Bón phân hợp lý là sử dụng lượng phân bón thích hợp cho cây trồng bảo đảm tăng năng suất mà không để lại các hậu quả tiêu cực lên nông sản và môi trường sinh thái.
Để thực hiện được công việc này đòi hỏi nông dân cần chú ý một số yêu cầu sau:
Cần trang bị cho mình một cuốn cẩm nang về phân bón (sổ tay phân bón). Có được tài liệu này nông dân mới am hiểu về phân bón cũng như cách bón phân sao cho hiệu quả. Song cuốn cẩm nang này không hoàn toàn là chìa khóa vạn năng để nông dân áp dụng một cách máy móc. Trên cơ sở những điều đã viết trong sách, người xem cần phải biết liên hệ thực tế và vận dụng nó phù hợp. Nông dân cần hiểu biết đầy đủ, chuyên sâu về thời tiết, khí hậu, đất đai, thậm chí cả cây trồng ở nơi sản xuất. Cần nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây để cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng một cách kịp thời và hiệu quả nhất. Ví dụ nếu bón thúc phân cho lúa gặp điều kiện thời tiết ấm áp không nắng hoặc mưa nhiều thì chỉ cần phối trộn phân đơn u rê và kali clorua để rắc xuống ruộng thay vì bón phân tổng hợp NPK. Nhưng khi bón phân gặp thời tiết nắng nóng hoặc mưa kéo dài cần lựa chọn phân tổng hợp để hạn chế đạm bị thất thoát.
Về đặc điểm đất đai nông dân có thể theo dõi và phát hiện dần qua quá trình sản xuất. Cần có kiến thức để đánh giá về độ phì của đất, loại hình đất trồng thuộc dạng gì? Đất cát pha hay thịt nhẹ, đất giàu sét, cát... Độ phì nhiêu của đất phụ thuộc nhiều vào chế độ canh tác, vào cây trồng những năm trước đó. Ví dụ đất vụ trước trồng cây họ đậu thì vụ sau sẽ giàu đạm, nhưng trước đó trồng ngô thì đất cạn kiệt dinh dưỡng.
Khí hậu thời tiết diễn biến hằng năm có thể tham khảo các tài liệu của trạm khí tượng trong vùng. Cần lưu ý là thời tiết khí hậu thường diễn biến theo chu kỳ. Nông dân trải qua nhiều vụ, nhiều năm sản xuất thì cần tích lũy kinh nghiệm cho mình để tạo thành kỹ năng. Đây cũng là một trong những khâu then chốt để bón phân cho cây trồng đạt hiệu quả hay không. Thời tiết đầu vụ xuân thường có rét kéo dài, phân bón sẽ phân giải chậm nên cần bón lót nhiều. Ngược lại khi gieo cấy vụ mùa, thời tiết hay có mưa lớn hoặc nắng nóng kéo dài thì bón lót phân ít hơn.
Về cây trồng, nông dân phải nắm rõ đặc điểm giống, nhất là các nhu cầu về dinh dưỡng (giống ưa thâm canh hay không).
Ngoài ra để có thể bón phân hợp lý cần theo dõi và nắm sát trạng thái của cây trên đồng ruộng (nhìn cây mà bón). Những biểu hiện thành triệu chứng và trạng thái của cây thể hiện ra bên ngoài phản ánh rất đúng các nhu cầu về từng yếu tố dinh dưỡng. Ví dụ cây thiếu đạm sẽ còi cọc, lá vàng, thân lá ngắn, ít rễ; cây thiếu kali sẽ mềm yếu, lá mất màu xanh bắt đầu ở mép lá... Những biểu hiện thiếu hoặc thừa dinh dưỡng của cây trồng được gọi là bệnh sinh lý. Nông dân thường rất khó nhận biết về các triệu chứng này nên thường tốn kém khi mua và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun. Muốn hiểu về các triệu chứng này nông dân cần nghiên cứu tài liệu, hình ảnh và quan sát kỹ biểu hiện trên cây trồng ở các thời điểm trong mỗi vụ sản xuất, thậm chí là tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm sản xuất.
KS. TRẦN THỊ LIÊN (Trạm Khuyến nông Nam Sách)