếu ruộng cạn nước, rầy chỉ chết 30-40% với những con trực tiếp dính thuốc. Trên mặt ruộng có một lớp nước ngập, chất nhũ dầu mang hoạt chất Fenobucarb có trong thuốc Bassa cùng với chất phụ gia (xà phòng bột, dầu khoáng, bám dính) tạo thành lớp váng thuốc trên mặt nước, những con rầy thấy động (60-70% số rầy) nhảy xuống nước sẽ dính thuốc hoặc bị bịt mất lỗ thở mà chết. Rẽ lúa thành luống có chiều rộng 80-100cm để phun được vào gốc lúa nơi có tới 90% lượng rầy trú ngụ. Cần dùng bình bơm có tia nhỏ để phun vào gốc lúa.
-------------------
Chú ý: Không nên phun rầy nâu giai đoạn lúa đang trổ bông, phơi màu rộ, vì giai đoạn này lúa rất mẫn cảm với thuốc, trừ trường hợp cháy rầy giai đoạn này cần tạo băng phun vào gốc lúa, không phun lên bông lúa.